Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hệ thống sông hồ Hà Nội – đề tài nhìn từ lý luận và thực tiễn
Thứ năm, 09/04/2015 04:55

Hệ thống sông ngòi và hồ nước ở Hà Nội là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó nổi bật là các nghiên cứu về thủy văn, địa lý và lịch sử. Tuy nhiên, để có một công trình nghiên cứu một cách tổng quát và đầy đủ, phản ánh về mọi mặt của hệ thống sông hồ Hà Nội thì lại chưa có. Chính vì lẽ đó đề tài Hệ thống sông hồ Hà Nội do PGS.TS. Đặng Văn Bào chủ trì đã ra đời. Đề tài này sẽ xuất bản thành sách nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến do Nhà xuất bản Hà Nội thực hiện.

 
Ý nghĩa thực tiễn mà đề tài muốn hướng tới là sẽ giới thiệu đầy đủ hệ thống hồ nước, sông ngòi với sự phân bố cụ thể; nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển và các nhân tố ảnh hưởng tới hệ thống hồ nước, sông ngòi khu vực thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đưa ra này tiến hành phân tích, đánh giá được hiện trạng và biến động về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường các hồ nước, sông ngòi; tái hiện được hệ thống các lòng sông cổ khu vực thành phố Hà Nội. Hơn thế, đề tài còn chỉ ra thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng hồ nước, sông suối và vấn đề môi trường liên quan. Đồng thời đề xuất được các giải pháp quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các hồ nước sông ngòi khu vực thành phố Hà Nội.

Xét lịch sử nghiên cứu đề tài thì ở Việt Nam, những nghiên cứu liên quan hồ nước, đặc biệt các hồ do biến đổi lòng sông và tai biến liên quan thực sự đư­ợc định hình vào những năm 90 của thế kỷ XX. Đư­ợc sự chỉ đạo của Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, hàng loạt đề tài cấp Nhà nư­ớc, cấp Bộ và cấp cơ sở đã tập trung vào h­ướng nghiên cứu tai biến thiên nhiên, trong đó có hướng nghiên cứu về biến đổi lòng dẫn và xói lở bờ sông. Các công trình nghiên cứu có liên quan với hệ thống sông - hồ được tập trung theo một số hướng chính sau:

- Hướng điều tra, nghiên cứu cơ bản về địa chất, địa mạo và cổ địa lý

Do vị trí địa lý và tiềm năng to lớn, đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung và khu vực Hà Nội nói riêng là nơi được sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học từ nhiều thế hệ đến nay. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thực sự khoa học và hệ thống chỉ vào đầu thế kỷ XX.

Từ sau năm 1954, Đồng bằng sông Hồng được nghiên cứu ngày càng chi tiết, ban đầu là do các chuyên gia Liên Xô cũ và sau đó là các cán bộ Việt Nam thực hiện. Các bản đồ địa chất, khoáng sản và địa mạo khu vực lần lượt được đo vẽ ở tỷ lệ 1:200.000 và 1: 50.000.

Về mặt địa tầng, các trầm tích bở rời tuổi Đệ tứ cấu tạo đồng bằng Hà Nội mới được các tác giả người Pháp nêu ra sơ bộ ở giai đoạn trước thì đến nay đã được xem xét và phân chia một cách khá chi tiết. Điều này có thể thấy trong các công trình của Golovenok V.K. và Lê Văn Chân, Nguyễn Đức Tâm [1968], Hoàng Ngọc Kỷ [1973], Vũ Đình Chỉnh (1977), Trần Nghi [2004], Ngô Quang Toàn [1989] v.v.

Sự tái hoạt động của đứt gãy sâu sông Hồng trong Kainozoi đã thu hút khá nhiều học giả trong và ngoài nước thuộc nhiều chuyên sâu địa chất khác nhau tới quan tâm nghiên cứu. Dần dần ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu về khu vực. Bên cạnh đó cũng xuất hiện ngày càng nhiều công trình có tính chất ứng dụng góp phần vào việc khai thác, bảo vệ tài nguyên, sử dụng lãnh thổ, phát triển khu vực.

Về mặt địa mạo, khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng đã được nhiều người quan tâm nghiên cứu. Đồng hành với các loạt bản đồ địa chất, các loạt bản đồ địa mạo được ra đời ở tỷ lệ 1:200 000 và 1:50 000. Các công trình nghiên cứu đầu tiên thuộc về Huỳnh Ngọc Hương và Nguyễn Đức Chính (1960), Lê Bá Thảo (1964), Đỗ Tuyết (1968), Nguyễn Đức Tâm (1976, 1981), sau này là các nghiên cứu của Đào Đình Bắc, Nguyễn Vi Dân (1988), Vũ Văn Phái (2007, 2011)... v.v. Đáng quan tâm nhất là các công trình đo vẽ lập bản đồ địa chất của Liên đoàn Bản đồ do Ngô Quang Toàn chủ trì. Những vấn đề về lịch sử phát triển trầm tích và địa hình cũng được đề cập tới nhiều trong các công trình của Trần Nghi, Nguyễn Địch Dỹ, Doãn Đình Lâm,...

Trong thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều công trình nghiên cứu chuyên đề mang tính ứng dụng cho khu vực nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của thực tiễn như: các vấn đề sử dụng đất, thuỷ lợi, giao thông, quản lý lãnh thổ, các vấn đề về xói lở đường bờ, bồi lấp luồng lạch giao thông thuỷ, tìm kiếm khoáng sản trong khu vực.
Đối với nghiên cứu biến động lòng sông, các báo cáo đã được công bố trước đây chủ yếu tập trung vào sông Hồng và sông Đáy. Đặc biệt các nghiên cứu của Trần Nghi, Đào Đình Bắc, Đặng Văn Bào, Ngô Quang Toàn đã cho bức tranh chung về biến động lòng sông Hồng, sông Đáy trong giai đoạn Holocen muộn. Trần Nghi (2010), trên cơ sở phân tích thành phần vật chất của một số hồ ở Hà Nội đã đưa ra sơ đồ hướng dịch chuyển của sông Hồng cổ trong Holocen (khu vực hồ Tây, hồ Yên Sở) và cũng có kết luận rằng các hồ Hoàn Kiếm, Thuyền Quang, Bảy Mẫu, Thanh Nhàn không phải là hồ móng ngựa, mà thuộc hồ bãi bồi thấp nối liền với hệ thống sông Tô Lịch - là kênh rạch thoát lũ phát nguyên từ trên bãi bồi đổ vào sông Hồng.Tuy nhiên các báo cáo chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu lòng cổ tại các sông Hồng và sông Đáy và còn là những nét rất sơ lược. Gần đây các phân tích về đặc trưng địa mạo (liên quan đến hệ thống các lòng sông cổ) trong mối quan hệ với nguy cơ ngập lụt của Hà Nội đã được đề cập và phân tích trong một số công trình của các tác giả Đào Đình Bắc, Đặng Văn Bào, Nguyễn Hiệu,… công bố trong Hội thảo Địa lý Đông Nam Á lần thứ 10 (11/2010) và Hội thảo kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long.

- Về hướng nghiên cứu thuỷ văn: Trong phạm vi đồng bằng Hà Nội đã có đề tài độc lập cấp Nhà nước “Đánh giá khả năng chứa lũ, thoát lũ của sông Đáy” do Viện Khí tượng Thuỷ văn chủ trì (1999-2001).

Các nghiên cứu về sông Hồng khá nhiều, song thường chỉ có tính chuyên ngành, việc nghiên cứu tổng thể chưa thực sự được chú ý.

- Về biến đổi cảnh quan mặt nước, đặc điểm sinh thái và chất lượng môi trường

Thăng Long - Hà Nội được mệnh danh là “đô thị của sông, hồ”, cảnh quan mặt nước nói chung và hệ thống các hồ Hà Nội nói riêng được nhiều tác giả tiến hành nghiên cứu, các dự án cũng được triển khai nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị của chúng với những khía cạnh khác nhau về nguồn gốc, lịch sử, hiện trạng môi trường… Cảnh quan sông hồ được nhìn nhận đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị sinh thái ở Hà Nội nên chất lượng nước hồ cũng như môi trường ven hồ và chất lượng cuộc sống rất được chú ý trong nhiều báo cáo.

Về vấn đề biến đổi mặt nước cũng như tác động của nó tới đời sống người dân và cảnh quan đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Ví dụ như Nguyễn Địch Dỹ có bài Sông ngòi, hồ, đầm lầy Hà Nội xưa trong Tạp chí Kiến trúc số 2/2006 với sự so sánh biến động hệ thống sông, hồ qua nhiều thời kỳ; bài báo này cũng cung cấp bản đồ thành phố Hà Nội năm 1926 do người Pháp thực hiện.Năm 2010, Nguyễn Cao Huần, TS.Trần Anh Tuấn, trong công trình Cảnh quan hồ nước Hà Nội - chức năng và thực trạng quản lýđã đưa ra các kết quả nghiên cứu điển hình tại các hồ ở quận Đống Đa, Hà Nội... Trong các năm 2002 - 2003, dưới sự tài trợ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành Dự án “Quản lý bền vững và bảo tồn đất ngập nước Hà Nội”. 

Ngày 30/6/2011, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) ra mắt website hồ Hà Nội và Bản đồ các hồ sáu quận nội thành Hà Nội với mục đích xây dựng một mạng lưới kết nối cộng đồng gìn giữ và bảo vệ các hồ ở Hà Nội, hỗ trợ sự hợp tác chia sẻ thông tin giữa các chuyên gia môi trường, các nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng cư dân vùng hồ.

Những khó khăn thách thức và bất cập trong quản lý hồ Hà Nội đã được nghiên cứu ngày càng nhiều với mong muốn đề xuất và hiện thực hóa các thể chế và văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng hợp lý hệ thống sông hồ ở Hà Nội. Với đề tài Hệ thống sông hồ Hà Nội do PGS.TS. Đặng Văn Bào chủ trì muốn một lần nữa mang lại ý nghĩa thực tiễn góp phần sử dụng bền vững các hồ nước và hệ thống sông ngòi của thành phố Hà Nội, đồng thời sẽ là cơ sở tham khảo cho các nhà quản lý hoạch định, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, cảnh quan của Thủ đô.

Linh Chi (tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội


  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá