Câu đối cũng giống như các thể loại Văn học Việt Nam khác ở một phần nội dung khá quan trọng và đáng chú ý, đó là tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. Về mặt này, câu đối Thăng Long – Hà Nội thường tập trung thể hiện thông qua việc truyền thuật lại sự tích, công lao của các vị thần (thiên thần và nhân thần), các nhân vật lịch sử đã trực tiếp hay gián tiếp góp phần vào công cuộc bảo vệ và trị bình của đất nước. Như tại đền Bạch Mã – một trong tứ Trấn của kinh thành Thăng Long xưa có câu đối ca ngợi thần Bạch Mã đã có công “Phù Lý ức Cao” (Phù trợ nhà Lý, áp chế Cao Biền), bảo vệ tổ quốc: “Xe ngựa từ trời về, giúp Lý chống Cao, dấu thiêng còn đó. Long Biên truyền đất đẹp, vạt Tô đai Nhị, đền chính tôn nghiêm”. Lại có câu đối ca ngợi sự thống nhất đất nước, khẳng định độc lập chủ quyền và lãnh thổ, một quốc gia lễ nghĩa, văn hiến nghìn năm như câu đối ở Khuê Văn Các tại Văn Miếu Quốc Tử Giám: “Thánh hiền nhất thống đồ thư phủ, Văn hiến thiên niên lễ nghĩa bang” dịch nghĩa: “Kho đồ thư thánh hiền một mối, Nước lễ nghĩa văn hiến nghìn năm”.
Một trong những nét đặc sắc của câu đối Hà Nội là miêu tả phong cảnh. Chỉ với hai vế đối giống như hai câu thơ ngắn gọn súc tích nhưng đã họa lên bức tranh thiên nhiên khoáng đạt, dẫn dắt người đọc đến với tiên cảnh, thực thực hư hư. Có những bức đối mới chỉ nghe âm điệu, chưa cần dịch nghĩa đã có thể cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nó. Như hai câu đối tại đền Ngọc Sơn: “Miếu mạo sơn dung tương ẩn nước, Thiên Quang vân ảnh cộng bồi hồi”. Đôi khi lại là sự ca ngợi và nêu bật vị thế của kinh đô ngàn năm Thăng Long, là nơi trọng yếu hội tụ của bốn phương, nhấn mạnh tính đắc địa về phong thủy của vùng đất này như câu đối khá dài ở đền Trấn Vũ: “Nam Giao có nước tự Hồng Bàng, trải Trần Lê đến nay, thế cuộc được đua, khí thế vẫn tụ vào Long Đỗ - Sao phương Bắc gọi là Huyền Vũ, đống ở giữa trời đất, vận hành ngang dọc, ánh thần rực rỡ trấn rắn rùa”. Một nội dung phản ánh khá quan trọng khác của câu đối Hà Nội đó là triết lý, tư tưởng, là tuyên ngôn về giáo lí mà chủ yếu là giáo lí của Tam giáo: Nho, Phật, Đạo. Ở câu đối Nho Giáo thì tôn sung Thánh đạo, ca ngợi Khổng Tử, Thánh hiền và đạo lý Nho giáo, ca ngợi lễ nghi chế độ, đạo đức chính trị, giáo hóa văn chương. Câu đối Phật giáo thường tập trung ở các chùa thể hiện hai nội dung chính: Tính (Lý) gồm giáo lý, giáo nghĩa. Tướng (Sự): thuật lại sự tích đức Phật, lịch sử truyền bá của Phật giáo, ca ngợi, tán than công đức của chưa Phật và nhân vật Phật giáo, truyền đăng của Chư tổ… Còn câu đối Đạo giáo thể hiện tinh thần siêu thoát của người đắc đạo, phiêu diêu chốn tiên cảnh. Thuật lại thánh tích, công nghiệp của thần với lê dân, xã tắc… Song nội dung phổ biến nhất của câu đối trên các di tích Hà Nội lại là ca ngợi danh nhân, hầu như trên bất cứ một di tích nào cũng có mảng câu đối ca ngợi hành trạng, công tích của nhiều danh nhân nổi tiếng từ lâu đời đã ăn sâu vào tiềm thức và sự tôn sung của người Việt như: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương, Lê Thánh Tông, Chu Văn An… những nhân vật đó là những người lúc sinh thời có công lao lớn đối với công cuộc trị bình cho xã tắc, lê dân. Đây là một đặc điểm thể hiện rõ nét tinh thần “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vốn là truyền thống đạo lý lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Về mặt nghệ thuật, câu đối Hà Nội sử dụng hình thức đối xứng, vế khai và vế đối đặt những khái niệm cùng loại hoặc khái niệm đối nhau đặt vào những vị trí đối ứng thích hợp tạo thành đối xứng. Bên cạnh đó, tiết tấu câu đối rất hài hòa với cái đẹp của thanh vận, cái đẹp của sự bằng đều, tề chỉnh, cái đẹp đối xứng và cái đẹp của sự so le, chỉnh về mặt bằng trắc, ổn định về cú pháp, kết cấu hai vế với nhau. Sở dĩ câu đối có thể tồn tại lâu dài và độc lập là bởi văn tự hết sức tinh giản, ngắn gọn nhưng biêt đạt lớn, tạo nên đặc trưng của thể loại và khả năng truyền bá dễ dàng. Nghệ thuật câu đối Hà Nội còn được thể hiện ở việc lựa chọn hình tượng công phu mang sắc thái tình cảm có tính chủ quan của tác giả “Xúc cảnh sinh tình” và thủ pháp sử dụng điển cố được lưu truyền lại thông qua thư tịch cổ và văn chương cổ điển. Phần lớn các câu đối đều thỏa mãn những nguyên tắc cơ bản về số chữ, luật đối của từ loại, từ tính.
Nội dung và nghệ thuật của câu đối Thăng Long – Hà Nội tại di tích đã góp phần tạo nên giá trị bất hủ cho thủ đô ngàn năm văn hiến, đồng thời góp phần khẳng định vị thế của Hà Nội – một trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của cả nước. Góp phần minh xác cho một thể loại văn học đặc biệt trong nền văn học trung đại bằng chính những thành tựu về nội dung và nghệ thuật trong việc tham gia phản ánh tự nhiên, con người với nhiều mặt của đời sống xã hội. Độc giả hãy cùng tìm hiểu nét đẹp của từng quận, huyện trên đất nghìn năm Thăng Long qua nội dung, nghệ thuật của hệ thống câu đối được chọn lọc trong tác phẩm “Câu đối Thăng Long – Hà Nội” trong tủ sách 1000 năm Thăng Long của Nhà xuất bản Hà Nội.
Trần Thọ
Nhà xuất bản Hà Nội