Đúng như tên gọi “Hà Nội: Tiểu sử một đô thị” với biểu thời gian được xác định từ triều đại các vua Hùng (2879 TCN) đến kỷ niệm Hà Nội nghìn năm tuổi (2010). Chỉ với 408 trang sách được chia làm 8 chương: Từ ý thức hệ, ký ức và ý nghĩa di sản; Thăng Long, thành phố rồng bay. Hà Nội thời kỳ tiền thuộc địa và những dấu ấn Trung Hoa; Hà Nội: Xây dựng một thủ phủ cho xứ Đông Pháp; Màn chuyển cảnh của người Nhật. Cuộc kháng chiến của người Việt. Sự hợp tác với người Pháp và sự sụp đổ; Dưới bom Mỹ Hà Nội trong cuộc chiến tranh Việt Nam; Đô thị đỏ bên sông Hồng: Tạo dựng bộ mặt xã hội chủ nghĩa của Hà Nội; Đổi mới và Hà Nội những năm 1990 đến Hà Nội đối mặt với thiên niên kỷ mới.
Qua những trang viết về đô thị Hà Nội chúng ta thấy tác giả là một nhà khoa học nghiêm túc nhiệt huyết dưới quan sát từ bên ngoài chính của người ngoại quốc làm nên tính khách quan và những trải nghiệm mới mẻ cho độc giả. Với cuốn sách - một luồng gió mới thổi vào nền khoa học văn hóa bằng những cái nhìn nhiều chiều, nhiều khía cạnh khác nhau xoay quanh những nghiên cứu nhằm tìm hướng đi và giải pháp đúng nhất tạo ra được những công trình chuẩn mực nhất trong khoa học. Đây cũng là mong muốn lớn nhất của tác giả khi viết cuốn sách này.
Trong quá trình nghiên cứu của mình, tác giả phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tư liệu với nhiều thứ tiếng. Với nhiều bức ảnh về Hà Nội xưa có giá trị cuốn sách là cuốn tư liệu cung cấp thêm thông tin về hình ảnh một đô thị rõ nét hơn. Với niềm đam mê nghiên cứu, khám phá tác giả đã được tiếp xúc với nhiều nguồn tư liệu quý nói về Hà Nội và tiến hành nghiên cứu ở nhiều địa điểm (Hà Nội, Pais, Aix-en Provence, Moscow và tại trường Đại học Deakin ở Melbourne), cùng với nhiều chuyến đi ra nước ngoài để thu thập tư liệu cho cuốn sách. Qua đó ta cũng thấy được tác giả có một tình cảm đặc biệt với Hà Nội và Việt Nam.
Sự ra đời của cuốn sách ngoài tâm huyết của tác giả qua nhiều năm còn là sự ủng hộ giúp đỡ của rất nhiều người như Giáo sư Phan Huy Lê, chủ nhiệm Khoa Lịch sử ở trường Đại học Tổng hợp, ông Lê Huy Tuấn ở trung tâm I Lưu trữ Quốc gia... và rất nhiều bạn bè đồng nghiệp ở tổ chức UNESCO và trên thế giới. Bên cạnh đó gia đình cũng góp phần không nhỏ vào công trình này. Tác giả đã bộc bạch chia sẻ rằng: “Gia đình tôi đã kiên nhẫn ráng chịu với nhiều chuyến đi ra nước ngoài của tôi để thu thập tư liệu cho cuốn sách”. Tất cả “đã chia sẻ niềm phấn khích cùng tôi đối với Hà Nội và Việt Nam”. Chính đây là những điều kiện thuận lợi, nguồn cổ vũ lớn lao để tác giả có thể viết được một cuốn sách dầy dặn như vậy.
Tuy dưới cái nhìn của một người nước ngoài nhưng bằng ngòi bút của GS.TS William Stewart Logan những hình ảnh về Hà Nội vẫn rất gần gũi, thân thương, đẹp đẽ với đầy bất ngờ sinh động và mới mẻ đối với người đọc. Gắn bó với Hà Nội một thời gian dài, thu lượm được khá nhiều nét độc đáo của di sản văn hóa, kiến trúc nơi đây, tác giả đã dành sự quan tâm rất lớn về vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc của Hà Nội với biết bao thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Qua cuốn sách, người đọc thấy được cách tiếp cận đề tài rất khoa học, lối thể hiện cô đọng, súc tích, văn phong chuẩn mực góp phần diễn giải những kiến thức tưởng khô khan nhưng gần gũi nhẹ nhàng cuốn hút người đọc. Cuốn sách không những là nguồn tư liệu, tài liệu nghiên cứu quý giá đối với đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nói chung mà còn là nguồn tư liệu quý cung cấp thông tin bổ ích cho các bạn đọc trẻ khi muốn tìm hiểu toàn diện về lịch sử mảnh đất Thăng Long - Hà Nội - Thủ đô - Trái tim của cả nước. Đồng thời, công trình này cũng góp phần cung cấp những cơ sở, cứ liệu quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách, quy hoạch cảnh quan, các nhà quản lý di tích tham khảo trực tiếp phục vụ cho việc quy hoạch phát triển của Thủ đô văn minh - hiện đại, có những công trình kiến trúc còn sống mãi với thời gian.
Đặng Tình
Nhà xuất bản Hà Nội