Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
"Hệ thống sông hồ Hà Nội" qua góc nhìn của các nhà nghiên cứu
Thứ năm, 16/04/2015 04:07

Thăng Long – Hà Nội từ xưa cho đến nay được xem là thành phố của sông hồ. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về hệ thống sông hồ Hà Nội, nhưng cho đến nay, chưa có một công trình khoa học nào về sông - hồ - đầm Hà Nội mang tầm tổng hợp, khái quát, nhưng lại có thể dùng để mọi người tra cứu những thông tin cần thiết cho nhu cầu sử dụng của mình. Mặt khác, có những vấn đề hết sức bức thiết đối với toàn xã hội vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục, chẳng hạn như duy trì hay phá bỏ hệ thống đê ngăn lũ sông Hồng, Hà Nội nên phát triển ưu tiên các trung tâm đô thị về hướng nào, trên vùng đất nào, vì sao?; vấn đề khôi phục đoạn sông Đáy từ Đập Phùng đến Ba Thá; vấn đề làm sạch nước sông Tô và Hồ Tây, vị trí đích thực cửa sông Tô Lịch ở đâu, địa danh Hà Nội thực ra ẩn ý gì, v.v. Nhận thức đây là những vấn đề có tính cấp thiết, đề tài "Hệ thống sông hồ Hà Nội" của nhóm tác giả do PGS.TS. Đặng Văn Bào đã ra đời. Đề tài thể hiện một mảng kiến thức rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cho tất cả những ai yêu quý, muốn tìm hiểu về Hà Nội ngàn năm văn hiến. Bản đề cương được nhiều nhà nghiên cứu đồng tình ủng hộ và góp ý kiến. Sau đây trân trọng giới thiệu một số ý kiến.

Sau khi đọc bản đề cương chi tiết của nhóm tác giả, GS.TS. Đào Đình Bắc đã đánh giá: Bản đề cương được trình bày theo đúng mẫu chuẩn của một đề cương xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệở các cơ quan đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các đề mục đều được trình bày một cách chi tiết, nên có sức thuyết phục đối với người đọc về tính khả thi của đề tài. GS.TS. Đào Đình Bắc hiểu rằng mục tiêu theo đuổi của công trình này trong “Tủ sách Thăng Long - Hà Nội” là viết một cuốn chuyên khảo về đề tài địa lý sông ngòi và hồ đầm Hà Nội (ngay cả thành phần của Hội đồng thẩm định cũng đã nói lên điều đó), do vậy không nên coi nó là một đề án nghiên cứu khoa học, nghĩa là không cần làm lại từ đầu, mà chỉ là viết một chuyên khảo trên cơ sở những gì đã có, những gì còn thiếu thì mới khảo sát và bổ sung thêm. Mặt khác, và theo dòng suy nghĩ như thế, rất nhiều tài liệu phục vụ cho nội dung này đã có trong nhiều sách tương ứng xuất bản vào dịp Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (địa chất và khoáng sản, địa mạo, thủy văn, lịch sử, kinh tế - xã hội, v.v.), đồng thời với tư cách là một trong những cuốn sách của tủ sách lớn hơn, nên cần có sự tương thích với những gì đã được xuất bản sau khi đã được Hội đồng đánh giá nghiệm thu của “Tủ sách này”.

Qua bản đề cương cũng như thuyết minh của nhóm tác giả thì đề tài có Nội dung phong phú và đảm bảo độ tin cậy cao. Bản đề cương đã thể hiện được đầy đủ tính cần thiết, ý nghĩa thực tiễn và khoa học của những vấn đề được trình bày.

- Đã cho thấy bề dày kinh nghiệm của người chủ biên với hàng chục năm nghiên cứu và giảng dạy về Địa mạo và Địa chất, với rất nhiều công trình đã công bố có liên quan đến lĩnh vực và địa bàn nghiên cứu (chủ trì 9 đề tài và đăng 12 bài báo);

- Phần tổng quan tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước được thực hiện khá chi tiết và có chất lượng, chứng tỏ học vấn cao của người xây dựng đề cương cả về phương pháp luận cũng như về thực trạng của vấn đề nghiên cứu. Với cách tổng hợp như vậy, chắc chắn các tác giả sẽ đạt được mục tiêu mong muốn.

- Đề cương cũng đề cập một cách sâu sắc tới quan hệ giữa đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội với mạng lưới sông suối và hồ của địa phương.

- Kế hoạch thực hiện các đề mục rất chi tiết và rõ ràng.

- Dự kiến kết quả của đề tài được khẳng định rõ ràng là một chuyên khảo với tất cả những nội dung có thể làm được. Tuy nhiên trong mục này cũng có một vài chi tiết sẽ được chúng tôi góp ý ở phần dưới. Số chương khá nhiều những vẫn nên bổ sung thêm một số nội dung.

Bên cạnh những ưu điểm lớn của bản đề cương, để bản đề cương được tốt hơn và thực hiện đề tài có thuận lợi hơn, PGS.TS. Đào Đình Bắc có góp ý:

- Phần tính cần thiết của đề tài còn chưa nhắc đến những vấn đề tồn tại cần được đề cập trong một cuốn chuyên.

- Tên gọi của cuốn sách này cần bao gồm cả các đầm vốn có nhiều ý nghĩa đối với Hà Nội xưa và nay; mặt khác do tính chất phổ cập của “Tủ sách” này, nên chăng cắt bỏ từ hệ thống và đặt cho nó cái tên phổ thông hơn: Sông suối và hồ đầm Hà Nội (vừa phổ thông lại vừa đầy đủ hơn?).

- Phải có một bảng tổng hợp mang tính tra cứu phổ thông và kèm theo những thông tin lịch sử về tất cả những dòng sông, dòng suối cũng như các lạch thoát lũ và các hồ, đầm Hà Nội (đặt vào cuối chương 4 và được xem như một Bảng kiểm kê chi tiếtvề sông suối - hồ đầm của Hà Nội). Nội dung này các tác giả có nói đến trong phần về các kết quả dự kiến đạt được (tại mục 12, gạch đầu dòng thứ nhất), nhưng lại không thấy thể hiện rõ trong các chương mục của sách.

- Vì là một mắt xích của bộ sách về Hà Nội, nên cần có sự kế thừa từ những sách đã in trước, ví dụ bản đồ địa mạo và nhiều bản đố khác đã được nghiệm thu trước đây và đã in trong ATLAS Hà Nội thì không cần làm lại từ đầu, vừa lãng phí vừa thiếu sự gắn kết….

Theo PGS.TS. Vũ Văn Phái: Qua bản đề cương có thể thấy rằng, các tác giả đã nêu khá đầy đủ và chi tiết các vần đề cần nghiên cứu như đặc điểm địa chất – địa mạo, đặc điểm thủy văn, đặc điểm sinh học, quá trình tiến hóa và hiện trạng cũng như định hướng sử dụng hợp lý hệ thống sông – hồ Hà Nội trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ thành phố.

Ngoài ý kiến nhận xét trên, PGS. TS. Vũ Văn Phái cũng có những góp ý cụ thể cho bản đề cương về cách dùng từ, cách gọi tên, cách triển khai và bổ sung một số vấn đề để đề tài hoàn thiện hơn.

Để góp phần nâng cao chất lượng đề tài, GS.TS.Trương Quang Hải có một số ý kiến góp ý cho đề cương:

- Nên xác định rõ sản phẩm của đề tài là bản thảo được phê duyệt Cuốn sách chuyên khảo, không bao gồm Báo cáo tổng kết. Như vậy, thay Đề cương đề tài thành Đề cương chi tiết cuốn sách.

- Xác định rõ nhiệm vụ chính là tổng hợp tài liệu, viết sách chuyên khảo; Phần điều tra, nghiên cứu chỉ mang tính chất bổ sung. Mặt khác, thời gian và kinh phí dự trù chỉ cho phép điều tra bổ sung những nội dung thật cần thiết, liên quan trực tiếp đến cuốn sách.

- Nên bổ sung thêm nội dung hoặc phụ lục nêu lên Danh mục sông hồ, các chỉ số đặc trưng có thể tra cứu được.

- Hạn chế trùng lặp trong Chương Các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành, phát triển hệ thống song hồ Hà Nội với Chương Đặc điểm tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thực trạng khai thác, sử dụng hệ thống sông suối.

- Nội dung cuốn sách nên viết sao cho có thể bổ sung mà hạn chế trùng lặp với cuốn sách “Hà Nội: Địa chất, địa mạo và tài nguyên liên quan”, Vũ Văn Phái (chủ biên) và nnk. Nxb. Hà Nội, 2011.

PGS.TS. Chu Văn Ngợi nhận định đề tài có tính cấp thiết và ý nghĩa thực tiễn cao. Bởi lẽ Hà Nội, thành phố nằm trên vùng đất có nhiều sông, hồ. Sông hồ đã tôn vẻ đẹp cho thành phố Hà Nội. Nhiều sông hồ đã đi vào thơ ca, lịch sử và đời sống tâm linh của dân tộc. Mặc dù vậy, chúng ta còn có quá ít những công trình nghiên cứu tổng hợp, hệ thống, phục vụ cho sự phát triển của Hà Nội. Sự hiểu biết về lịch sử hình thành sông hồ và giá trị đích thực của sông hồ đối với Hà Nội của mọi tầng lớp còn hạn chế.
Từ thực tế như vậy, đề tài “Hệ thống sông hồ Hà Nội” có tính cấp thiết không chỉ đóng góp vào tủ sách ngàn năm Thăng Long mà còn làm cho tri thức hiểu biết về sông hồ thành phố Hà Nội thêm phong phú.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Chu Văn Ngợi cũng có những góp ý cụ thể cho bản đề cương để các tác giả tham khảo và chỉnh sửa.
*
Đề tài Hệ thống sông hồ Hà Nội với việc giới thiệu đầy đủ hệ thống hồ nước, sông ngòi với sự phân bố cụ thể; nguồn gốc, quá trình hình thành, phát triển và các nhân tố ảnh hưởng tới hệ thống hồ nước, sông ngòi khu vực thành phố Hà Nội. Hơn thế còn có sự phân tích, đánh giá được hiện trạng và biến động về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường các hồ nước, sông ngòi; tái hiện được hệ thống các lòng sông cổ khu vực thành phố Hà Nội. Đồng thời nêu thực trạng quản lý, khai thác, sử dụng hồ nước, sông suối và vấn đề môi trường liên quan; Đề xuất được các giải pháp quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý các hồ nước sông ngòi khu vực thành phố Hà Nội.

Với những mục tiêu sát thực này, đề tài mang lại ý nghĩa thực tế to lớn trong việc tận dụng những ưu đãi của hệ thống sông hồ, đồng thời đưa ra những hoạch định có tính phát triển bền vững cho tương lai của Thủ đô.

Đàm Ly (tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội

  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá