Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Bản thảo “DI TÍCH KHẢO CỔ HỌC ĐÀN XÃ TẮC THĂNG LONG” qua ý kiến phản biện của một nhà sử học
Thứ hai, 20/04/2015 03:42

Đàn Xã Tắc là loại đàn tế cổ, được lập để tế thần Đất, thần Nông, chiếm vị trí quan trọng đối với các vương triều xưa. Đàn Xã Tắc tại kinh thành Thăng Long được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048), đến sau thời vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Vào cuối năm 2006, khi xây dựng vành đai 1 đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa, các nhà khảo cổ học đã phát hiện dấu tích của Đàn Xã Tắc sau hơn hai trăm năm mất dấu. Việc khai quật để nghiên cứu, gìn giữ đó là điều tất yếu, nhưng diện mạo và giá trị của di tích chỉ có thể đến được với đông đảo người dân khi những kết quả nghiên cứu cùng những hình ảnh của nó được công bố dưới dạng một cuốn sách, một công trình khoa học. Đề tài “Di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long” đã ra đời do một chuyên gia hàng đầu về khảo cổ học lịch sử Việt Nam, đặc biệt là về khảo cổ học Thăng Long - Hà Nội, PGS.TS. Tống Trung Tín thực hiện. Sau khi lập đề cương, hoàn thành bản thảo, tác giả gửi tới các thành viên trong hội đồng tư vấn khoa học của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến để xin ý kiến đánh giá, nhận xét. Sau đây trân trọng giới thiệu ý kiến phản biện của PGS. TS. Hán Văn Khẩn:

 
Theo sử sách, đàn Xã Tắc Thăng Long được Lý Thái Tông xây dựng ở bên ngoài cửa Trường Quảng (tức Ô Chợ Dừa ngày nay), phát triển trong suốt thời Lý - Trần - Lê, bị mai một và mất hẳn vào khoảng giữa thế kỷ XX. Như vậy, đàn tế Xã Tắc là một di tích văn hóa tâm linh quan trọng đối với nhiều thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, do sự hủy hoại của chiến tranh, thiên nhiên và con người, dấu tích của di tích đàn Xã Tắc còn lại cho đến nay là rất ít ỏi. Do đó, muốn xác định lại vị trí xây dựng và diện mạo đàn Xã Tắc, các nhà nghiên cứu không chỉ dựa vào thư tịch, ký ức dân gian mà còn phải dựa vào kết quả nghiên cứu khảo cổ học.

Trên cơ sở tập hợp, hệ thống, so sánh, nghiên cứu tài liệu thư tịch cũng như khảo sát thực địa khu vực được coi là nơi xây dựng đàn Xã Tắc (Ô Chợ Dừa) các tác giả cuốn sách có cơ sở để xác định rằng: “Cửa Ô Chợ Dừa do có sự hiện diện của đàn Xã Tắc ở phía đông nam gần đó chính là cửa Trường Quảng thời Lý, hay ngược lại, di tích phía đông nam cửa Trường Quảng (cửa Ô Chợ Dừa) chính là di tích đàn Xã Tắc của Kinh đô Thăng Long”.

Qua 6 hố thám sát và khai quật với diện tích 900m2 tại khu vực nhà ở của cụ Nguyễn Tuấn Khanh, nơi được tương truyền là trung tâm của đàn tế xưa, các nhà khai quật chẳng những phát hiện được tầng văn hóa chứa di tích di vật thuộc thời Lý - Trần - Lê - thời kỳ tồn tại của đàn Xã Tắc, mà còn phát hiện di tích di vật thuộc 10 thế kỷ đầu Công Nguyên và giai đoạn cuối của Văn hóa Phùng Nguyên.

Kết quả nghiên cứu di tích, di vật tại di tích khảo cổ học đàn Xã Tắc cho phép xác định: “Năm 1048 dưới triều Lý Thái Tông, nhà Lý đã quyết định xây dựng đàn Xã Tắc tại đây để tế lễ Thần Đất và Thần Lúa. Đàn Xã Tắc ở đây tiếp tục tồn tại qua thời Trần, thời Lê”.

Các loại di tích và di vật phát hiện được tại di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long, nhất là các loại dấu tích kiến trúc như đường móng rải mảnh sành (Lý), gạch bìa và ngói (Trần) và móng tường đường đi, sân nền và móng sân nền (Lê) được sử dụng để tìm hiểu diện mạo Đàn Xã Tắc Thăng Long. Đặc biệt, sau khi nghiên cứu so sánh với Đàn Xã Tắc Huế, so sánh với Đàn Xã Tắc Hàn Quốc và Đàn Xã Tắc Trung Quốc, các tác giả sách đã cho rằng, “Đặc điểm chung của các đàn Xã Tắc phương Đông đều có 3 tầng giật cấp cao dần lên, có tường vây quanh. Tùy theo từng khu vực có thể có sự thay đổi một số công trình phụ trợ như cổng ra vào, bái điện, nhà kho, nhà bếp, nhà tế sinh nhưng nhất thiết phải luôn luôn phải có phần bệ thờ hình vuông”. Đặc biệt bản thảo sách còn khẳng định: “Điều quan trọng nhất có thể rút ra là: Các dấu tích kiến trúc tìm thấy ở địa điểm đàn Xã Tắc chính là dấu tích của đàn Xã Tắc Thăng Long thời Lý - Trần - Lê. Qua mỗi thời kỳ, đàn đều được tôn tạo hoặc xây dựng mới nhưng tất cả đều trên cùng một vị trí mà Lý Thái Tông đã chọn năm 1048”.

Sauđàn Xã Tắc Thăng Long, bản thảo Di tích khỏa cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long giới thiệu về kết quả nghiên cứu di tích cư trú thuộc giai đoạn muộn của Văn hóa Phùng Nguyên và 10 thế kỷ đầu Công Nguyên. Đó là các hố đất đen, mộ táng và đồ gốm sứ thuộc 10 thế kỷ đầu Công Nguyên. Đó là các loại công cụ sản xuất (rìu và bôn đá) và đồ trang sức bằng đá thuộc Văn hóa Phùng Nguyên. Đây là những tư liệu quý để tìm hiểu sự có mặt của cư dân Phùng Nguyên và người Việt tại trung tâm thành Hà Nội.
Dựa trên cơ sở nghiên cứu tư liệu khảo cổ học và thư tịch, các tác giả sách đã nêu ra nhiều giá trị quan trọng của di tích khảo cổ học đàn Xã Tắc Thăng Long. Các giá trị đó là: Một di tích quan trọng trong cấu trúc chỉnh thể của Kinh thành Thăng Long; Một đàn tế thiêng liêng vào bậc nhất ở Kinh đô Thăng Long; Góp phần nhận diện sắc thái văn hóa Kinh đô Thăng Long.

Đặc biệt, qua dấu tích văn hóa có thể tìm hiểu về các giá trị lịch sử - văn hóa của 3 thời kỳ khác nhau: Thời kỳ Văn hóa Phùng Nguyên; Thời kỳ Văn hóa 10 thế kỷ đầu Công Nguyên; Thời kỳ Văn hóa có dấu tích Đàn Xã Tắc Lý - Trần - Lê.

Theo PGS.TS. Hán Văn Khẩn, bản thảo Di tích Khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long” được biên soạn rất công phu, cung cấp nhiều tư liệu khoa học quý cho việc tìm hiểu lịch sử - văn hóa di tích khảo cổ học Đàn Xã Tắc Thăng Long và lịch sử Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
 
 
Ly Ly (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá