“Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng” dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử
Một trong những thành viên trong Hội đồng, tích cực tham gia đóng góp cho chủ biên công trình từ khâu đề cương đến khâu bản thảo là PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi - Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, thuộc Viện Sử học. Trước đó, bà đã được chủ đầu tư tín nhiệm, mời thẩm định cho công trình “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” cũng do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chấp bút, và nay là “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng”.
Cảm nhận đầu tiên của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi khi tiếp nhận bản thảo là sự mới mẻ. Mới về nội dung, mới về ý tưởng và mới cả về phong cách. Trước hết là những đóng góp mới về nội dung của công trình. Bản thảo đã cung cấp gần như tất cả các tư liệu về “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” gồm tư liệu trong chính sử, trong các sách cổ và đặc biệt là tư liệu bằng tiếng nước ngoài được dịch ra Quốc ngữ. Ở cuối bản thảo là danh sách các tư liệu được trích dẫn trong phần nội dung. Khác với các công trình khác không liệt kê tài liệu tham khảo mà ở đây chú trọng vào những tư liệu chính, được sử dụng trong bản thảo này. Điều này cung cấp cho người đọc cái nhìn rõ hơn về “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng” qua tư liệu. Đồng thời có điều kiện so sánh, tìm ra đóng góp mới về tư liệu trong bản thảo so với các cuốn sách đã xuất bản của chủ biên. Làm rõ được diện mạo của Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng trên nhiều lĩnh vực qua các nguồn tư liệu.
Mặt khác, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguồn tư liệu mới, tác giả còn cập nhật những ý tưởng mới, đưa ra quan điểm cá nhân trên cơ sở kết quả nghiên cứu. Ví dụ như: Ở phần kinh tế, tác giả dựa theo tư liệu của Vũ Phương Đề cho biết ở Thăng Long, thời Mạc đã xuất hiện phố - Phố Hàng Bông (có ý kiến cho rằng, phường thì xuất hiện thời Lý, Trần nhưng phố có thể xuất hiện muộn hơn). Thông qua “Lưu thông tiền tệ” cho thấy sự phát triển của kinh tế hàng hoá, dẫn đến tâm lý “trọng lợi” phổ biến trong xã hội, “cả thiên hạ đua nhau vì lợi”. Rồi có tiền thì tậu ruộng v.v... Những vấn đề này sau mấy trăm năm lặp lại y như hiện nay. Hay ở chương Văn hoá, mục “Giáo dục khoa cử”, có thể thấy chính sách trọng sĩ, trọng Nho, trọng khoa cử của nhà Mạc nhưng trên tinh thần thoáng mở, đổi mới, chú trọng thực tiễn, thực dụng. Nho giáo thời Mạc ít mang tính chất giáo điều kinh viện v.v.
Còn cái mới về phong cách chính là lối hành văn của tác giả. Lối hành văn ấy không chỉ sáng rõ, lôi cuốn, sâu sát vấn đề mà còn khá hiện đại. Nó khiến người xem đôi khi phải ngỡ ngàng, giống như đang đọc một cuốn chuyện hay chứ không phải một cuốn sách lịch sử khô cứng.
Bên cạnh những ý kiến khen ngợi, phó giáo sư Nguyễn Phương Chi cũng có những góp ý thẳng thắn cho tác giả. Về phần Phụ lục của bản thảo cần có tiêu chí tuyển chọn để hạn chế sự trùng lặp với các công trình khác. Cụ thể là trong phần Tư liệu phương Tây ở phụ lục có 3 tư liệu từ trang 470 - 517 đã được đưa vào bản thảo “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945”. Trong bản thảo cũng có khá nhiều lỗi morat mà tác giả và nhóm biên soạn cần phải lưu ý: Trang 153: Phường thì viết là phương; trang 91: lãnh thổ → lãnh thô; buôn bánvới Đàng Ngoài→ buôn bán vói; trang 192: nhờ trời → nhờ tròi; trang 195: Đông Ấn → Đông Ân; trang 196: nổi tiếng → nỏi tiếng; trang 197: với hai mục đích → vói…; trang 199: thời cơ → thòi cơ; trang 243: Nhưng nếu có → những…; Ruộng đất → ruông; khoản tô thuế → khoả… Cuối trang 352, Phụ lục: [1680 - 1075]. Ngoài ra, chú thích cần thống nhất sau tên tác giả là dấu phẩy hoặc hai chấm.
Cuối cùng, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi đã đưa ra nhận định hết sức rõ ràng: Bản thảo “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung hưng”do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ làm chủ biên được soạn thảo công phu, nghiêm túc với chất lượng tốt, đáp ứng mục đích, nội dung đề tài đặt ra. Bà Nguyễn Phương Chi đã đề nghị Hội đồng nghiệm thu bản thảo thông qua và hy vọng cuốn sách sau khi hoàn thành sẽ là một trong những sách tham khảo có giá trị khoa học.
Trang Phạm tổng hợp
(Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi
- Ủy viên Hội đồng nghiệm thu bản thảo)