"Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội" Lát cắt quan trọng trong sự phát triển của Hà Nội
Về mặt kết cấu, bản thảo gồm có 3 phần, 12 chương, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng kết cấu này đã bao quát khá đầy đủ lịch sử kinh tế đối ngoại của Thủ đô (xuyên suốt chiều dài lịch sử Thủ đô). Lý giải thêm cho nhận định này, ở Phần I (3 chương), nội dung đã khảo sát tổng quan Hà Nội và kinh tế đối ngoại của Hà Nội trong lịch sử. Sang Phần II (7 chương) - là phần chính - bàn về kinh tế đối ngoại Hà Nội thời đổi mới, với hai tuyến vấn đề chính. Một là các mảng kinh tế đối ngoại của Hà Nội (đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA, xuất nhập khẩu, v.v…). Hai là phân tích lợi thế so sánh, định vị Hà Nội trong hệ thống kinh tế toàn cầu và trong các quan hệ với các thị trường lớn, việc phát huy những lợi thế đó trong thực tế phát triển và các vấn đề đặt ra. Còn ở Phần III (2 chương) đã thể hiện tầm nhìn Hà Nội và dự báo triển vọng phát triển của kinh tế đối ngoại Thủ đô trong giai đoạn tới.
Điểm nổi bật, trong cấu trúc lịch sử tổng thể này, trọng tâm công trình vẫn là kinh tế đối ngoại của Thủ đô thời hiện đại (thời kỳ đổi mới). Qua nội dung đủ cơ sở để nói đây là một công trình bàn về kinh tế đối ngoại của Thủ đô trong giai đoạn đổi mới (30 năm gần đây). Phần I và phần III có vai trò chức năng là bảo đảm sự cân đối nghiên cứu về mặt lịch sử - logic, nhưng dung lượng nghiên cứu không đủ để bảo đảm rằng đây là một công trình lịch sử kinh tế “ngàn năm” như tên gọi công trình hàm ý.
Dưới góc độ, cách nhìn của một chuyên gia nghiên cứu kinh tế, PGS.TS. Trần Đình Thiên lý giải sự thiên lệch về dung lượng nội dung và văn bản của bản thảo, ở một chừng mực nhất định có thể coi là hợp lý về mặt logic vì trong thực tế lịch sử, kinh tế đối ngoại theo nghĩa trao đổi kinh tế quốc tế của Hà Nội cũng mới chỉ nổi rõ khoảng 100 năm gần đây. Nó trở thành quan hệ kinh tế quốc tế đúng nghĩa - bao gồm cả đầu tư, thương mại và giao dịch quốc tế - như một lĩnh vực kinh tế và phát triển quan trọng chỉ trong giai đoạn đổi mới - mở cửa - hội nhập vừa qua. Sự thiên lệch này là hơi quá khi đối chiếu nội dung với tên đề tài. Để “sửa chữa” và giải thích sự thiên lệch này, PGS.TS. Trần Đình Thiên đã đưa ra giải pháp: Tăng dung lượng phần viết về lịch sử kinh tế đối ngoại trước đổi mới để công trình này đích thực là công trình mang tính chất “nghìn năm Thăng Long - Hà Nội; Lý giải rõ kinh tế đối ngoại của Hà Nội phát triển theo đúng nghĩa chỉ từ giai đoạn Pháp thuộc, đặc biệt bùng nổ mạnh mẽ từ khi đổi mới. Trước Pháp thuộc Hà Nội vẫn chỉ là một nền kinh tế tiểu nông - tiểu thương, đóng cửa, tự cấp - tự túc và khép kín là chính. Từ đó, nêu rõ một đặc điểm phát triển kinh tế đối ngoại của Hà Nội - cả ngàn năm không phát triển, để bùng lên mạnh mẽ trong mấy chục năm gần đây, sau khi trải qua “thời kỳ quá độ” - giai đoạn Pháp thuộc, do đó, phát sinh nhiều vấn đề “độc đáo”, mang tính “bản sắc Hà Nội” cần được nghiên cứu, làm rõ.
Bên cạnh hạn chế chênh lệch về dung lượng nội dung và văn bản giữa các chương, phần cùng với ý nghĩa, mục đích mà tên đề tài đã thể hiện, PGS.TS. Trần Đình Thiên nêu ra những ưu điểm. Bản thảo đã phác họa tiến trình phát triển kinh tế Hà Nội toàn cảnh (tổng thể và xuyên suốt lịch sử). Đồng thời cơ bản làm rõ được tiến trình và các kết quả chính của các mảng kinh tế đối ngoại của Hà Nội 30 năm qua. Bản thảo cung cấp một bức tranh chi tiết trong toàn cảnh, xứng đáng là một tài liệu tra cứu, tham khảo về kinh tế đối ngoại của Thủ đô trong thời kỳ đổi mới. Qua nội dung của bản thảo, các tác giả đã đánh giá các thành công và hạn chế của quá trình phát triển cơ bản bảo đảm tính khách quan, đúng mực, không thổi phồng, ca ngợi một chiều. Nhận diện được các vấn đề đặt ra, dự báo xu hướng và triển vọng theo tầm lịch sử mà không bị sa đà vào tiểu tiết. Nhờ đó, nội dung của bản thảo không chỉ có giá trị lịch sử - văn hóa (vẽ chân dung lịch sử) mà còn cung cấp tri thức, các đề xuất và khuyến nghị phát triển cho tương lai mang tính gợi ý tích cực. Hơn nữa, tư liệu, số liệu trong bản thảo có sự cập nhật, sống động, có sức thuyết phục.
Để bản thảo đến tay bạn đọc được tốt hơn, PGS.TS. Trần Đình Thiên có một số góp ý:
- Giữ nguyên tên công trình nhưng bổ sung thêm phần I, trong đó, chú ý đến sự phát triển của kinh tế Hà Nội nói chung, kinh tế đối ngoại Hà Nội nói riêng, qua các nút chuyển “chế độ” (từ thời Bắc thuộc sang thời kỳ phong kiến - độc lập, từ thời phong kiến - độc lập sang thời Pháp thuộc, chú ý nhiều hơn đến thời kỳ kế hoạch hóa tập trung và bước chuyển từ đó sang kinh tế thị trường).
- Lý giải lịch sử Hà Nội biến động về quy mô (không gian địa lý, dân số), có những lúc biến động rất mạnh. Cần lý giải thêm vấn đề “tác động của sự biến động đó đến xu hướng, tính chất và tốc độ đô thị hóa, đến nỗ lực hiện đại hóa của Hà Nội, đến sự phát triển kinh tế đối ngoại của Hà Nội”.
- Trong phần III, cần định vị rõ hơn chân dung tương lai của Hà Nội trong vòng 15-20 năm tới, đặc biệt là: Về mặt đẳng cấp (Thành phố thông minh, văn minh, hiện đại); Ở khía cạnh chức năng; Của một Đô thị - Thủ đô trong một quốc gia đã trở thành quốc gia phát triển và hội nhập; Của một trung tâm Phát triển quốc tế (tầm cỡ khu vực và thế giới).
- Để làm đúng chức năng của công trình thuộc chương trình nghiên cứu lịch sử “ngàn năm Thăng Long - Hà Nội”, đề nghị chỉnh sửa theo hướng tạo sự cân đối hơn về dung lượng phần I và phần II với cách tiếp cận mang tính lịch sử “động” hơn (chuyển tiếp giai đoạn).
Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội, theo nhận định của PGS.TS. Trần Đình Thiên, bản thảo được thực hiện một cách nghiêm túc, công phu, có giá trị. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bản thảo sẽ là một cuốn sách có giá trị tham khảo không chỉ với những nhà nghiên cứu khoa học mà còn cả với các nhà hoạch định chính sách trong xây dựng định hướng phát triển kinh tế nói chung, kinh tế đối ngoại nói riêng của Hà Nội trong giai đoạn tới.
(Tổng hợp theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Trần Đình Thiên)
Khánh Ngọc tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội