“Biên niên sử phong trào Thơ Mới 1932 - 1945” - một công trình sưu tầm, biên khảo có giá trị khoa học
Trong hoàn cảnh tư liệu bị mai một, mất mát, thất lạc… qua chiến tranh và sự hủy hoại của thời gian, cũng như của chính con người, do quá trình thay đổi nhận thức, do một thời kỳ dài chịu tác động của sự sàng lọc các giá trị văn học qua lăng kính khắt khe của ý thức hệ, chúng ta rất vui mừng trước sự trở lại của các công trình sưu tầm và biên khảo có giá trị khoa học, giá trị thực chứng khách quan như thế này. Nó giống như một cuốn phim quay chậm, cho phép chúng ta nhìn lại mọi thể nghiệm, thành tựu cũng như thất bại của quá khứ đúng như nó có, và giá trị khoa học cũng như giá trị lịch sử của nó là không có gì phải nghi ngờ.
Với suy nghĩ như trên, Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật Hà Nội - đã hết sức hoan nghênh và rất mong công trình sẽ sớm được xuất bản.
Theo ý kiến của nhà thơ, nếu đầu đề chung của công trình là “Biên niên sử phong trào Thơ Mới 1932 - 1945” và có thêm lạc khoản “có vị trí trung tâm là Hà Nội” trong ngoặc đơn thì sẽ hợp lý và không mang tính địa phương - đối với một phong trào thơ trên thực tế là của cả nước, đồng thời cũng không hề thu hẹp trong Hà Nội.
Bên cạnh đó, để bạn đọc dễ theo dõi và các tư liệu đưa ra được tiếp nhận mạch lạc hơn, nhà thơ Bằng Việt đã đưa ra một kiến nghị mới trong việc sắp xếp và bố cục lại bản thảo. Bản thảo có thể được xếp thành 2 phần:
Phần đầu gồm các bài viết mang tính nghị luận, trao đổi, điểm sách, đăng đàn, quảng cáo, v.v… xếp theo niên đại như đã có.
Phần hai sẽ chỉ đưa thông tin về tác phẩm theo năm tháng ( in ở đâu, ngày nào, độ dài và đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm…), đồng thời cũng in cả tác phẩm (nếu có trích dẫn).
Như vậy, phần hai có thể đưa khá liên tục các thông tin ngắn gọn theo từng năm về sự ra đời của các bài thơ, tập thơ… trong phong trào Thơ mới cả nước. Và cũng có thể đưa trọn vẹn cả tập “Thi nhân Việt Nam” (chủ yếu là tuyển tác phẩm) vào đó. Còn nếu đưa tập “Thi nhân Việt Nam” lên phần sắp xếp đầu, thì chỉ nên in toàn bộ ý kiến bình luận, nhận xét về tác giả, tác phẩm của các soạn giả Hoài Thanh, Hoài Chân, còn phần thơ (được tuyển chọn trong sách) không nhất thiết phải in trọn vẹn, chỉ cần tóm lược đầu đề các bài thơ được chọn của mỗi tác giả, và chỉ rõ những đặc điểm nghệ thuật trong các bài thơ đó.
Không chỉ thế, cũng nhằm để bạn đọc dễ tra cứu hơn, nhà thơ có đề nghị: phần Index (chỉ dẫn) ở cuối sách nên có 2 bảng chỉ dẫn: Bảng về các tác giả theo ABC có in trong sách, và Bảng về các bài in, xếp theo thể loại (theo thứ tự thời gian, được in trong sách, ví dụ: bài bình luận, nghị luận, bút chiến; bài điểm sách, tựa, bạt, giới thiệu thơ; rồi các quảng cáo…). Làm được như vậy thì tính khoa học của công trình sẽ được nâng lên. Nó vượt hẳn lên trên một công trình chỉ sao chép và sưu tập, mà còn có thêm giá trị biên khảo, được hệ thống hóa khá đầy đủ, tăng giá trị sử dụng và hiệu quả của cuốn sách lên cao hơn.
Có thể thấy rằng, những ý kiến trao đổi của nhà thơ Bằng Việt là hết sức sâu sắc. Những đề xuất, kiến nghị của nhà thơ nhằm nâng tầm cuốn sách mà trên hết là để độc giả - người thẩm định cuối cùng - thâu tóm được giá trị đích thực của công trình.
(Theo nhận xét của Nhà thơ Bằng Việt- Ủy viên Hội đồng nghiệm thu bản thảo)
Trang Phạm tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội