Một bộ sử về phong trào Thơ mới được dàn dựng công phu theo lối biên niên
Với nhận định bao quát trên, TS. Chu Văn Sơn - một chuyên gia nghiên cứu sâu về Thơ mới - đã dành nhiều lời khen ngợi cho công trình. Theo ông, đây không chỉ là một công trình sưu tầm công phu tâm huyết mà còn là công trình biên soạn có chất lượng khoa học. Một bộ sử dàn dựng theo lối biên niên về sự nảy sinh vận động và kết thúc của một thực thể văn hóa là một phong trào sáng tác thơ, một cuộc cách mạng thơ. Một công trình tái hiện lại khá đầy đủ tiếng nói đương thời và tiếng nói trong cuộc. Sự tái trình hiện của Thơ mới và người đương thời Thơ mới nói về Thơ mới.
TS. Chu Văn Sơn đã đánh giá bản thảo trong sự so sánh với bản đề cương đã nghiệm thu. Bản thảo được hoàn thành với những bước tiến vượt bậc cả về mặt hình thức và nội dung. Có sự đầy đủ và hợp lý. Số trang dài hơn, tư liệu đầy đủ, phong phú hơn. Các nội dung dẫn giải kĩ hơn. Tiện tra cứu hơn. Có thể thấy nhiều điều được góp ý trong lần họp nghiệm thu đề cương đã được chủ biên và nhóm cộng sự tiếp nhận và vận dụng để chỉnh sửa bổ khuyết, bổ sung khá chủ động, kịp thời. Đến nay đã có một công trình khá đầy đặn.
Tuy vậy, tiến sĩ Sơn vẫn đề cập đến một số khía cạnh băn khoăn đã từng được nói đến, nhằm hoàn chỉnh hơn cho bản thảo lần này.
Thứ nhất, về chữ “Hà Nội” trong tên đề tài / tên sách. Nó thực sự không hợp lí cả về khoa học và thực tiễn. Về khoa học, công trình bao quát thực thể Thơ mới đã từng diễn ra trong toàn quốc chứ không riêng gì Hà Nội; công trình cũng không chọn quan điểm Hà Nội để tiếp cận, không chọn điểm nhìn Hà Nội để đánh giá. Về thực tiễn, cần giải phóng khỏi cách nghĩ bó hẹp trong khuôn khổ của một dự án. Một dự án ở một địa phương không chỉ nhằm giải quyết những gì bó hẹp trong địa bàn của một địa phương. Mà chủ dự án có thể là một địa phương, nhưng việc làm có thể hướng tới cả cộng đồng nói chung thì ý nghĩa càng lớn. Có lẽ chỉ nên xem dự án là một cú hích, một sự đầu tư để nhằm tạo ra những hoạt động hướng tới lợi ích chung của cả cộng đồng. Vì thế, các tác giả không nên tự trói buộc vào khuôn khổ của một dự án để đặt tên sách và công trình.
Thứ hai, đây là một công trình nhằm phục vụ việc tra cứu khi tìm hiểu nghiên cứu Phong trào Thơ mới. Vì thế để tiện dụng cho việc tra cứu nhất thiết phải có một hệ thống những bảng phụ lục hướng dẫn về tra cứu. Ví dụ tra cứu theo tiêu chí tác giả, theo tiêu chí tác phẩm, hay theo tiêu chí sự kiện…
Thứ ba, bên cạnh phần chữ, nhóm biên soạn nên tăng cường phần hình. Ví dụ: bản chụp bìa các tập thơ, các trang báo và tạp chí quan trong có liên quan trực tiếp đến các sự kiện của Thơ mới. Hay hơn nữa là việc bổ sung hệ thống chân dung các nhân vật của Thơ mới. Nhất là các nhân vật đương thời nói về Thơ mới mà trước đây còn ít được phổ biến như Lê Tràng Kiều, Kiều Thanh Quế, Lê Thanh v.v...
Thứ tư, sau khi được nghiệm thu và được phát hành dưới dạng sách giấy, các tác giả và nhà xuất bản nên nghĩ đến việc số hóa để người đọc rộng rãi có thể tra cứu tiện ích.
Sau cùng TS. Chu Văn Sơn đã khẳng định, đây là công trình rất cần thiết cho việc tìm hiểu nghiên cứu phong trào Thơ mới (1932 - 1945), một cuộc cách mạng trong thi ca. Người đọc ghi nhận một nỗ lực rất lớn của nhóm biên soạn, không chỉ như một công trình hướng tới một sự kiện có tính lễ lạt mà là hướng tới lợi ích học thuật lâu dài cho tương lai.
(Theo nhận xét của TS. Chu Văn Sơn - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu bản thảo)
Trang Phạm tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội