“Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn học
Là một người nghiên cứu và giảng dạy văn học nhiều năm, PGS.TS. Hà Văn Đức - nguyên Chủ nhiệm Khoa văn học Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội đã đánh giá cao chủ trương cũng như công phu biên soạn bộ sách biên niên về Thơ mới. Theo phó giáo sư, đây là một việc làm cần thiết, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có tính thực tiễn. Bởi từ trước đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về phong trào Thơ mới, nhưng do thời gian và chiến tranh, những tư liệu về Thơ mới hiện vẫn còn thất lạc khá nhiều. Công trình của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cùng các cộng sự không chỉ là sự lấp đầy những chỗ trống mà còn sắp xếp theo dòng thời gian để người đọc thấy được sự vận động, phát triển đúng như nó vốn có của một phong trào thơ bất hủ.
Về công tác biên soạn, nhà nghiên cứu nhận định, ưu điểm nổi trội của công trình là được biên soạn công phu, nghiêm túc với một khối lượng tư liệu khá phong phú, bao gồm: các sự kiện, hiện tượng, các bài tựa, phân tích, bình luận, trao đổi ý kiến, điểm sách, giới thiệu chân dung, hồi ức, kỷ niệm của những người đương thời.
Mặc dù theo đánh giá của chính các tác giả, công trình mới chỉ đạt khoảng 80% khối lượng, nhưng theo ông, đây là kết quả của sự cố gắng nỗ lực rất lớn của cả nhóm biên soạn. Hơn thế nữa, công trình còn cung cấp cho người đọc, nhất là những người làm công tác nghiên cứu những tư liệu gốc quý hiếm không dễ có thể tìm kiếm được. Ngoài ra, phần Lời dẫn của công trình được viết khá ngắn gọn, nhưng đã giới thiệu tương đối đầy đủ, sáng rõ công việc và quy cách biên soạn của bộ sách.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Hà Văn Đức cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm cần trao đổi, góp ý kiến.
Về hình thức sắp xếp, cách sắp xếp mà công trình đưa ra chưa thật tiện dụng và sáng rõ cho việc tra cứu. Không nhất thiết mỗi năm một chương như dự định ban đầu, nhưng nên chăng sau mỗi năm nên có sự phân cách (không in liền), và nếu có thêm bảng hướng dẫn, tra cứu theo tên bài, tên tác giả thì sẽ tiện hơn cho người đọc.
Về phần mở đầu, chủ biên nên có thêm bài Tổng luận giới thiệu diện mạo, quá trình hình thành, phát triển và những đặc điểm của tiến trình phong trào Thơ mới 1932 - 1945 thì tính khoa học của công trình sẽ được nâng lên rất nhiều.
Về tên bản thảo, mặc dù rất hiểu dụng ý của nhóm biên soạn và nhà xuất bản khi đặt tên “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” nhưng việc định danh "Hà Nội" ở đây vẫn chưa thật thuyết phục. Cách gọi này có phần thu hẹp ý nghĩa và tính chất của đề tài.
Trong kết luận cuối cùng, PGS.TS. Hà Văn Đức đã khẳng định công trình được biên soạn công phu, nghiêm túc, đạt chất lượng cao, và đặc biệt là những kết quả nghiên cứu của đề tài có thể xuất bản để phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam hiện đại.
(Theo nhận xét của PGS.TS. Hà Văn Đức- Ủy viên Hội đồng nghiệm thu bản thảo)
Trang Phạm tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội