Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945) - Một giai đoạn phát triển rực rỡ của thi ca Việt
Được mời tham gia Hội đồng nghiệm thu với tư cách chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Phạm Quang Long nhận định, dù nhóm tác giả cho rằng công trình mới chỉ sưu tập khoảng 80% tư liệu nhưng đó là một đóng góp rất quý vì nó giúp ích rất nhiều cho giới nghiên cứu có thể tiếp cận với những tư liệu gắn với phong trào Thơ mới và nhất là có thể hiểu thêm tình hình văn học bấy giờ. Với riêng cá nhân ông, tập tư liệu đặc biệt quý vì chỉ bằng hai tập này, ông mới có dịp tiếp cận hầu hết các tư liệu liên quan đến Phong trào Thơ Mới và hiểu thêm sự vận động của đời sống văn học bấy giờ.
PGS.TS. Phạm Quang Long nhìn nhận, đánh giá đi sâu phân tích mọi mặt của vấn đề trên từng khía cạnh, từng trang viết của tập bản thảo. Trước hết là cách chú giải của công trình, nhóm tác giả đã thực hiện một cách nghiêm túc, tỉ mỉ, công phu và rất hữu ích cho công tác nghiên cứu. Nhóm không chỉ khôi phục nguyên dạng tư liệu, trích dẫn, chú giải nguồn gốc tư liệu đầy đủ, chính xác mà còn chỉ dẫn những chỗ nhầm lẫn, sai sót, những chỗ khó hiểu, những chỗ thiếu... Giúp người đọc thuận lợi hơn khi tra cứu. Việc chú giải rất cần thiết trong khâu làm văn bản và ở những trang tập hợp tư liệu này, nhóm thực hiện đã làm cả việc chỉnh lý, chú giải văn bản.
PGS.TS. Phạm Quang Long cũng nhấn mạnh, ngoài những tư liệu liên quan, người đọc còn có dịp tiếp cận với nhiều vấn đề thú vị về không khí văn học của thời đại, sự vận động của đời sống văn học, các nhóm, xu hướng văn học, môi trường văn hoá bấy giờ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của Thơ mới. Tiếp xúc với “Biên niên sử phong trào Thơ mới” giúp cho người đọc hiểu đầy đủ hơn bức tranh tổng thể của phong trào này, con đường hình thành nên một nhà thơ ở những đại biểu ưu tú nhất và cũng hiểu đầy đủ hơn những người không nổi tiếng khác, những nhân vật phụ chẳng hạn và nhiều chuyện bếp núc của văn chương, giúp cho việc hiểu một giai đoạn phát triển rực rỡ của thi ca Việt đầy đủ hơn. Lấy ví dụ về bài “Tình già” của Phan Khôi, lần đầu tiên, phó giáo sư được tiếp xúc với nhiều các văn bản khác nhau, thấy được rõ hơn con người Phan Khôi, sự vận động của tư tưởng và quan niệm văn học ở ông, qua những trao đổi, tranh luận giữa ông với người khác mà hiểu thêm về những thay đổi trong quan niệm thơ ca, thấy được những kiểu "lao động nhà văn" rất có ích cho nghiên cứu. Ngoài ra với nhiều trường hợp khác như Tản Đà, Nhất Linh, Thạch Lam... cũng có những tư liệu mà nếu trước đây do không tập hợp được đủ tư liệu, những nhận xét đánh giá của bản thân và nhiều người khác chưa được kiểm chứng, bây giờ có điều kiện để điều chỉnh thêm.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Phạm Quang Long còn đề cập đến lợi ích và những đóng góp quan trọng của công trình. Về mặt lợi ích, “Biên niên sử phong trào Thơ Mới” sẽ giúp ích rất nhiều cho những người nghiên cứu về tác giả, quan niệm văn học, xã hội học văn học, sự vận động của đời sống văn học, hoạt động của báo chí, xuất bản, các nhóm, tổ chức văn học nói chung v.v... Về những đóng góp, tập bản thảo sẽ cho thấy nhiều vấn đề của quá trình hiện đại hoá văn học dân tộc những năm 30 của thế kỷ được soi sáng, những hoạt động của báo chí trong vai trò bà đỡ cho văn học cũng được làm rõ. Không có công trình này thì tư liệu vẫn còn đó nhưng nhờ có công trình mà người đọc có điều kiện tiếp cận thuận lợi và tập trung hơn.
Những bài viết mang tính giới thiệu, bình giải, cổ suý, điểm thơ... của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch lam, Thế Lữ và nhiều người khác, những tranh luận, trao đổi của nhiều người thuộc các xu hướng khác nhau có ý nghĩa quan trọng giúp cho hiểu đầy đủ và chính xác hơn sự vận động của một kiểu quan niệm văn học, một cuộc đột biến về tư duy văn học. Nhất Linh cho rằng đây là "giai đoạn tìm tòi" còn với Phạm Quang Long thì tập tư liệu này gợi mở rất nhiều vấn đề mà cái lớn nhất, là những người cầm bút (nhà văn, nhà báo, những người làm nghề xuất bản) khi được nghĩ và viết về những gì mình thôi thúc với tư cách là những người làm nghề tự do đã tạo nên một sự thay đổi, bùng nổ, đầy sức sáng tạo. Đây cũng là ý kiến của học giả Nguyễn Hiến Lê như nhắc về một bài học của quá khứ mà hiện tại nhiều người không muốn nói đến nhưng nó như là cái gốc để mang lại những thay đổi cho văn chương.
Không dừng lại ở những lời khen ngợi, PGS.TS. Phạm Quang Long cũng chỉ ra một số vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa. Ông đề nghị nhóm tác giả nên có thêm bảng tra cứu tên tác giả, tác phẩm ở cuối sách, đồng thời sửa chữa thật kỹ những lỗi kỹ thuật trước khi xuất bản thì tập bản thảo sẽ tốt hơn rất nhiều.
Tóm lại, “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” là một công trình được biên soạn nghiêm túc, công phu và có nhiều đóng góp quý báu, rất đáng ghi nhận.
(Theo nhận xét của PGS.TS. Phạm Quang Long - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu bản thảo)
Trang Phạm tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội