Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Ghi nhận dấu ấn về một thời đại thi ca trong lòng Hà Nội
Thứ năm, 25/06/2015 11:30

 “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn là tập bản thảonhằm sưu tập, thống kê các nguồn tài liệu liên quan đến phong trào Thơ mới, ghi nhận một thời đại thi ca gắn với quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc, kết quả của cuộc tiếp xúc văn hóa Đông - Tây.

 
Nghiên cứu tìm hiểu về phong trào Thơ Mới - một trào lưu thơ ca quan trọng trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại, là một công việc thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu phê bình. Trong số những nhà nghiên cứu phê bình ấy có PGS.TS. Lưu Khánh Thơ thuộc Viện Nghiên cứu Văn học. Bà cũng là một thành viên quan trọng trong Hội đồng nghiệm thu bản thảo, người tham gia đọc phản biện cho công trình.
 
Theo PGS.TS. Lưu Khánh Thơ, phong trào Thơ mới và các tác giả, tác phẩm của nó đã trở thành đối tượng nghiên cứu của khá nhiều chuyên luận, công trình, bài viết. Do đó, việc phục dựng diện mạo của phong trào Thơ mới qua các tư liệu được sắp xếp theo trình tự thời gian trong “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” là một việc làm có ý nghĩa khoa học và có tính thực tiễn cao.
 
Về mục đích của đề tài, phó giáo sư phản biện hoàn toàn đồng ý với nhận định trong bản thảo là “nhằm đưa đến một cái nhìn hệ thống, toàn cảnh theo tiến trình thời gian về tất cả các vấn đề, sự kiện, hiện tượng liên quan đến phong trào Thơ mới”.
 
Về tên gọi của bản thảo, có gắn với chữ “Hà Nội”, chủ nhiệm đề tài đã khẳng định trong lời dẫn: “Phong trào Thơ mới phát triển chủ yếu ở đô thành Hà Nội… Theo thời gian, Hà Nội đã thực sự trở thành tâm điểm của phong trào Thơ mới, nơi xuất hiện các tổ chức văn đoàn và cơ quan ngôn luận trọng yếu, nơi vẫy gọi và nảy nở nhiều tài danh thi ca, nơi người thơ bốn phương nhập cuộc và “Hà Nội hóa” thành thi sĩ tầm vóc kinh kỳ, nơi tập hợp được đội ngũ thi nhân đông đảo và xuất bản hầu hết các tập thơ trong nước”. Tuy lời khẳng định rất hay, giúp khoanh vùng phạm vi nghiên cứu của đề tài nhưng chưa thực sự thuyết phục được nhà phản biện. Ngay từ khi thực hiện đề cương, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ đã góp ý thẳng thắn về cách gọi này. Nó làm “hẹp” tính chất và hạn chế ý nghĩa của đề tài.
 
Về mặt lợi ích mà cuốn sách đem lại, phó giáo sư cũng chỉ rõ: Đây là loại sách được dùng như công cụ tra cứu tư liệu, cần thiết cho những người nghiên cứu phê bình, giảng dạy và học tập về Thơ Mới nói riêng và văn học Việt Nam hiện đại nói chung. Nội dung của tập sách rất cần thiết cho việc biên soạn lịch sử văn học Việt Nam sau này. Khi việc sưu tập các tư liệu về Thơ mới ngày một khó khăn. Trọng tâm của đề tài dựa trên niên biểu sự kiện theo thời gian tuyến tính, đã được sưu tầm, lựa chọn công phu, đã bao quát được một cách tương đối hệ thống những vấn đề, hiện tượng, tác giả, tác phẩm tiêu biểu của phong trào Thơ mới 1932 - 1945.
 
Có thể nói, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ đã đánh giá cao sự cần thiết, giá trị khoa học của tập bản thảo và công phu, tâm huyết của nhóm tác giả. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng của công trình, bà có đưa ra một số góp ý như sau:
 
Đầu tiên là việc lựa chọn các sự kiện, các tác phẩm để đưa vào niên biểu cần có tiêu chí chọn lọc cần thiết để tránh thừa hoặc thiếu, và cần được giải thích rõ trong lời dẫn. Công trình cần bám sát mục tiêu của đề tài là những sự kiện xoay quanh phong trào Thơ mới, tránh ôm đồm, ví dụ như phần nói về “Khói lam chiều” (tr.184), về văn xuôi Tản Đà (tr.611), “Vườn tinh hoa” của Xuân Diệu (tr.581).
 
Bên cạnh đó, thành công của “Thi nhân Việt Nam” trong việc tổng kết toàn cảnh diện mạo, đặc điểm và tiến trình phát triển phong trào Thơ mới có ý nghĩa rất lớn. Nhưng theo phó giáo sư, chủ biên không nên đưa toàn bộ tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” vào cuốn sách vì nó chiếm một số lượng trang rất lớn (từ tr.660 đến tr.907). Đây là tác phẩm đã rất phổ biến được tái bản nhiều lần. Hơn nữa ở đây tác giả đề tài cũng đã dựa trên bản in của Nhà xuất bản Văn học năm 1988.
 
Ngoài ra, về bố cục công trình, “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” được mở đầu với bài viết của Phan Khôi: “Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ”. Đông Tây, tháng 2 - 1932 là sự lựa chọn thuyết phục nhưng kết thúc bằng bài viết của Kiều Thanh Quế: “Những xu hướng văn học Việt Nam trong năm qua”. Tạp chí Tri tân, tháng 2 - 1945 là chưa thật hợp lý.
 
Hơn thế, tập bản thảo nên tách riêng từng năm để tiện theo dõi. Đồng thời, nhóm tác giả cần chỉnh sửa một số lỗi sai sót mà người thẩm định đã đánh dấu cụ thể trong bản thảo.
 
Sau cùng, bằng sự nhìn nhận sắc sảo, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ đã đưa ra kết luận chung cho tập bản thảo “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)”: Đây là đề tài mang tính văn học sử, cung cấp những tư liệu tra cứu cần thiết. Công trình cần được công bố để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu, giảng dạy văn học Việt Nam hiện đại và góp phần bảo tồn những giá trị của nền văn học dân tộc.
 
(Theo nhận xét của PGS.TS. Lưu Khánh Thơ - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu)
 
Trang Phạm tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá