Một công trình phục dựng bức tranh toàn cảnh về phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)
Với tư cách là phản biện 2 của Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành, giảng viên khoa Văn học, thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, đã đưa ra một bản nhận xét cụ thể và chi tiết, đi vào từng vấn đề của công trình trong sự so sánh với bản đề cương đã được chỉnh sửa.
Theo ông, so với bản đề cương đã trình bày trước đây, bản thảo cuốn sách đã có một sự bổ sung rất quan trọng, đó là toàn bộ cuốn “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân đã được đưa vào. Tác phẩm này đã chiếm non một phần tư độ dài của bản thảo, làm cho bản thảo dày tới hơn 1000 trang. Đây là một sự bổ sung cần thiết để làm cho bộ sách “Biên niên sử Phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” được trọn vẹn. Nội dung công trình phong phú và quy mô, đã dựng lại được diện mạo khá toàn cảnh của bức tranh phong trào Thơ mới gắn với các sự kiện xuất bản và giới thiệu các tác phẩm thơ giai đoạn 1932 - 1945. Công trình thể hiện rõ tính công phu, nghiêm túc của ban biên soạn, bao gồm hàng loạt công việc sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn và chú thích các hiện tượng thơ xuất hiện trên thi đàn Việt Nam trong thời gian 14 năm (1932 - 1945).
Hơn thế nữa, trung thành với bản đề cương đã thuyết minh, cấu trúc công trình được hình thành trên cơ sở thời gian xuất hiện, vận động của phong trào Thơ mới. Mốc thời gian xuất hiện được tính từ tháng 2/1932 với bài: “Một lối “thơ mới” trình chánh giữa làng thơ” của Phan Khôi là phù hợp. Mốc thời gian kết thúc là bài “Những xu hướng văn học Việt Nam trong năm qua” của Kiều Thanh Quế vào tháng 2/1945. Nhưng việc “Biên niên sử Phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)” dừng lại ở mốc thời gian và tác giả nêu trên cần được giải trình rõ hơn trong Lời dẫn. Cũng trong phần lời dẫn, phó giáo sư cho rằng cần nói thêm lý do chọn trích dẫn một số bài viết trên các báo và tạp chí lúc bấy giờ không thuộc thành phố Hà Nội như Huế, Sài Gòn… Ví dụ các bài viết trên Phụ nữ Tân văn (Sài Gòn), tr. 44, 47; Sống (Sài Gòn), tr.138; Công luận (Sài Gòn), tr.156, 233, 255, 309; Sông Hương (Huế), tr.221, 223;… Thực chất công trình này đã mang tính tuyển chọn và trích dẫn, thơ mới và phê bình, nghiên cứu thơ mới trên sách báo và tạp chí của một thời kỳ dài. Nhưng đa số các bài tuyển chọn trích dẫn đã nghiêng về các bài bình, các bài điểm sách mà không trích dẫn sáng tác thơ. Điều này cần nói rõ trong lời dẫn về quan điểm tuyển chọn trích để độc giả nắm được quan niệm và cấu trúc của công trình.
Trong bản đề cương chỉnh sửa, các sự kiện xuất bản và giới thiệu, phê bình thơ mới trong 14 năm đã được tập hợp và sắp xếp theo thứ tự thời gian như là 14 chương của cuốn sách. Sự sắp xếp đó là tự nhiên, hợp lý, tuân thủ theo thời gian tuyến tính của sự kiện. Tuy vậy, nội dung phong phú của công trình chưa được thể hiện qua mục lục của quyển sách. Do đó, bảng mục lục cần chi tiết hơn. Bên cạnh đó, phần thuyết minh đề cương trước đây có nói đến một Phần phụ lục về việc thành lập nhóm Dạ Đài và tuyên ngôn của nhóm này, nhưng trong bản thảo chính lần này không thấy có.
PGS.TS. Nguyễn Bá Thành cho rằng đây là một công trình có ý nghĩa khoa học, nhưng một nội dung khoa học cũng cần được trình bày dưới một hình thức khoa học tương xứng. Chủ công trình cần tạo một form thống nhất để đưa các thông tin liên quan đến tư liệu được trích, cho các tài liệu chỉ có tên mà không trích, cho lời dẫn và lời nguyên văn, cho các bài thơ chỉ có nhan đề mà không trích dẫn, cho thể loại báo chí và cho công trình chuyên khảo… Ngoài ra, cần có một bảng tra cứu ghi tên tác giả và tác phẩm ở cuối sách để tiện việc tra cứu.
PGS.TS. Nguyễn Bá Thành khẳng định, đây là một bản thảo tốt, là một công trình vừa có ý nghĩa tư liệu cho việc nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam vừa có ý nghĩa tôn vinh các sự kiện văn hóa tiêu biểu của Hà Nội trong thế kỷ XX.
(Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Bá Thành- Phản biện Hội đồng nghiệm thu)
Trang Phạm tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội