TƯ LIỆU VĂN HIẾN THĂNG LONG - HÀ NỘI: THẦN TÍCH HÀ NỘI (NGHIÊN CỨU, GIỚI THIỆU, TUYỂN CHỌN) - Bản thảo từ góc nhìn của nhà nghiên cứu chuyên ngành Hán - Nôm
Về lịch sử đề tài, Nhà xuất bản Hà Nội năm 2010 đã cho xuất bản tập Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập thần tích do PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đồng chủ biên. Các tác giả đã tuyển chọn, dịch chú 62 văn bản thần tích của địa phương, chủ yếu là văn bản thần tích của tỉnh Hà Tây trước đây. Lần này công trình Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Thần tích Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh chủ biên. Trong phần mở đầu, về mục tiêu của công trình, chủ biên cho biết là “chúng (tôi) tập trung nghiên cứu, giới thiệu và tuyển dịch thần tích Thăng Long - Hà Nội giới hạn trong 4 quận nội thành (tức huyện Hoàn Long xưa). Cách đặt vấn đề và giới hạn phạm vi nghiên cứu, tuyển dịch văn bản thần tích của 4 quận nội thành là phù hợp với yêu cầu của Nhà xuất bản Hà Nội.
Qua phần Thần tích Hà Nội - Đặc điểm, số lượng, giá trị (từ trang 8 đến trang 21). Chủ biên công trình đã cho biết tình hình văn bản thần tích lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và cuối mục 1. Thần tích Hà Nội - đặc điểm, số lượng, chủ biên viết: Do khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi đi sâu giới thiệu mảng thần tích viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của 143 phường, thôn, xã các huyện Hoàn Long, Thọ Xương (nay hầu hết thuộc nội thành Hà Nội) và các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Từ Liêm, Thanh Trì, với các ký hiệu AEa7/12; AEa2/14-38; AEa2/ AEa2/ 59-86; AEa2/103; AEa11/1-4. Tại mục 1.8. Về số lượng thần tích, chủ biên cho biết, theo thống kê thần tích của143 phường, thôn, xã của Hà Nội có 75 bản sao thần tích và 64 bản kê khai thần tích (tr.21). Theo TS. Phạm Văn Thắm, nội dung này dường như chủ biên đã đi quá xa mục tiêu của công trình. Theo ông, trước hết, chủ biên đã nhắc đến huyện Hoàn Long, huyện Thọ Xương thì cần phải nêu rõ về hai huyện này.
Về huyện Hoàn Long: Huyện được thành lập năm 1915 gồm vùng đất ngoại thành Hà Nội, trực thuộc tỉnh Hà Đông. Năm 1942 Pháp tách huyện Thanh Trì nhập vào Hà Nội, thành lập “Đại lý đặc biệt” Hà Nội gồm huyện Hoàn Long và 22 xã thuộc phủ Hoài Đức chia thành 8 tổng 60 xã.
Về huyện Thọ Xương: Huyện xưa có tên là Vĩnh Xương, cùng với huyện Quảng Đức hợp thành phủ Phụng Thiên. Thời Mạc đổi thành Thọ Xương. Thời Nguyễn, huyện Thọ Xương thuộc phủ Hoài Đức. Đầu thế kỷ 19, huyện Thọ Xương có 191 phường thôn, năm 1831 có 115 phường thôn. Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), huyện Thọ Xương bị bãi bỏ.
Nói về phạm vi, giới hạn của đề tài, TS. Thắm cho rằng chủ biên phải thể hiện rõ 4 quận nội thành là quận nào? 143 phường, thôn, xã của Hà Nội thuộc quận nào của Hà Nội ngày nay? Việc cần phải nêu rõ tên của các địa danh, một phần xuất phát từ việc trong dân gian Việt Nam có câu Thánh làng nào làng ấy thờ, ý muốn khẳng định rằng mỗi làng quê Việt Nam đều có riêng một hoặc nhiều vị thành hoàng làng để tôn thờ. Nếu chủ biên không cho biết tên gọi 4 quận nội thành, không cho biết văn bản thần tích của 4 quận đó là bao nhiêu? Không cho biết 4 quận đó thờ bao nhiêu vị thần thì không thể nhận xét phần giá trịcũng như phần tín ngưỡng trong bài viết của tác giả được. Ngoài ra, TS. Văn Thắm còn thấy một số nhận định trong bản thảo chưa thật chính xác như: thần Tô Lịch là thần thành hoàng bảo vệ kinh thành theo nghĩa “thần bảo vệ thành trì” của Trung Quốc (trang 32) hoặc, công tích của các thần thường được thêu dệt, tô vẽ quá mức, khiến cho văn phong các bản thần tích không còn gọn gàng súc tích mà trở nên dài dòng nhàm chán (trang 27).
Ở góc độ cá nhân TS. Phạm Văn Thắm dưới cái nhìn chuyên môn nhận định dù đề tài có tính kế thừa các công trình đi trước, tập hợp tuyển dịch nhưng cũng có rất nhiều khó khăn. Là một công trình dịch thuật đòi hỏi người thực hiện phải cẩn thận, chính xác. Từ góc độ chuyên môn của mình, TS. Phạm Văn Thắm có chia sẻ khi đọc bản dịch thứ nhất mang tên “Cao Sơn quốc chúa đại vương phả lục”. Về bản dịch, đối chiếu với nguyên bản ông thấy:Về từ chúa (主), trong nguyên bản chữ chúa viết là 主, chữ này có âm Hán Việt là chủ, dịch ra tiếng Việt là chúa.
Phiên đọc là chúa thì từ này thường mang nét nghĩa quyền lực như từ vua chúa (vua Lê chúa Trịnh), công chúa, quận chúa, lãnh chúa, ấu chúa… nét nghĩa từ chúa mang nét quyền lực nhưng nghiêng về nét tước vị.
Phiên đọc là chủ thì từ này mang nét nghĩa quyền lực như: chủ quyền, chủ nhân… nét nghĩa từ chủ mang nét nghĩa quyền lực nhưng nghiêng về nét nghĩa sở hữu, quyền sở hữu …
Theo TS. Phạm Văn Thắm thì nên phiên là Quốc chủ: Cao Sơn quốc chủ đại vương phả lục. Từ Quốc chủ mang nét nghĩa có quyền lực trên vùng đất thuộc quyền sở hữu của vị thần.
Hoặc như ở chú thích 44 (trang 60) chủ biên viết: Nguyên văn viết là “Thái bảo”. Chữ “bảo” (bảo vệ) nhầm thành “bảo” trong “quốc bảo”. Thái bảo là một trong ba chức tam công, đặt ra từ thời Chu. Ở đây ý nói Hoàng đế khởi tạo hồng đồ còn trước cả thời nhà Chu (Trung Quốc).
Đối chiếu với nguyên bản, nguyên văn được viết 昔 我 越 南 天 聖 祖 太 寶 前 皇 帝 肇 造 鴻 圖 = tích ngã Việt Nam thiên Thái tổ Thái bảo tiền Hoàng đế 。 Thái bảo (太 寶 ) là một từ. Kinh Dịch, Hệ từ hạ có câu: 聖 人 之 大 寶 曰 位 = Vật báu lớn của thánh nhân là ngôi vị (ngôi vua hoặc ngai vàng).
Mệnh đề này có thể dịch: Hoàng đế ở ngôi báu trước đây (hiệu) Nam thiên Thánh tổ của nước Việt ta xưa có công xây dựng cơ nghiệp lớn…
Người xưa không viết lầm bảo (寶) thành bảo (保) và không suy diễn Hoàng đế khởi tạo hồng đồ còn trước cả thời nhà Chu (Trung Quốc).
Một vài dẫn dụ để chủ biên cũng như độc giả, các nhà nghiên cứu thấy cái khó của người làm văn bản dịch Hán – Nôm. Từ cái khó để có thể cảm thông và chia sẻ cùng chủ biên tạo nên bản thảo hoàn thiện nhất có thể trước khi đến tay bạn đọc. Từ góc nhìn chuyên môn, những đánh giá, góp ý của TS. Phạm Văn Thắm thực sự hữu ích không chỉ với tác giả trong hoàn thiện bản thảo mà còn là sự động viên, chia sẻ của một người có kinh nghiệm trong nghề.
Ngọc Linh (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội