TƯ LIỆU VĂN HIẾN THĂNG LONG - HÀ NỘI: THẦN TÍCH HÀ NỘI – Đề tài giúp tìm hiểu văn hóa Thăng Long từ nhiều góc độ
Theo nhìn nhận của PGS.TS. Phạm Xuân Hằng thì đề tài Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Thần tích Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh chủ biên so với công trình Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập thần tích do PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đồng chủ biên xuất bản năm 2010 thì công trình này có những khác biệt. Vấn đề này có thể thấy ngay trong phần tình trạng đề tài, tác giả đã nêu do tiêu chí tuyển chọn và phạm vi nghiên cứu có khác so với các nhà nghiên cứu trước đây nên ngoài việc kế thừa các công trình nghiên cứu và dịch thuật thần tích của các nhà nghiên cứu đi trước, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu, giới thiệu và tuyển dịch thần tích Thăng Long - Hà Nội giới hạn trong 4 quận nội thành (tức huyện Hoàn Long xưa) cùng với 4 huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh, Gia Lâm, với tổng số 143 làng xã hiện còn thần tích lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Ngoài ra, nếu có điều kiện sẽ bổ sung thêm một số thần tích hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội và một số thần tích lưu trữ tại các địa phương (không có trong các kho lưu trữ tại các thư viện Hà Nội). Trên cơ sở thần tích được tuyển chọn dịch thuật sẽ đi sâu nghiên cứu làm nổi bật đặc điểm, trữ lượng và giá trị của thần tích Thăng Long - Hà Nội.
Cũng từ nhận định đề tài này có nhiều khác biệt so với đề tài trước, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng cho rằng nếu tập Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập thần tích (của PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh - 2010) có 62 thần tích, trong đó, hơn một nửa thần tích (33) sưu tầm ở các địa phương của Hà Tây cũ, thì công trình này giới thiệu 32 thần tích của huyện Hoàn Long xưa. Mặc dù, trong đề cương nghiên cứu, tác giả còn dự định nghiên cứu, giới thiệu và dịch thuật thần tích có ở 4 huyện ngoại thành Hà Nội, nhưng kết quả nghiên cứu không cho thấy giới thiệu các thần tích ở 4 huyện này, mà mới chỉ dừng ở liệt kê theo từng huyện, những thần tích đang được lưu giữ tại Viện Hán Nôm. Sự chưa rõ ràng này, trong bản nhận xét đề cương, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đã có đề nghị tác giả cho biết lý do vì sao không giới thiệu thần tích ở 4 huyện như đề cương ban đầu đã nêu (cuối tr. 2 Đề cương)? Đồng thời, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng cũng yêu cầu trong số 32 thần tích ở huyện Hoàn Long mà tác giả đề cập, có bao nhiêu thần tích đã được các tác giả PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh đã giới thiệu? Nếu có thì cái mới cụ thể là gì?...
Qua nội dung của bản đề cương, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng thấy rằng trong mục đặc điểm, số lượng, tác giả giới thiệu về nguồn gốc sao chép, tên gọi, kết cấu, niên đại. Phần mà các nhà nghiên cứu quan tâm là phương pháp xác định tính xác thực của đại trong thần tích, nhưng tác giả mới dừng ở vài nét giản đơn. Về giá trị, tác giả giới thiệu giá trị về mặt lịch sử và văn học. Tác giả nêu rằng nhiều sự kiện và tình tiết được thần tích ghi lại, nhưng không được các nhà chép sử đề cập, điều này theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng, nguyên nhân chính là đặc điểm và tính chất của thần tích, thần phả, hay phả lục về thần, hay nhân vật được tôn làm thần, đã là thần thì nhiều chi tiết được thêu dệt cho huyền bí, siêu thực. Điều này cũng bởi thực ra, qua thần tích còn có thể hiểu về văn hóa tâm linh/văn hóa tín ngưỡng của cư dân Hà Nội thời xưa.
Ngoài những ý kiến nhận xét sau khi tiếp xúc bản đề cương từ văn bản thì tại cuộc họp nghiệm thu đề cương, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng có những đánh giá, góp ý trực tiếp với tác giả. Theo ông việc dịch thuật, nghiên cứu, giới thiệu công trình này là cần thiết để tìm hiểu về văn hóa Thăng Long từ nhiều góc độ, nhất là khi có số lượng lớn các thần tích với nội dung khá phong phú và đa dạng. Về phân bổ nội dung, theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng nội dung chính của đề tài theo như thuyết minh trong đề cương tập trung khá nhiều vào phần nghiên cứu đặc điểm và giá trị của thần tích. Vấn đề này, theo quan điểm của ông khi đặt đề tài thuộc mảng sách Tư liệu – Tổng hợp thì cần phải xác định vấn đề trọng tâm là tuyển dịch tư liệu chứ không phải là vấn đề nghiên cứu. Vậy nên, chủ biên cần tập trung sâu vào phẩn tuyển dịch tư liệu.
Cũng theo quan điểm của PGS.TS. Phạm Xuân Hằng, nhóm nghiên cứu cần tập trung tuyển dịch với khối lượng tất cả các thần tích của 4 quận nội thành và 4 huyện ngoại thành Hà Nội thì tốt và cần thiết hơn việc “tuyển dịch thần tích quan phương và một số bản kê khai thần tích”. Một vấn đề thu hút sự quan tâm của các thành viên trong hội đồng nghiệm thu và cả với PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đó là tên gọi của đề tài. Theo ông, tên sách cũng cần phải lưu ý để phân biệt với tên cuốn sách về tuyển dịch thần tích đã xuất bản giai đoạn I. Để cuốn sách thực sự đạt mục đích cũng như có chất lượng tốt hơn, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng muốn chủ biên cần phải đầu tư cho phần chú giải. Ngoài ra, với những công trình có tính chất tuyển dịch tư liệu nếu có phần index thì sẽ thuận lợi hơn cho bạn đọc.
Với những góp ý cùng mục đích, ý nghĩa mà đề tài hướng tới, đề tài Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Thần tích Hà Nội không chỉ khắc phục những hạn chế của các đề tài trước mà còn góp phần phong phú hơn cho lớp trầm tích văn hiến Thăng Long – Hà Nội ngàn năm tuổi.
Linh Chi (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội