Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Qua đề tài “Thần tích Hà Nội” để hiểu thêm về mảnh đất Thăng Long linh thiêng
Thứ tư, 22/07/2015 04:21

Thăng Long – Hà Nội, không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước mà còn là nơi lưu trữ một số lượng lớn các thần tích với nội dung khá phong phú và đa dạng. Nhằm nghiên cứu một cách có hệ thống và giới thiệu được tới đông đảo bạn đọc, năm 2010, trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập thần tích, đã được Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức thực hiện và xuất bản.

 
Đây là một công trình tuyển chọn, dịch thuật, xuất bản thần tích Hà Nội đồ sộ nhất từ trước tới nay, trên một không gian lớn nhất gồm khắp 29 quận huyện trong thành phố, gắn với trục thời gian dài theo suốt tiến trình lịch sử của Thăng Long, Hà Nội. Nhưng hạn chế của công trình này là chưa nghiên cứu, giới thiệu và tuyển dịch các thần tích gắn với lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội xưa. Cần có một đề tài khắc phục hạn chế của đề tài trước, đồng thời thể hiện cụ thể hơn, rõ ràng hơn, có hệ thống hơn, do đó đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Thần tích Hà Nội (nghiên cứu, giới thiệu, tuyển chọn) do PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh chủ trì đã ra đời trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.
 
Về khái niệm, thần tích hay còn gọi là thần phả, ngọc phả, phả lục... là loại hình văn bản ghi chép sự tích các thần được thờ ở đình, đền, miếu. Trước khi chữ quốc ngữ ra đời, thần tích được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, sang thời kỳ thực dân, trong các bản kê khai thần tích ở các làng xã, bên cạnh thần tích, thần phả viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, còn có cả thần tích viết bằng chữ quốc ngữ. Hiện nay, các thần tích viết bằng chữ Hán, chữ Nôm được lưu trữ chủ yếu ở Viện nghiên cứu Hán Nôm. Các bản thần tích bằng chữ quốc ngữ được lưu trữ ở Thư viện Viện Thông tin Khoa học xã hội. Ngoài ra, còn một số bản thần tích hiện còn nằm rải rác ở một số đình, đền ở các địa phương.
Sự tích của các thần ở mỗi địa phương tuy được ghi chép khác nhau, nhưng các vị đều là những vị có công với dân với nước, khi mất đi được dân làng thờ cúng, được nhà nước ban cấp sắc phong và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Sự tích các thần gắn với việc thờ cúng tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại được gắn với ý thức tôn vinh kỳ tích của cha ông trong quá khứ. Các vị thần linh còn được miêu tả như những lực lượng viện trợ cho các thế hệ đời sau trong lúc nguy biến bằng con đường âm phù.
 
Trong khuôn khổ của đề tài này, các tác giả sẽ làm rõ tình hình nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản thần tích từ trước đến nay, nêu lên những ưu điểm và hạn chế đồng thời đưa ra những nội dung cần thực hiện ở đề tài này. Một vấn đề mà đề tài đặt ra là sẽ làm rõ đặc điểm của thần tích Thăng Long - Hà Nội từ quá trình sao chép, niên đại, tác giả, trữ lượng… và đặc biệt đi sâu nghiên cứu quá trình văn bản hóa thần tích ở các địa phương, sự khác nhau về cấu tạo của văn bản thần tích giữa thần tích quan phương (tức các thần tích do Nguyễn Bính, giữ chức Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ biên soạn vào năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572); Nguyễn Hiền, Quản giám bách thần tri điện, Hùng lĩnh thiếu khanh sao chép chủ yếu vào các năm niên hiệu Vĩnh Hựu (1735-1740) và một số thần tích do các tác giả khác biên soạn) và bản kê khai thần tích (tức các bản thần tích do các quan lại, chức sắc địa phương kê khai về lai lịch các vị thần làng xã mình hiện thờ cúng nhưng chưa được các quan chức phụ trách việc lễ nghi của triều đình biên soạn thành văn bản, không ghi năm tháng, tên người biên soạn và sao chép).
 
Ngoài ra, đề tài sẽ làm rõ phần nào niên đại, tác giả và người sao chép. Đây là vấn đề mà các tác giả cho rằng không dễ dàng khi nghiên cứu văn bản thần tích, nhất là đối với văn bản thần tích không ghi niên đại, tên tác giả và người sao chép. Nhưng theo quan điểm của các tác giả nếu làm tốt phần này sẽ giúp cho người đọc hiểu rõ về quá trình văn bản hóa thần tích và việc thờ cúng bách thần ở các địa phương thuộc Thăng Long - Hà Nội.
 
Đặc biệt, mục đích mà đề tài hướng tới là phải làm nổi bật giá trị về lịch sử, văn học, dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ qua các bản thần tích Thăng Long - Hà Nội được tuyển chọn. Đồng thời lập các bảng thống kê cụ thể về tên thần (nhân thần và nhiên thần), giới tính, niên đại, tên người biên soạn và sao chép, địa điểm lưu trữ ở các bản thần tích đã được tuyển chọn (đánh kèm chữ Hán để độc giả tiện theo dõi); Lập bản đồ phân bố các vị thần thuộc 143 làng xã Hà Nội được tuyển chọn lần này; Dịch trọn vẹn 36 thần tích và 17 sự tích các thần của toàn bộ huyện Hoàn Long (tức 4 quận nội thành cũ) và tuyển chọn 64 thần tích thuộc 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Từ Liêm)
 
Theo thăng trầm của lịch sử, giá trị văn hóa, văn hiến của Thăng Long – Hà Nội nay có cái còn có cái mất, nhưng về thần tích thì nơi đây vẫn còn lưu giữ được hàng trăm thần tích và các ngôi đình đền vẫn bền bỉ song hành với cuộc sống hiện đại. Bởi lẽ đó mà người Hà Nội ngày nay dường như vẫn còn tìm một mối hòa đồng với thế giới tâm linh, thấy ở đó tiềm ẩn một năng lượng vô hình nhưng hữu hiệu. Vì thế việc nghiên cứu, giới thiệu, dịch thuật thần tích mang một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ cung cấp tư liệu để nghiên cứu về các lĩnh vực lịch sử, văn học, tôn giáo, dân tộc... mà còn giúp giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ trẻ và để mỗi người chúng ta hiểu thêm về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.
 
 
Khánh Ngọc (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá