Lịch sử Hà Nội cận đại - đề tài có tính toàn diện và chuyên sâu
Đề tài được bố cục thành 4 chương, theo PGS.TS. Đinh Quang Hải như vậy là cân đối và phù hợp. Cùng với đó nội dung của đề tài thể hiện cũng khá phong phú, toàn diện. Ở chương 1, các tác giả đã làm rõ được bối cảnh lịch sử Việt Nam và khu vực cuối thế kỷ XIX trước nguy cơ xâm lược của chủ nghĩa tư bản thực dân phương Tây và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp qua hai lần tiến hành xâm lược Hà Nội vào năm 1873 và 1882. Các chương 2, 3 và 4 trình bày được thực trạng chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và phong trào yêu nước chống Pháp ở Hà Nội trong những năm cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX cho đến khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Nội dung đề tài đã thực sự khái quát có hệ thống, toàn diện và chuyên sâu về những đổi thay của Hà Nội trong khoảng thời gian thuộc Pháp.
Để bản đề cương được hoàn thiện hơn, PGS.TS. Đinh Quang Hải góp ý về tên đề tài nên sửa đổi là: “Lịch sử Hà Nội thời kỳ 1873 - 1945”.Theo ông nếu để tên cũ là “Lịch sử Hà Nội cận đại”, vừa là văn nói, vừa câu không trọn vẹn và thời kỳ cận đại phải là từ năm 1858 - 1945. Tên của chương 2 nên bổ sung thêm khung phạm vi thời gian cho thống nhất với tất cả các chương.
Là một trong những chuyên gia đầu ngành về sử học, hiện ở vị trí Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, PGS.TS. Đinh Quang Hải rất tin tưởng vào đội ngũ thực hiện đề tài bởi chủ nhiệm đề tài và các thành viên tham gia là những chuyên gia có trình độ cao và có nhiều kinh nghiệm. Tin chắc rằng từ bản đề cương này sẽ có cuốn sách đáp ứng được mong mỏi của đông đảo độc giả muốn tìm hiểu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội.
Khánh Ngọc (tổng hơp)
Nhà xuất bản Hà Nội