“LỊCH SỬ HÀ NỘI CẬN ĐẠI” - đề tài mô tả diện mạo của Hà Nội thời Pháp thuộc
Sau khi đọc bản đề cương, GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ thấy rằng ở đề tài Lịch sử Hà Nội cận đại các tác giả đã cố gắng mô tả diện mạo của Hà Nội thời Pháp thuộc theo nguyên tắc đồng đại và lịch đại với các mảng vấn đề được tiếp cận theo lý thuyết đô thị học. Cùng với đó, đề tài bước đầu phản ánh những chuyển biến về kinh tế, văn hóa, xã hội Hà Nội từ 1897 đến năm 1945 chia làm hai thời đoạn: 1897 - 1930 và 1930 - 1945. Đề tài được triển khai trên cơ sở khai thác các nguồn tư liệu mới và thành quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, đây cũng là điều kiện thuận lợi tạo nên sự thành công của đề tài. Tuy nhiên, để đề tài thực sự phát huy được các giá trị của nó, theo nhà sử học Nguyễn Ngọc Cơ cần phải lược bớt phần thông sử ở chương 1, bám sát lý thuyết đô thị học. Thêm chi tiết các phần viết về: quy mô, cấu trúc, dân cư, quy hoạch, quản lý, sinh hoạt và đời sống đô thị. Cần bổ sung phần viết về Hà Nội từ 1873 đến trước 1897. Các phần viết nên tập trung vào 2 thời kỳ: Giai đoạn chịu ảnh hưởng của nếp sống đô thị phương Đông cũ và giai đoạn chuyển biến theo quy hoạch đô thị của người Pháp (đầu thế kỷ XX). Phong trào yêu nước của nhân dân Hà Nội chỉ nên để trong nội dung của chương: Chuyển biến kinh tế xã hội Hà Nội, không cần nêu thành tiểu mục của chương viết.
Ngoài những góp ý khi mới tiếp xúc bản đề cương trên văn bản thì tại buổi họp nghiệm thu đề cương, ở góc độ cá nhân là một nhà sử học đầu ngành, GS.TS. Phạm Ngọc Cơ còn góp ý trực tiếp tới các tác giả thực hiện đề tài. Theo ông, các tác giả cần phải thể hiện lý thuyết về đô thị Hà Nội đậm nét hơn, đó là việc đi sâu vào quy mô, quản lý, cấu trúc, đời sống của đô thị Hà Nội. Với những gì mà đề cương đã thể hiện, theo ông thì các tác giả chủ yếu viết ở mốc năm 1897 còn giai đoạn trước lại ít, ở đây cần phải viết thêm giai đoạn lịch sử từ 1873 đến 1897. Đồng thời ở giai đoạn này cần phải thể hiện rõ dưới chính quyền thực dân thì đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội... của Hà Nội có chuyển biến ra sao.
Trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, sau khi nghe những ý kiến bàn luận, góp ý của các thành viên trong hội đồng, GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ nhận định: Bố cục đề tài với 4 chương đủ để chuyển tải nội dung của Hà Nội thời cận đại 1873 -1945. Về cách tiếp cận, các tác giả thực hiện theo đồng đại và lịch đại, còn phương pháp nghiên cứu đó là sự kết hợp của các chuyên ngành, liên ngành, kết hợp điền dã, dân tộc học... Nói thêm về phương pháp nghiên cứu, ngay bản thân các tác giả đã xác định sẽ cố gắng áp dụng phương pháp nghiên cứu mở với độ co dãn cần thiết, phương pháp phân tích tổng hợp kèm theo tường thuật lịch sử, nhằm phục chế lại bức tranh toàn cảnh đời sống hiện thực của Hà Nội trong một thời đoạn lịch sử nhiều biến động, mà theo các tác giả thời kỳ có bước ngoặt với nhiều hình ảnh, sắc màu sinh động. Với sự kết hợp các phương pháp nghiên cứu đa dạng, linh hoạt sẽ góp phần tạo nên tính xuyên suốt của các vấn đề khai thác, đồng thời có cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội ở mọi thời điểm. Cùng với những góp ý, đánh giá, GS.TS. Nguyễn Ngọc Cơ cũng nêu một số lưu ý với các tác giả đó là vấn đề tên đề tài, phạm vi nghiên cứu, không gian đề tài cần phải có sự phân phối nội dung thật phù hợp, xác đáng. Bên cạnh đó cần tránh sự trùng lặp về nội dung và thiếu tập trung vào nội dung cốt lõi đó là Hà Nội lõi.
Không đơn thuần là một tác phẩm có tính thông sử với những sự kiện gắn với Hà Nội thời kỳ cận đại mà qua nội dung tác phẩm, các tác giả sẽ trình bày sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa, xã hội của Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX để thấy được sự khác biệt căn bản giữa Hà Nội thời kỳ phong kiến với những nét cổ kính, đậm đà văn hóa truyền thống, với Hà Nội thời kỳ thuộc địa, với những nét hiện đại kiểu phương Tây. Tin chắc rằng đề tài Lịch sử Hà Nội cận đại được thực hiện bởi GS.TS. Phạm Hồng Tung và PGS.TS. Trần Viết Nghĩa cùng các cộng sự đều là những chuyên gia có trình độ cao và có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu lịch sử cận đại, điều này không chỉ đảm bảo chắc chắn nội dung sẽ có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ mà còn là một tác phẩm hấp dẫn và hữu ích với đông đảo bạn đọc, các nhà nghiên cứu, những người yêu Hà Nội, luôn muốn tìm hiểu, khám phá mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Ly Đàm (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội