LỊCH SỬ HÀ NỘI CẬN ĐẠI - Tiếp nối dòng chảy lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội
Nằm trong mảng sách lịch sử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, sau khi đọc bản đề cương đề tài Lịch sử Hà Nội cận đại do GS.TS. Phạm Hồng Tung chủ biên, PGS.TS. Vũ Văn Quân - chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đồng thời là người đang chủ trì đề tài “Vương triều Trần” đã có những nhận định, đánh giá, chia sẻ, góp ý như một người trong cuộc. Về mảng lịch sử, những công trình nghiên cứu các thời đoạn lịch sử thì ở giai đoạn I có sách “Vương triều Lý” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc Chủ biên, sang giai đoạn II, Ban Quản lý Dự án của Tủ sách đã triển khai các đề tài “Vương triều Lê (1428 - 1527)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ trì, “Thăng Long - Kẻ Chợ thời Mạc - Lê Trung Hưng” do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì. Riêng về thời cận đại, cũng có một số sách đã ra như “Hà Nội trong cuộc vận động giải phóng dân tộc” của GS. Đinh Xuân Lâm và “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hà Nội” của PGS.TS. Nguyễn Đình Lê. Nhưng hai cuốn này chủ yếu đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng. Có thể thấy, trong tổng thể của lịch trình, một cuốn sách đi vào một giai đoạn cụ thể cùng những vấn đề có tính cốt yếu của thời đại, phản ánh những chuyển biến về mọi mặt của Thăng Long - Hà Nội trong thời kỳ Pháp thuộc là vấn đề cần thiết. Đề tài này khi thành sách sẽ giúp bạn đọc, các nhà nghiên cứu lịch sử có được cái nhìn liên tục dòng chảy lịch sử của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, của Đại Việt - Việt Nam trải nghìn năm. Đến cuốn này, chủ đầu tư và Ban tư vấn chuyên môn có chú trọng vào tính vấn đề về quản lý đô thị, chuyển biến kinh tế, chuyển biến xã hội, chuyển biến về đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, chứ không phải là trình bày thông sử cận đại. Bởi chúng ta cũng có bộ “Lịch sử Hà Nội” của GS. Phan Huy Lê chủ biên đã viết từ khởi nguồn đến bây giờ.
Cùng là những nhà nghiên cứu sử, cả cuộc đời dành cho sử học vậy nên PGS.TS. Vũ Văn Quân hoàn toàn tin tưởng vào đội ngũ thực hiện đề tài,Lịch sử Hà Nội cận đại. Chủ biên đề tài là GS.TS. Phạm Hồng Tung và PGS.TS. Trần Viết Nghĩa đảm bảo rằng sách chắc chắn sẽ có chất lượng tốt và hoàn thành đúng tiến độ. Bởi chủ biên cùng các cộng sự đều là những chuyên gia về lịch sử Việt Nam thời kỳ cận đại, về lịch sử Hà Nội, đã có nhiều công trình được xuất bản trong và ngoài nước, được dư luận đánh giá cao.
Từ góc nhìn của một người có nhiều kinh nghiệm trong viết sách, biên soạn sách, theo PGS.TS. Vũ Văn Quân đề tài kết cấu theo 4 chương như đã thể hiện trong bản đề cương là hợp lý. Việc trình bày lịch sử Hà Nội thời kỳ này trong dòng chảy thời gian một cách toàn diện, đặt trong bối cảnh chung của lịch sử Việt Nam thời cận đại là rất biện chứng và logic. Qua bản đề cương có thể thấy các tác giả đã rất cố gắng khi thể hiện ý tưởng trình bày về lịch sử Hà Nội thời cận đại không quá thiên về chính trị mà nhấn mạnh đến các chuyển biến về kinh tế, xã hội, văn hoá và tư tưởng. Tuy nhiên, qua đề cương PGS.TS. Vũ Văn Quân thấy cách đặt tên chương hay mục, tiểu mục trong các chương vẫn có vẻ “cũ”; nét đặc sắc của Hà Nội thời cận đại là quy hoạch và quản lý đô thị chưa thấy được tô đậm…
Cùng với nhiều nhà nghiên cứu sử học khác, PGS.TS. Vũ Văn Quân đồng ý với mốc thời gian là từ 1873 đến 1945 mà các tác giả đã đề ra. Về tên đề tài: “Lịch sử Hà Nội cận đại”, “Lịch sử Hà Nội 1873 - 1945” hay “Lịch sử Hà Nội cận đại, Hà Nội thời Pháp thuộc 1873 - 1945”... nhóm tác giả nên cân nhắc tránh trùng với bộ sách “Lịch sử Hà Nội” của GS. Phan Huy Lê.
Trong cuộc họp nghiệm thu đề cương, nhóm biên soạn có hỏi ý kiến hội đồng về việc bổ sung thêm phần Hà Tây vào đề tài này, mặc dù mốc thời gian địa phận Hà Tây không thuộc phạm vi không gian nghiên cứu nhưng ở thời điểm hiện tại Hà Nội mở rộng thì khác. Về vấn đề này, PGS.TS. Vũ Văn Quân đã đưa ra quan điểm của mình: Về mặt lý thuyết, chúng ta không thể bỏ phần Hà Tây. Nhưng trong trường hợp cụ thể này chủ biên cần xác định phạm vi không gian càng hẹp bao nhiêu càng tốt. Ông Vũ Văn Quân đề nghị các tác giả, không gian lõi là không gian của thành phố Hà Nội, có mở rộng ra không gian Hà Nội truyền thống (Thọ Xương - Vĩnh Thuận) gồm cả vùng phụ cận.
Một vấn đề mà PGS.TS. Vũ Văn Quân muốn nhắc nhở nhóm biên soạn hết sức lưu ý đó là sự trùng lặp bởi cấu trúc của cuốn sách có khả năng trùng với bộ “Lịch sử Thăng Long - Hà Nội” của GS. Phan Huy Lê. Để tránh trùng lặp, các tác giả không đi theo dòng lịch sử mà trình bày theo tính vấn đề, với các mạch: chuyển biến về kinh tế, tổ chức quản lý, diện mạo đô thị, xã hội, mạch tư tưởng văn hóa...
Kể từ khi Pháp đặt chân đến nước ta cho đến khi chiếm đóng hoàn toàn đã kéo theo nhiều biến chuyển về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội… đã tạo nước ta một diện mạo khác. Đặc biệt với Hà Nội – một đô thị, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lại càng có nhiều biến đổi. Ở đề tài Lịch sử Hà Nội cận đại, các tác giả sẽ đi sâu nghiên cứu về những chuyển biến, thay đổi của một Hà Nội thời Pháp thuộc. Ngoài mục đích của mình, đề tài có thể nói là một sự tiếp nối của dòng chảy lịch sử Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Đàm Ly (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội