Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“LỊCH SỬ HÀ NỘI CẬN ĐẠI” từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự
Thứ năm, 23/07/2015 09:59

Góp thêm một cách nhìn cho đề tài Lịch sử Hà Nội cận đại do GS.TS. Phạm Hồng Tung chủ biên, từ góc độ của một nhà nghiên cứu lịch sử công tác tại Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, những ý kiến đóng góp của PGS.TS. Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng cho bản đề cương của đề tài này thêm cái nhìn đa diện hơn. Chính vì lẽ đó, theo Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng thì trong chương trình nghiên cứu khoa học nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, bạn đọc trong nước và quốc tế đã đón nhận hàng trăm công trình phản ánh một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc và sinh động về Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi. Dầu vậy, còn khá nhiều lĩnh vực, khía cạnh chưa được đặt ra nghiên cứu, tạo nên hoặc giúp cho việc nhận thức về Thăng Long - Hà Nội hoàn chỉnh và sâu sắc hơn, trong đó lịch sử Hà Nội cận đại và hiện đại thể tài là một ví dụ. Tuy vấn đề này đã được nhiều tác giả, tập thể tác giả đề cập, nhưng hầu hết là trên từng lĩnh vực, khía cạnh và thời đoạn. Vậy nên, đề cập nghiên cứu Lịch sử Hà Nội cận đại, Hà Nội thời Pháp thuộc là xác đáng. Nhất là, trong những năm gần đây, đề tài được tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau, có thêm những nhận thức và tư liệu mới.

 
Sau khi đọc bản đề cương, PGS.TS. Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng đã có những nhận định ban đầu khi nêu mấy nét nổi bật trong cách đặt vấn đề của đề tài này. Theo ông,cũng là nêu lên bối cảnh Việt Nam/ Hà Nội trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp, nhưng ít nhiều ở đề tài này đã tỏ rõ cách nêu vấn đề của tác giả là đặt việc xâm lược trong bối cảnh chung của thế giới; từ xa là chủ nghĩa tư bản, đến gần là khu vực Đông Nam Á và trực tiếp là Việt Nam - Hà Nội.
 
Cũng theo ông thì ở đề tài này ít nhiều đã nêu không chỉ nguồn gốc chiến tranh như ở trên mà còn là đối sách của giới cầm quyền từng quốc gia, dẫn đến các nước Đông Nam Á (và Đông Á) có diễn biến khác nhau, kết cục khác nhau.
 
Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng đi vào nhận định cụ thể, diện mạo và đời sống đô thị Hà Nội trong những năm trước Cách mạng tháng Tám, được bổ sung một tư liệu và cách phân tích mới. Cùng với những đánh giá sự thành công, mặt được của đề tài thể hiện qua bản đề cương, PGS.TS. Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng cũng có những góp ý cụ thể và mong muốn các tác giả cân nhắc thêm.Đó là cần chú ý khi trình bày, phân tích những nội dung có tính nhạy cảm. Xung quanh quan hệ văn hoá Việt và sự tiếp nhận văn minh phương Tây. “Xu hướng chính vẫn là sự tự nguyện tiếp nhận văn minh phương Tây”…; “Hà Nội không mất đi những giá trị văn hoá truyền thống…”, “Văn hoá Hà Nội là sự hoà quyện nhuần nhị giữa văn hoá phương Đông và văn hoá phương Tây”...
 
Sau những góp ý cụ thể, Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng cho rằng việc bổ sung phần Hà Tây vào đề tài này là rất khiên cưỡng. Nhưng chúng ta vẫn phải quan tâm đến vấn đề về chính trị và yếu tố tâm lý, tư tưởng của người Hà Tây. Vậy nên theo ông các tác giả nên tìm ra một cách viết nào đó hoặc có cách viết nào đó để diễn giải với độc giả hiểu về vấn đề này.
 
Một điều mà PGS.TS. Trịnh Vương Hồng muốn lưu ý với các tác giả đó là tính thống nhất trong nội dung thể hiện và trong tổng thể bối cảnh chung của thời kỳ mà công trình đề cập tới. Ở đây, ông thấy rằng trong đề cương có những nhận định, đánh giá chung không khớp, hơi vênh với cuốn Lịch sử Việt Nam cận đại, tập 3, của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia. Tuy rằng đây là viết về lịch sử địa phương chứ không phải lịch sử cả nước, nhưng tinh thần chung vẫn phải có sự thống nhất. Thư mục trong cuốn Lịch sử Việt Nam cận đại, tập 3 nói trên là vô cùng đồ sộ. Nó khai thác được mọi khía cạnh, mọi góc độ, các công trình tiêu biểu của cả Việt Nam và quốc tế, các báo, tạp chí... Ở đề tài này các tác giả nên tận dụng những thành tựu đã có và phải điều tiết, hiệu chỉnh cho phù hợp. Phần Thư mục của đề tài cũng cần bổ sung những thư mục của giai đoạn I của Dự án Tủ sách (VD: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945” của GS. Đinh Xuân Lâm, “Thăng Long - Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm” của PGS.TS. Lê Đình Sỹ...).
Khi nói về tính kế thừa các công trình trước, chủ biên GS.TS. Phạm Hồng Tung cũng bày tỏ viết về lịch sử Hà Nội thời cận đại, đặc biệt là lịch sử yêu nước, lịch sử phong trào cách mạng đã có khá nhiều công trình đề cập đến, điển hình là lịch sử Đảng bộ, lịch sử Cách mạng Tháng Tám... Đây là một trong những nội dung chủ đạo của đề tài nên không tránh khỏi có sự kế thừa. Tuy nhiên, trọng số của công trình lại được các tác giả đặt ở nội dung khác. Đó chính là nội dung trình bày về lịch sử của một đô thị. Từ đó nẩy sinh những vấn đề liên quan như: lịch sử đô thị, đời sống dân cư đô thị, những chuyển biến về kinh tế, về đời sống về kết cấu phát triển đô thị... Đây là điểm khác biệt, một lối đi mới của đề tài. Tin tưởng rằng từ nhận thức đến cách đi của các tác giả sẽ góp phần tạo nên sự thành công của đề tài và sẽ là một cuốn sách hay, mang giá trị lớn, là tài liệu tham khảo hữu ích cho đông đảo độc giả.
 
Không chỉ là một nhà nghiên cứu sử gắn với lịch sử quân sự mà những góp ý của Thiếu tướng Trịnh Vương Hồng góp phần hoàn thiện thêm cho bản đề cương, đồng thời gợi mở cho các tác giả cách tiếp cận và triển khai vấn đề để sao từ bản đề cương đến một cuốn sách có giá trị với đông đảo bạn đọc và các nhà nghiên cứu. Từ đề tài này đã góp cho mảng sách lịch sử Thăng Long – Hà Nội hệ thống và chuyên sâu hơn.
 
 
Linh Chi (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá