Hà thành thi sao và những áng thơ hay về Thăng Long - Hà Nội
Trước hết, xét về chủ đề của công trình, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ đánh giá cuốn sách hoàn toàn phù hợp với yêu cầu về nội dung của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Bởi Hà Thành thi sao là cuốn sách sưu tập, sao chép đầy đủ nhất về thơ Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội trong suốt thời kỳ văn học trung đại Việt Nam. Bản thảo tuyển dịch, khảo cứu, dịch chú, giới thiệu thơ Hán Nôm viết về Thăng Long - Hà Nội chủ yếu từ Hà Thành thi sao là có ý nghĩa khoa học và đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay.
Về phương diện kết cấu, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ cho rằng bản thảo có kết cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu về phiên khảo, dịch chú một văn bản tác phẩm Hán Nôm.
Phần giới thiệu soạn giả, văn bản đã được thực hiện theo như trình bày trong bản đề cương chi tiết sau khi nghiệm thu. Do được xác định đây không phải là đề tài mang tính chất nghiên cứu, phê bình mà tập trung chủ yếu vào việc phiên dịch, khảo chú nên phần giới thiệu được trình bày sơ lược đúng tính chất giới thiệu về soạn giả và tác phẩm. Dù vậy, chủ biên cũng đã giới thiệu khá rõ nét về con người và đóng góp của cụ Nhàn Vân Đình Trần Duy Vôn, một người có sự hiểu biết thâm hậu về Hán học, có sự say mê, tâm huyết với di sản văn hoá Hán Nôm của nước nhà. Trong phần giới thiệu về văn bản Hà Thành thi sao, tác giả đã cho thấy một cách khái quát những đặc điểm về hình thức và nội dung, cách thức biên soạn của cụ Trần Duy Vôn qua văn bản tác phẩm, cho thấy rõ danh mục các tác phẩm được sưu tập, sao chép trong văn bản.
Nhà nghiên cứu Hán Nôm này nhấn mạnh một trong những đóng góp đáng kể của nhóm biên dịch là đã so sánh, đối chiếu những tác phẩm và tác giả có thơ trong Hà Thành thi sao với bản gốc hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm mà soạn giả Trần Duy Vôn đã trích dẫn, sao chép để làm rõ những sai sót, nhầm lẫn trong quá trình biên soạn. Đó là việc: trích nhầm tên sách hoặc tên bài thơ; nhầm lẫn trong tiểu dẫn và nguyên chú; riêng văn bản Thăng Long tam thập vịnh có 6 dị bản lại không có bản gốc, trên cơ sở so sánh sự giống và khác nhau giữa các dị bản, nhóm dịch giả đã có sự lựa chọn từ 3 văn bản khả thủ hơn để dịch, chú. Đó cũng là một cách làm hợp lý, khoa học của người nghiên cứu và công bố văn bản Hán Nôm.
Nhóm dịch chú cũng cố gắng khai thác, nêu bật những giá trị chính về nội dung được phản ánh qua Hà Thành thi sao và các bài thơ của các tác giả viết về Thăng Long - Hà Nội, vùng đất văn hiến, đế đô của muôn đời. Bài giới thiệu cũng cho thấy rõ một đặc điểm nổi bật về nội dung phản ánh trong Hà Thành thi sao, gắn với cảm hứng chủ đạo của các thi nhân là cảnh trí, di tích, danh lam thắng cảnh của Thăng Long - Hà Nội. Với những minh chứng lịch sử cụ thể, xác thực được khai thác từ các bài thơ trong Hà Thành thi sao, từ các tiểu dẫn, nguyên chú của soạn giả Trần Duy Vôn, dù chỉ vài trang, nhóm biên dịch cũng đã phác hoạ được diện mạo, chân dung của Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử, một Thăng Long - Hà Nội từ cuộc sống chính trị, xã hội, sinh hoạt đời thường đến cuộc chiến tranh nội chiến, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm...
Với mục đích khảo sát, phiên âm, dịch nghĩa, chú thích, giới thiệu sưu tập thơ Hà Thành thi sao thì theo PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ một bài giới thiệu như vậy là cần thiết và đạt yêu cầu.
Nội dung chính của bản thảo là phần phiên âm, dịch nghĩa, chú thích văn bản tác phẩm Hà Thành thi sao. Phần này, ngoài Hà Thành thi sao còn tuyển thêm thơ viết về Thăng Long - Hà Nội của một số tác giả nổi tiếng trong văn học trung đại Việt Nam từ thời Lý, Trần đến thời Nguyễn như đã trình bày trong bản Đề cương chi tiết. Các bài thơ này khi tuyển dịch đều ghi rõ xuất xứ và có chú thích rõ (ví dụ bài Thu thành vãn vọng của Nguyễn Phi Khanh; bài Quán Trấn Vũ của Lê Thánh Tông...).
Đánh giá về chất lượng dịch chú, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ cho rằng nhóm dịch giả đã khá trung thành với nội dung trong văn bản chữ Hán, dịch đầy đủ những lời tiểu dẫn, nguyên chú của soạn giả Nhàn Vân Đình. Đặc biệt hơn trong quá trình phiên dịch, nhóm biên soạn đã phát hiện, đính chính, chỉnh sửa lại những sai, nhầm của bản gốc. Ví dụ trường hợp nguyên chú ở bài Báo Thiên tự của Trần Nghệ Tông: Chùa Báo Thiên đời Lý ở Gia Lâm chứ không phải ở chỗ Bưu điện đối diện với Hồ gươm và một số các trường hợp khác nữa (Bài 7, trang 43). Phần dịch nghĩa ra văn xuôi được đánh giá dịch khá sát nghĩa, thể hiện được tinh thần và ý tứ của các câu thơ và toàn bài thơ. Phần phiên âm Hán Việt hầu hết là chính xác. Phần dịch thơ thể hiện được ý, tứ thơ và tinh thần của nguyên tác. Nhóm biên soạn cũng đã lưu ý có ghi rõ tên, nguồn của các bản dịch thơ. Nhìn chung, bản dịch đạt chất lượng cao. Bên cạnh đó mặc dù là bản sơ thảo nhưng bản thảo được trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ theo dõi, văn phong khoa học. Đây cũng là một cố gắng đáng ghi nhận của tập thể biên soạn.
Bên cạnh việc ghi nhận những ưu điểm, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ cũng đưa ra một vài góp ý hoàn thiện bản thảo công trình:
Về tên sách, nhà nghiên cứu này đề xuất tên Tuyển tập thơ Thăng Long - Hà Nội qua Hà Thành thi sao.
Là một chuyên gia về văn bản Hán Nôm, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ có nhiều ý kiến cụ thể về văn bản. Bà chỉ ra trong bản thảo có một số trường hợp có sự hiểu khác nhau giữa người dịch văn xuôi và người dịch thơ về nội dung câu thơ. Ngoài ra bà cũng lưu ý nhóm biên soạn chỉnh sửa một số trường hợp phiên âm Hán Việt do không thống nhất trong các từ điển tra cứu hoặc do lỗi đánh vi tính... Bản thảo cũng còn nhiều chữ Nôm thiếu chính xác (do đánh vi tính) cần phải chỉnh sửa. Theo kinh nghiệm của Phó giáo sư Hoàng Thị Ngọ, những chữ sai này có thể xử lý bằng cách chụp nguyên bản gốc hoặc thuê người biết vẽ chữ Nôm trên vi tính.
Đánh giá cao chất lượng bản thảo, PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ khẳng định sau khi chỉnh sửa các lỗi, hoàn thiện bản thảo, công trình hoàn toàn có thể xuất bản theo tiêu chí của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến để giới thiệu rộng rãi đến độc giả trong và ngoài nước.
Theo nhận xét của PGS.TS. Hoàng Thị Ngọ - Phản biện 2
Minh An (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội