Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một công trình mới khảo cứu thơ ca Hán Nôm về Thăng Long - Hà Nội
Thứ hai, 10/08/2015 12:14

Trong di sản văn học của dân tộc, có một bộ phận khá lớn trước tác viết về Thăng Long - Hà Nội được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, trong đó bảo lưu rất nhiều chứng tích lịch sử, văn hóa, văn hiến cổ của kinh đô Thăng Long, chuyên chở những tình cảm yêu mến, trân trọng, tự hào về mảnh đất này của các thế hệ người Việt, do vậy cũng hàm chứa nhiều vấn đề lý thú đối với giới nghiên cứu lịch sử cũng như văn chương. Tuy nhiên cho đến nay, có thể nói nhiều bộ phận trước tác nói trên chưa được khảo sát, phiên dịch, chú giải và công bố đầy đủ để người đọc hôm nay tiếp nhận được giá trị thực của nó, cũng như các nhà nghiên cứu có thêm những chứng cứ và cơ sở khoa học cần thiết, hữu ích khẳng định quá khứ nghìn năm văn hiến của dân tộc và Thăng Long - Hà Nội.

 
Đó cũng là một trong những lý do mà TS. Phạm Thị Ngọc Lan - chuyên gia về văn học trung đại Việt Nam thuộc Viện Văn học (Viện Hàn lâm KHXH VN) đánh giá việc thực hiện đề tài Thơ Thăng Long Hà Nội qua “Hà thành thi sao” của PGS.TS Đỗ Thị Hảo và tập thể soạn giả - những nhà nghiên cứu Hán Nôm chuyên nghiệp là thực sự hữu ích; nội dung công trình hoàn toàn phù hợp với chủ đề Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
 
TS. Phạm Thị Ngọc Lan cho biết thêm, PGS.TS Đỗ Thị Hảo là người có thâm niên nghiên cứu Hán Nôm, đặc biệt bà và các cộng sự đã từng hoàn thành đề tài cấp Viện Hà thành thi sao và những áng thơ về Thăng Long - Hà Nội, bà cũng từng công bố bài nghiên cứu Thăng Long qua thơ Hán Nôm trong Thông báo Hán Nôm học năm 2004, do đó có thể chờ đợi ở công trình chất lượng tốt và những đóng góp thiết thực.
 
Tham gia hội đồng nghiệm thu với tư cách Ủy viên, và dù đọc hơn 600 trang văn bản Hán Nôm chỉ trong một thời gian ngắn, TS. Phạm Thị Ngọc Lan cũng đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá xác đáng, những đề xuất đóng góp cụ thể, hữu ích nhằm hoàn thiện bản thảo.
 
Bà đánh giá công trình ngay từ đầu đã xác định và đi đúng hướng. Công trình đã tuân thủ những đòi hỏi bắt buộc, mang tính chuyên biệt đối với một công trình giới thiệu, dịch chú tác phẩm Hán Nôm; điều này thể hiện rõ ở ý hướng mô tả, giới thiệu tác phẩm, khảo sát văn bản và các bước dịch, chú. Công trình về cơ bản tuân thủ cách sắp xếp, chọn lọc của soạn giả - nhà Hán học Trần Duy Vôn. Ngoài việc “trình hiện” các giai đoạn với các tác giả, tác phẩm cụ thể viết về Thăng Long, ở mỗi bài thơ, nhóm công trình đều tuân thủ trình tự: nguyên văn chữ Hán (Nôm), phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, nguyên chú (nếu có), khảo dị và chú thích. Theo TS. Phạm Thị Ngọc Lan cách làm này hiệu quả vì giúp cho người đọc có thể tiếp nhận được nguyên tác tùy theo cấp độ đọc, quan tâm của mỗi người.
 
Bản thảo có số lượng trang khá dày dặn (644 trang), kết cấu và nội dung triển khai bài bản, phù hợp với mục đích và nội dung của đề tài; các phần dịch nghiêm túc, đáng tin cậy; bản thảo hiện cũng đã được trình bày khá đẹp, sáng rõ, mạch lạc. TS. Ngọc Lan nhấn mạnh đó là một cố gắng đáng ghi nhận của tập thể tác giả.
 
Với mong muốn nâng cao chất lượng công trình và trách nhiệm của người đọc thẩm định công trình, TS. Phạm Thị Ngọc Lan đã đưa ra một số băn khoăn, trao đổi, góp ý cùng nhóm biên soạn:  
 
Thứ nhất, theo bà công trình nên có những điều chỉnh sao cho giữa tên đề tài và nội dung triển khai không bị “vênh”. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu này, tên gọi Hà thành thi sao đã chỉ rõ chủ đề của cuốn sách này là sưu tập, sao chép những bài thơ viết về Hà thành (thực tế tác phẩm này còn bao gồm cả một số bài phú và câu đối cũng viết về Hà Nội) vì thế nếu tên đề tài đặt như hiện nay là dài dòng, không cô đọng. Nên chăng chỉ đặt là: Hà thành thi sao (tuyển chọn) hoặc một nhan đề tương tự như vậy và đồng thời ở lời giới thiệu có thể nói rõ thêm: tập sách gồm cả thơ, phú và một số câu đối nhưng chúng tôi chỉ chọn một số bài thơ tiêu biểu. Mặt khác, trên thực tế, các soạn giả của công trình vì muốn bổ sung thêm một số bài thơ hay viết về Hà Nội của các tác giả nổi tiếng khác nên đã vượt ra ngoài phạm vi được chỉ rõ ở nhan đề Tuyển thơ Thăng Long Hà Nội qua “Hà thành thi sao” (xin lưu ý, qua nghĩa là chỉ chọn quaHà thành thi sao thôi). Nếu các soạn giả vẫn tiếc nuối những bài thơ hay của các tác giả không có mặt trong Hà thành thi sao thì có lẽ nên trở lại với tên gọi ban đầu Thơ Hán Nôm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên nếu làm như vậy thì khả năng bao quát của đề tài đòi hỏi phải rộng hơn nữa, nhiều tác giả và tác phẩm hơn nữa; trong khi, Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến giai đoạn I của Nxb. Hà Nội cũng đã có một công trình khác bao quát khá nhiều bài thơ Hán Nôm viết về Thăng Long (như Tuyển thơ Thăng Long Hà Nội; đó là chưa kể còn có một số tuyển tập khác đã từng chọn hướng đi này). Điều đáng nhấn mạnh là điểm mới và cũng là khác biệt, cho thấy cái mới, cái hữu ích và điểm nhấn của công trình này chính là công bố bản dịch 6 thi tập về Hà Nội vốn hầu như chưa được dịch và công bố. Những tác phẩm này nếu nhà Hán học Trần Duy Vôn đã chọn và sao chép vào Hà thành thi sao thì nhóm công trình chỉ cần đối chiếu, tìm khảo dị ở các văn bản tương ứng khác rồi hoàn thành phần dịch, chú là ổn. Với những diễn giải này, TS. Ngọc Lan cho rằng chỉ nên khuôn lại ở nội dung của Hà thành thi sao là công trình cũng đã có đóng góp thực sự, đáng ghi nhận.
 
Thứ hai, theo bà nếu nhóm công trình quyết định chỉ tuyển chọn dịch các tác phẩm thơ có trong Hà thành thi sao thì cần phải mạnh dạn loại bỏ những bài phú, nhất là các bài thơ, phú - dù rất hay, nổi tiếng viết về Hà Nội của các tác giả nổi tiếng khác vốn không được nhà Hán học Trần Duy Vôn sao chép trong Hà thành thi sao. Mặt khác, vẫn có thể chọn dịch những bài thơ hay của các tác giả khuyết danh, các tác giả không nổi tiếng, cũng như để lại thơ của Ngụy Tiếp (Trung Quốc) viết về Hà thành theo đúng cách sắp xếp của Hà thành thi sao; nếu có thay đổi trật tự sắp xếp khác với Hà thành thi sao thì cũng nên nói rõ lý do để người đọc thấy được nhóm soạn giả có chủ kiến riêng khác với nhà Hán học Trần Duy Vôn.
 
Thứ ba, vì nhóm công trình do PGS.TS. Đỗ Thị Hảo làm chủ nhiệm chỉ tuyển chọn dịch - chứ không dịch tất cả “Hà thành thi sao” (PNL nhấn mạnh) nên nếu ở phần giới thiệu, chủ biên mô tả kỹ hơn về kết cấu, nội dung... hoặc công trình có thêm phụ lục về tác giả, tác phẩm vốn được nhà Hán học Trần Duy Vôn chép trong Hà thành thi sao thì người đọc sẽ có những hình dung cụ thể hơn về cuốn sách và công phu của soạn giả Trần Duy Vôn, cũng như sẽ thấy rõ hơn tính chất “tinh tuyển” của nhóm công trình.
 
Thứ tư, khâu xử lý ở cấp độ văn bản nếu có điều kiện giải quyết thấu triệt (chẳng hạn hiện còn có một số phần không có khảo dị, có thể bổ sung?) thì người đọc sẽ được tiếp nhận bản dịch với độ tin cậy cao hơn nữa.  
 
Thứ năm, nhà nghiên cứu cũng lưu ý thêm với nhóm đề tài một số tiểu tiết để tu chỉnh thêm đôi chút bản thảo hiện tại:
 
- Long Biên bách nhị vịnh (Bùi Liên Khê soạn thảo và viết tựa) đã được dịch và công bố, người dịch Trần Duy Vôn, Cao Hữu Lạng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974, 99 tr; ngoài ra còn có Hà thành thi sao và thơ Hán Nôm Trần Duy Vôn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, Hà Nội, 2007, 480 tr. Nên chăng nhóm soạn giả có thể tham khảo thêm ít nhiều các tác phẩm đã công bố này để giúp cho việc tuyển chọn được sát hợp.
 
- Ở phần giới thiệu, theo TS. Ngọc Lan nên chăng có thể tu chỉnh đôi chút để đánh giá công lao đóng góp của nhà Hán học Trần Duy Vôn một cách hữu lý và thỏa đáng.
 
- Bên cạnh đó bà cho rằng nhóm công trình cũng có thể tu chỉnh câu chữ và bổ khuyết thêm ít nhiều ở phần chú giải để phần này thật sự thú vị và hữu ích.
 
Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn học trung đại Việt Nam và đã tham gia biên soạn nhiều công trình khảo cứu về văn chương Hán Nôm, và với trách nhiệm của một ủy viên Hội đồng nghiệm thu, những ý kiến, đề xuất của TS. Phạm Thị Ngọc Lan nhằm mong muốn nhóm công trình nên có thêm những cân nhắc, điều chỉnh phù hợp để cuốn sách ra đời có tính thuyết phục và chất lượng khoa học cao.
 
 
Theo nhận xét của TS. Phạm Thị Ngọc Lan - Ủy viên Hội đồng
 
Minh An (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá