Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Hệ thống sông hồ Hà Nội dưới góc nhìn của một nhà địa lý
Thứ hai, 07/09/2015 04:50

Sau khi đọc bản thảo Hệ thống sông hồ Hà Nội do GS.TS. Đặng Văn Bào chủ biên, đồng thời tham gia Hội đồng nghiệm thu từ bản đề cương, GS.TS. Trương Quang Hải có những nhận xét, đánh giá, góp ý sâu sát cho bản thảo.

 
Theo nhận định của GS.TS. Trương Quang Hải, bản thảo được viết khá công phu, các tác giả đã kế thừa và hệ thống nhiều tài liệu nghiên cứu về sông hồ Hà Nội. Đồng thời cuốn sách cũng là sản phẩm khoa học trong quá trình nghiên cứu nhiều năm của các tác giả về địa mạo và biến động sông hồ Hà Nội. Hơn thế, bản thảo cuốn sách bám sát đề cương được phê duyệt. Cuốn sách thể hiện rõ được đặc điểm, sự phân bố và biến động sông hồ ở Hà Nội.
 
Ngoài những ưu điểm lớn của bản thảo đã kể trên, ở đây các tác giả đã kế thừa qua tập hợp nguồn tài liệu phong phú về đặc điểm các nhân tố ảnh hưởng, nguồn gốc, hình thái, sự biến động sông hồ ở Hà Nội. Vận dụng cách tiếp cận địa mạo và viễn thám trong nghiên cứu biến động sông hồ Hà Nội. Hơn nữa, chủ biên PGS.TS. Đặng Văn Bào là nhà địa mạo có uy tín, đã nhiều năm đầu tư nghiên cứu biến động sông hồ Hà Nội.
 
Sau những nhận định, đánh giá có tính tổng quát toàn bộ bản thảo, GS.TS. Trương Quang Hải đã đi vào từng chương mục của bản thảo, cụ thể:
 
- Chương 1: Tổng quan về sông hồ Hà Nội, đã đề cập đến: Khái niệm chung về hệ thống sông hồ, khái niệm chung về sử dụng bền vững hồ đa mục tiêu; Tổng quan các kết quả nghiên cứu liên quan với các hồ nước, sông ngòi thành phố Hà Nội; Một số vấn đề tồn tại trong nghiên cứu hệ thống sông, hồ; Khái quát hệ thống sông hồ ở Hà Nội.
 
Theo GS.TS. Trương Quang Hải ở nội dung này nên bổ sung khái niệm sử dụng hợp lý sông, các chức năng mang tính đặc thù của sông hồ như kinh tế (giao thông thủy, cấp nước, thủy sản...), sinh thái (điều tiết dòng chảy mặt, điều hòa khí hậu, nghỉ dưỡng), văn hóa - xã hội (các di tích lịch sử, văn hóa).
 
- Chương 2: Các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành, phát triển hệ thống sông hồ Hà Nội, đề cập đến 2.1. Các nhân tố tự nhiên ảnh hưởng tới sông hồ Hà Nội; 2.2. Các hoạt động kinh tế - xã hội ảnh hưởng tới sông hồ Hà Nội.
 
Trong chương này các nhân tố kinh tế xã hội, các tác giả đề cập còn sơ lược như quá trình đô thị hóa, quá trình lấn hồ để xây dựng nhà ở, đường giao thông, xây dựng công trình...
 
- Chương 3: Hệ thống sông suối thành phố Hà Nội, trình bày hệ thống sông Hồng; hệ thống sông Nhuệ - Đáy; hệ thống sông Tô Lịch; hệ thống sông Cầu.
 
Với mong muốn bản thảo được tốt hơn, GS. TS. Trương Quang Hải góp ý các tác giả nên cân nhắc việc phân các hệ thống sông sao cho hợp lý để thấy được rõ mối liên hệ giữa dòng chính với các chi lưu.
 
- Chương 4: Hồ và đầm Hà Nội, trình bàyhồ ở các quận nội thành Hà Nội; hồ thuộc các huyện thị ngoại thành Hà Nội
 
So với các chương khác, nhà nghiên cứu Trương Quang Hải thấy phần hồ ở ngoại thành Hà Nội còn sơ lược, chưa nêu các đầm. Việc bổ sung nội dung hay đi chuyên sâu thêm sẽ góp phần nâng cao chất lượng bản thảo cũng như có cái nhìn toàn diện hơn về hệ thống sông hồ Hà Nội cả nội và ngoại thành.
 
- Chương 5: Biến động hệ thống hồ nước, sông ngòi, gồm các nội dung: Biến động trong lịch sử và tái hiện hệ thống lòng cổ sông Hồng và chi lưu; Biến động hệ thống sông suối; Biến động lòng sông hiện đại; biến động các hồ nước.
 
Ngoài những nội dung thể hiện rất tốt ra, ở chương này GS.TS. Trương Quang Hải thấy các tác giả cần phân tích biến động diện tích hồ nước mới tập trung các hồ vùng nội thành, chưa đề cập đến các hồ ngoại thành Hà Nội.
 
- Chương 6: Định hướng sử dụng hợp lý các hồ nước và sông ngòi thành phố Hà Nội, gồm:Cơ sở cho việc xây dựng định hướng; Định hướng sử dụng hợp lý các hồ nước, sông ngòi thành phố Hà Nội;Định hướng bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai liên quan đến hệ thống sông ngòi và hồ nước; Nghiên cứu biến động lòng sông với việc làm sáng tỏ tư liệu lịch sử, khảo cổ.
 
Ở chương cuối, GS.TS. Trương Quang Hải thấy rằng phần cơ sở định hướng còn thiếu phân tích đánh giá hiện trạng sử dụng, quản lý.
 
Ngoài những đóng góp, nhận định cụ thể ở từng chương, GS.TS. Trương Quang Hải còn có những góp ý mang tính khái quát nhằm nâng cao chất lượng bản thảo khi ra sách. Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển – Trương Quang Hải cho rằng phần các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển sông hồ cần tập trung phân tích đặc điểm và sự phân hóa các yếu tố, song khía cạnh ảnh hưởng chưa thể hiện rõ.Về khía cạnh thủy văn, thủy sinh vật, giá trị lịch sử - văn hóa của các hồ ở đây các tác giả ít được đề cập, các hồ các huyện ngoại thành chủ yếu mới đề cập về mặt hình thái.
 
Nhiều năm công tác trong Bộ môn Sinh thái Cảnh quan và Môi trường, GS.TS. Trương Quang Hải mong muốn các tác giả trước khi định hướng và giải pháp sử dụng hợp lý các hồ nước và sông Hà Nội nên có đánh giá thực trạng quản lý, sử dụng sông hồ hiện nay, hoặc nêu những vấn đề cấp bách liên quan đến sông hồ Hà Nội.
 
Điểm cuối cùng mà GS.TS. Trương Quang Hải muốn góp ý các tác giả đó là cần lưu ý trong trích dẫn các tài liệu về thời gian nghiên cứu, đánh giá, nhất là đối với sông, vì địa giới hành chính Hà Nội nhiều thay đổi, các số liệu công bố, độ dài thời gian quan trắc khác nhau, các thông số môi trường nước sông hồ biến động mạnh. Đặc biệt trong bản thảo nhiều hình không rõ, khó đọc, các tác giả cần biên tập các bản đồ, sơ đồ về tỷ lệ lớn để thể hiện rõ ràng, trực quan các đối tượng.
 
Dưới góc nhìn của một người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực địa lý, chuyên sâu ở Bộ môn Sinh thái Cảnh quan và Môi trường, bản thảo Hệ thống sông hồ Hà Nội đã thực sự thể hiện rõ được đặc điểm, sự phân bố và biến động sông hồ ở Hà Nội. Tin chắc rằng sự ra đời của bản thảo sẽ là một nguồn tư liệu quý, có đóng góp cho thực tiễn nghiên cứu, ứng dụng nguồn nước, địa chất, địa mạo… từ hệ thống sông hồ Hà Nội trong xây dựng và phát triển Thủ đô.
 
 
Linh Chi (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá