Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Hệ thống sông hồ Hà Nội” - cuốn sách có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao
Thứ hai, 07/09/2015 04:52

Hệ thống sông hồ Hà Nội” không chỉ là một công trình quan trọng đóng góp cho việc thực hiện cơ cấu của Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, mà nó còn mang ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Đây là nhận định bước đầu của PGS.TS. Phạm Quang Tuấn về bản thảo này.

 
Hà Nội là một thành phố sông nước với nhiều ao, hồ và sông lớn bao bọc xung quanh, chính vì thế nên vai trò của các lòng sông là rất to lớn, trong quá khứ nó chỉ là những giới hạn tự nhiên nhưng hiện tại và tương lai nó quy định những không gian có độ ổn định nền móng khác nhau. Chính vì vậy, sự hiểu biết về những con sông này, đặc biệt là sự hình thành và phát triển của chúng trong quá khứ cũng như hiện tại là hết sức cần thiết. Đây không chỉ là nhận định riêng của PGS.TS. Phạm Quang Tuấn mà còn là quan điểm chung của các tác giả cũng như các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu bản thảo Hệ thống sông hồ Hà Nội do PGS.TS. Đặng Văn Bào chủ biên.
 
Một lần nữa nhấn mạnh tính cấp thiết cũng như ý nghĩa của bản thảo Hệ thống sông hồ Hà Nội, PGS.TS. Phạm Quang Tuấn nhận định, đã có một số công trình nghiên cứu liên quan tới hệ thống sông, hồ Hà Nội, nhưng phần lớn chỉ là các công trình nghiên cứu đơn ngành, vì vậy công trình này mang tầm tổng hợp, khái quát nhưng lại có thể dùng để nhiều đối tượng người đọc khác nhau tra cứu những thông tin cần thiết cho nhu cầu sử dụng của mình. Cuốn sách này sẽ góp phần tích cực cho công tác quy hoạch và xây dựng các phương án sử dụng bền vững hệ thống sông, hồ của thủ đô Hà Nội.
 
Cùng quan điểm nhìn nhận, đánh giá về ý nghĩa, mục đích cũng như tính thực tế của Hệ thống sông hồ Hà Nội, PGS.TS. Phạm Quang Tuấn đã nêu những nét nổi bật nhất mà nội dung bản thảo đã đạt được.
 
 Khác với các công trình nghiên cứu khoa học khác, cuốn sách này hướng tới nhiều đối tượng người đọc khác nhau vì thế tuy mang nhiều nội dung khoa học chuyên ngành nhưng nhóm tác giả đã giản lược và sử dụng những từ ngữ đơn giản, cách hành văn trong sáng, dễ hiểu.Cuốn sách góp phần làm sáng tỏ lịch sử phát triển vùng đất Hà Nội, đặc biệt là các dấu ấn minh chứng về sự biến đổi lòng sông và các hồ nước trong mối liên quan với quá trình khai thác, sử dụng và quản lý lãnh thổ thủ đô Hà Nội.Cuốn sách cung cấp cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước, phòng tránh thiên tai liên quan tới ngập lụt và sụt sập tại các nền đất yếu.
 
Về kết cấu, cuốn sách có bố cục hợp lý, cấu trúc nội dung lôgích, rõ ràng phản ánh được nguồn gốc thành tạo, phân bố và định hướng sử dụng hợp lý hệ thống sông, hồ Hà Nội.
 
Nội dung bản thảo gồm 6 chương, theo nhận định của phó giáo sư Quang Tuấn, ở mỗi chương các tác giả đã nêu cụ thể và làm bật diện mạo của hệ thống sông hồ Hà Nội, cụ thể:
 
+ Chương 1: Nêu khái quát về hệ thống sông hồ nói chung và hệ thống sông hồ Hà Nội nói riêng. Chương này cũng nêu lên hệ thống phân loại sông hồ và khả năng sử dụng bền vững đa mục tiêu.
 
+ Chương 2: Phân tích các nhân tố địa chất - kiến tạo, địa mạo, khí hậu và các hoạt động kinh tế xã hội ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển của hệ thống sông hồ Hà Nội.
 
+ Chương 3 và 4: Hệ thống tên và đặc điểm của sông, hồ, đầm thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
 
+ Chương 5: Sử dụng các phương pháp phân tích địa mạo - địa chất kết hợp với việc sử dụng tư liệu viễn thám đa thời gian để xác định và đánh giá biến động hệ thống lòng sông cổ thành phố Hà Nội.
 
+ Chương 6: Nhóm tác giả đã đề xuất các định hướng cho việc sử dụng hợp lý các hồ nước và sông ngòi trên địa bàn thành phố Hà Nội trong quy hoạch không gian, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai.
 
Ngoài kết cấu 6 chương ra, toàn bộ bản thảo bao gồm 52 bảng và 55 hình ảnh, được trình bày đánh số thứ tự khoa học, rõ ràng, giúp cho người đọc dễ theo dõi. Các bản đồ được biên tập đẹp, đầy đủ nội dung, các yếu tố nền, chú giải rõ ràng khoa học giúp người đọc dễ định hướng và xác định các nội dung chuyên đề cần tham khảo.
 
Tuy nhiên, để bản thảo có chất lượng tốt hơn khi ra sách, PGS.TS. Phạm Quang Tuấn đã có những góp ý cụ thể:
 
Đó là cần tổng quan cụ thể hơn cho cả 4 hướng nghiên cứu chính về lòng sông, sau đó mới tiến hành tổng quan về hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu ở mục 1.1, trang 6, 7. Mục 1.2.2.2 phân loại hồ: cần có kết nối giữa mục 1.1.2.2 phân loại hồ với mục 1.1.2.3 phân loại hồ theo nguồn gốc hình thành (trang 10, 11). Mục 2.3.2, đặc trưng các dạng địa hình, nên lồng ghép các hình ảnh minh họa với các địa danh nổi tiếng của Hà Nội tương ứng với các dạng địa hình để tăng tính hấp dẫn cho người đọc.
 
Trong chương 5, nhóm tác giả đã xây dựng được các bản đồ biến động lòng sông Hồng chảy qua khu vực Ba Vì và Phúc Thọ, tuy nhiên cần bổ sung thêm phần mô tả, phân tích cụ thể diễn thế và nguyên nhân của sự biến động này.
 
Với các hình ảnh, bảng biểu dùng tiếng nước ngoài theo phó giáo sư Phạm Quang Tuấn có góp ý các tác giả cần dịch thống nhất về tiếng Việt. Đồng thời cần thống nhất tên các địa danh nước ngoài về phiên âm tiếng Việt, tránh tình trạng sử dụng lẫn giữa 2 thứ tiếng (trang 9). Thống nhất việc có để tên bản đồ trong các hình ảnh về bản đồ hay không? Ngoài ra, các tác giả cũng cần lưu ý tới một số lỗi biên tập.
 
Các tác giả của Hệ thống sông hồ Hà Nội đều là những người có trình độ và kinh nghiệm trong nghiên cứu theo hướng địa lý lịch sử môi trường nên chất lượng bản thảo khi ra sách có độ tin cậy và hàm lượng khoa học cao. Đây là nhận định và cũng là niềm tin tưởng của PGS.TS. Phạm Quang Tuấn về bản thảo này.
 
 
Linh Chi (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá