Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Hệ thống sông hồ Hà Nội” qua ý kiến nhận xét của phản biện
Thứ tư, 09/09/2015 09:18

Sau một thời gian thực hiện, bản thảo Hệ thống sông hồ Hà Nội do PGS.TS. Đặng Văn Bào chủ biên đã hoàn thành, dày 260 trang đánh máy khổ A4, tham khảo 93 tài liệu, được cấu trúc thành 6 chương và minh họa bằng nhiều hình và biểu bảng. Sau khi đọc toàn bộ bản thảo với vai trò là phản biện của hội đồng nghiệm thu, PGS.TS. Chu Văn Ngợi có những đánh giá sâu sát và cụ thể nội dung bản thảo Hệ thống sông hồ Hà Nội đã thể hiện.

 
Trước hết là những thành công nổi bật của bản thảo “Hệ thống sông Hồ Hà Nội”: Đề tài “Hệ thống sông hồ Hà Nội”có ý nghĩa thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu đông đảo của bạn đọc thuộc các tầng lớp khác nhau. Người nhận xét hoan nghênh tinh thần làm việc nghiêm túc và đã hoàn thành bản dự thảo với nội dung phong phú. Bản thảo có cấu trúc cơ bản hợp lý. Các chương và nội dung được trình bày bám sát theo đề cương phê duyệt. Tuy có một số chỉnh sửa nhưng không ảnh hưởng đến cấu trúc và nội dung. Bản thảo được trình bày khá sinh động, văn phong sáng sủa dễ hiểu. Các tư liệu lịch sử phong phú và có giá trị minh chứng cao. “Hệ thống sông hồ Hà Nội” đã phác họa một bức tranh khá đa dạng, phong phú về sông hồ Hà Nội, góp phần tăng thêm sự hiểu biết về Hà Nội cho các độc giả. Bản thảo có giá trị phục vụ đào tạo, nghiên cứu và có giá trị tham khảo cho các lĩnh vực hoạt động liên quan đến Hà Nội.
 
Bên cạnh những thành công nổi bật cũng phải kể đến những mặt còn hạn chế: Nội dung trình bày thiếu đồng bộ, có nhiều nội dung lặp lại. Còn có một số câu tối nghĩa và một số tư liệu thiếu chính xác.Các hình minh họa khó đọc, chất lượng minh họa thấp. Các hình, các bản đồ ít được trích dẫn minh họa.Trích dẫn tài liệu còn lộn xộn: Tài liệu được trích lại không có trong danh sách các tài liệu tham khảo; Các tài liệu trong danh sách tham khảo ít được trích dẫn.Còn có nhiều lỗi chính tả.
 
Sau những đánh giá, góp ý mang tính khái quát toàn bộ nội dung và hình thức bản thảo, PGS.TS. Chu Văn Ngợi có góp ý cụ thể ở từng chương, chúng tôi xin được trích nguyên văn:
 
* Mở đầu
 
Nội dung mở đầu đã làm rõ tầm quan trọng của hệ thống sông hồ đồng thời đã nêu được những tồn tại về nghiên cứu sông hồ Hà Nội. Việc nghiên cứu sông hồ Hà Nội với cách tiếp cận liên ngành mới có khả năng giải quyết các tồn tại hiện nay.
 
 Trong phần mở đầu có một số nội dung không chính xác: tại trang 2, đoạn cuối có câu “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm nay đứng trước xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa….” hoặc “Đó là cơ sở khoa học cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường các hồ nước”.
 
 Liên quan với câu thứ nhất: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa không phải tiến hành từ nghìn năm nay. Liên quan với câu thứ 2: Nguồn gốc hồ và chất lượng môi trường các hồ khác nhau không thể là cơ sở khoa học cho quản lý. Trái lại các kết quả nghiên cứu về các hồ có độ tin cậy mới là cơ sở khoa học cho quản lý các hồ.
 
* Chương 1. Tổng quan về sông hồ Hà Nội
 
 Chương này đã trình bày khá chi tiết các khái niệm cơ bản về hồ (định nghĩa, phân loại, phương pháp nghiên cứu). Ngoài ra còn đưa ra khái niệm “Hồ đa mục tiêu”.
 
 Liên quan đến sông, tập thể tác giả đã tập trung phân tích quá trình biến đổi lòng sông và hình thành hồ móng ngựa.
 
 Hạn chế: Các khái niệm cơ bản về sông chưa được trình bày. Nội dung mục 1.5 lặp lại nội dung mục 1.1.
 
 Đề nghị cấu trúc lại mục 1.1 và đưa các hướng nghiên cứu ở mục 1.1.1 vào nội dung mục 1.1.3. Hình 1.1 có các sông không rõ cần chỉnh sửa làm rõ tên các sông.
 
 Tại trang 12 của dự thảo có 02 khái niệm sai: 1: “Uốn khúc là đặc trưng cơ bản của dòng chảy”. Đặc trưng cơ bản của dòng chảy là chảy thẳng và chảy rối. Do đặc tính này nên sông có bên lở bên bồi. Bởi vậy uốn khúc không phải là đặc trưng của dòng chảy; 2: “Ngay từ lúc mới hình thành, các dòng sông đã rất quanh co, có nhiều khúc uốn”. Đây cũng là khái niệm không đúng. Sông uốn khúc khi nào? Khi vận động kiến tạo bình ổn, xâm thực sâu được thay thế bằng xâm thực ngang và quá trình sông uốn khúc bắt đầu từ đây. Những sông trưởng thành, già nua thì ở phần hạ lưu thường uốn khúc.
 
Hai khái niệm này cần chỉnh sửa trong dự thảo.
 
* Chương 2. Các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển hệ thống sông hồ Hà Nội
 
 Dự thảo đã trình bày khá chi tiết các nhân tố: Vị trí địa lý, cấu trúc địa chất - kiến tạo, đặc điểm địa mạo, điều kiện khí hậu, các hoạt động kinh tế - xã hội.
 
Hạn chế:
 
- Thiếu đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố.
 
- Các nội dung trình bày ở phần lời với các tiêu đề không phù hợp với bản đồ minh họa.
 
- Các bản đồ về cơ bản không đọc được: Chú giải quá nhỏ và các miền ranh giới không phân định được.
 
 Đề ngh:
 
- Nội dung địa chất và địa mạo phải trình bày phù hợp với bản đồ.
 
- Bản đồ phải chỉnh sửa để đảm bảo minh họa rõ. Các bản đồ, biểu bảng và ảnh phải được trích minh họa cho nội dung cụ thể.
 
* Chương 3. Hệ thống sông suối Hà Nội
 Dự thảo đã tập trung trình bày các hệ thống sông khá chi tiết về đặc điểm hình thái, tên gọi theo lịch sử, vai trò, chất lượng nước. Các kết quả này có ý nghĩa thực tiễn đối với quản lý lưu vực. Tuy nhiên nội dung trình bày giữa các sông với mức độ chi tiết khác nhau, thiếu sự nhất quán.
 
 Đối với chương này khi đề cấp đến các hệ thống sông thì mỗi một hệ thống nên có một sơ đồ hệ thống sông. Đối với sông Hồng và sông Đà nên bổ sung đặc điểm hình thái của sông trên các đoạn khác nhau cùng với đặc điểm tốc độ dòng chảy. Đối với sông Đà ngoài các chức năng đã trình bày cần bổ sung vai trò cấp nước sinh hoạt cho Hà Nội. Đối với sông Hồng, tại trang 99 của dự thảo cần bổ sung sau khi đập Hòa Bình đi vào hoạt động thì lượng bùn cát và lượng nước qua trạm Thượng Cát là bao nhiêu. Tại trang 105 của dự thảo, các nội dung ở đây lặp lại nội dung ở trang 94 và 95. Các nội dung lặp cần bỏ đi. Đối với sông Đáy tại trang 106 trình bày các di tích lịch sử có nội dung về cụ nghè Dương Khuê và cụ Nguyễn Khuyến là không phù hợp. Đối với sông Tô Lịch, tại trang 110 và 111 các nội dung về sông Tô Lịch cần chỉ dẫn thời gian cụ thể thì các tư liệu mới có giá trị.
 
* Chương 4. Hồ và đầm Hà Nội
 
Tập thể tác giả đã có đóng góp lớn vào việc thống kê và hệ thống hóa các hồ theo địa giới quận, huyện thuộc Hà Nội.
 
Một số hồ được tập thể tác giả trình bày với nội dung phong phú về điều kiện tự nhiên, về lịch sử. Các tư liệu này có giá trị phục vụ nghiên cứu về quá trình hình thành gắn với các giá trị lịch sử.
 
Tập thể tác giả đã trình bày các hồ theo từng quận. Cách trình bày như vậy là khoa học giúp người đọc dễ theo dõi.
 
Tuy nhiên, các hồ ở một số quận, huyện ngoại thành Hà Nội chỉ thống kê (tên hồ, vị trí). Các nội dung về điều kiện tự nhiên, lịch sử, giá trị sử dụng không được đề cập đến (hồ ở quận Long Biên, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm và toàn bộ các hồ ngoại thành Hà Nội). Trong đề cương được phê duyệt cần trình bầy: nội thành 4 hồ (dự thảo đã trình bày 9 hồ nhưng hồ Linh Đàm không trình bày ); ngoại thành yêu cầu 3 hồ nhưng dự thảo không trình bầy hồ nào cả. Trong dự thảo tập thể tác giả không nói rõ vì sao lại không trình bày. Nếu như do tư liệu chưa có và các nghiên cứu về môi trường chưa được tiến hành thì đây là tồn tại cần giải quyết.
 
Trong chương này khái niệm “Đầm” không được đề cập. Thế nào là đầm? Đầm khác hồ ở chỗ nào? Dự thảo cần làm rõ nội dung này.
 
Khi trình bày các hồ thuộc địa giới quận, cần có bản đồ màu thể hiện sự phân bố các hồ. Trên bản đồ tên mỗi hồ phải rõ ràng.
 
Mục 4.1.13 việc đánh giá hiện trạng môi trường nước chỉ nên tập trung vào các hồ bị ô nhiễm nặng và các hồ môi trường còn ở trong giới hạn an toàn. Còn trình bày như trong dự thảo vừa thiếu và vừa thừa. Thiếu là đối với các hồ chỉ liệt kê còn thừa đối với hồ được trình bày đầy đủ (như hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây…).
 
Cần rà soát và chỉnh sửa các hình minh họa.
 
* Chương 5. Biến động hệ thống sông hồ Hà Nội
 
Đây có lẽ là chương cốt lõi tập trung nhiều vấn đề lý thú về chuyên môn. Chương này có nội dung rất phong phú, đã cung cấp cho người đọc một lượng thông tin lớn về lịch sử sông hồ Hà Nội và cung cấp những kiến thức cơ bản về nghiên cứu biến động lòng sông cổ. Chương này đã đề cập đến các nội dung sau:
 
5.1. Biến động trong lịch sử và tái hiện hệ thống lòng cổ sông Hồng và chi lưu.
 
 Tập thể tác giả đã phân tích và nêu lên những khó khăn về tái hiện hệ thống lòng sông cổ bởi vì các lòng sông cổ đã chịu nhiều tác động và bị biến đổi mạnh.
 
 Tập thể tác giả đánh giá cao phương pháp viễn thám và GIS trong phân tích xác lập lòng sông cổ. Đã phân tích những lợi thế và những khó khăn của phương pháp này. Ngoài ra tập thể tác giả cũng rất coi trọng phương pháp địa mạo. Đây là phương pháp quan trọng và đạt hiệu quả trong nghiên cứu lòng sông cổ. Người nhận coi những phân tích trên là đúng đắn và có cơ sở khoa học.
 
  Trong khi đó các nội dung 5.1.1 và 5.1.2 về phương pháp nghiên cứu rất mờ nhạt và xem ra chưa phù hợp với tiêu đề của hai nội dung 5.1.1 và 5.1.2.
 
5.2. Biến động hệ thống sông suối
 
5.2.1. Phân tích biến động lòng sông
 
Tập thể tác giả đã trình bày rõ các dấu hiệu nhận dạng lòng sông cổ (hồ móng ngựa, các gờ cao ở ven lòng, các mặt cắt địa chất). Đây là những dấu hiệu đáng tin cậy và nhờ dấu hiệu này có thể xác định trực tiếp lòng sông cổ ở ngoài thực địa.
 
Hạn chế: Các hình minh họa chất lượng thấp, có hình thiếu chú giải. Riêng đối với lòng sông cổ bị chôn vùi muốn xác định được chúng phải thành lập một loạt mặt cắt địa chất. Trên cơ sở các mặt cắt địa chất có thể xác định được phạm vi và hướng của lòng sông cổ.
 
5.2.2. Đặc điểm lòng sông cổ và biến động lòng sông
 
Tập thể tác giả đã phân tích khá chi tiết và đề cập đến các nội dung:
 
1. Các thế hệ lòng sông cổ. Tập thể tác giả trình bày các thế hệ lòng sông cổ theo các giai đoạn:
 
- Lòng sông cổ giai đoạn Pleistocen.
 
- Lòng sông cổ thời kỳ Holocen sớm - giữa.
 
- Lòng sông cổ thời kỳ Holocen muộn.
 
Các nội dung này được trình bày khá chi tiết.
 
Hạn chế: Thiếu hình minh họa
 
2. Các đới biến động lòng sông
 
Các đới biến động đã được trình bày cho sông Hồng cổ, sông Đáy cổ và sông Nhuệ.
 
Hạn chế: Dự thảo không đưa ra khái niệm về “Đới biến động lòng sông”. Đối tượng đọc không phải chỉ có các nhà chuyên môn địa mạo, do đó cần phải đề cập đến khái niệm này. Hình minh họa 5.14 không rõ nguồn, rất mờ nên rất khó đọc. Hình 5.16 trang 201 rất mờ, các ký hiệu trên hình không được giải thích do đó giá trị minh họa rất thấp.
 
 5.3. Biến động lòng sông hiện đại
 
Dự thảo thống kê diễn biến xói lở bờ sông Hồng trong địa giới Hà Nội từ 1975 đến 2014 kèm theo hai hình minh họa. Tập thể tác giả đã làm được việc sưu tầm số liệu. Rất tiếc nội dung này chỉ dừng lại ở tình trạng thu thập tài liệu, thiếu nội dung quan trọng và cần thiết là đánh giá, phân tích và xác định nguyên nhân xói lở, các hình minh họa không rõ nguồn.
 
5.4. Biến động hồ nước
 
Dự thảo đã tập trung phân tích và đánh giá tình trạng biến động hồ nước theo xu thế một số hồ mất đi và diện tích hồ thu hẹp. Phân tích đánh giá được minh họa bằng số liệu cụ thể nên đã làm rõ bức tranh biến động.
 
Biến động hồ nước được trình bầy theo hai thời kỳ: Thời kỳ trước thế kỷ 19 và thời kỳ từ thế kỷ 19 đến nay. Sự biến động hồ nước thuộc từng thời kỳ được trình cụ thể, có số kèm theo nên có giá trị tham khảo tốt. Ngoài ra còn đề cập đến biến động số lượng hồ nội thành qua lịch sử phát triển Hà Nội. Đối với nội dung này dự thảo đã lập bảng thống kê các hồ thể hiện sự thay đổi diện tích các hồ từ 1993 đến 2015, kèm theo hình 5.19 để minh họa.
 
Hạn chế: Dự thảo mới chỉ đề cập đến các hồ nội thành, còn các hồ ngoại thành vẫn bỏ trống. Đối với nội dung này nên bổ sung danh mục các hồ bị mất vì các lý do khác nhau.
 
* Chương 6. Định hướng sử dụng hợp lý các hồ nước và sông ngòi thành phố Hà Nội
 
Chương này tập thể tác giả đề cập đến 4 vấn nội dung:
 
1. Cơ sở cho việc định hướng.
 
2. Định hướng sử dụng hợp lý các hồ nước, sông ngòi thành phố Hà Nội
 
3. Định hướng bảo vệ môi trường phòng chống thiên tai liên quan với hệ thống sông ngòi và hồ nước.
 
4. Nghiên cứu biến động lòng sông với việc làm sáng tỏ tư liệu lịch sư, khảo cổ.
 
Đánh giá chung: Tập thể tác giả đã đề cập khá chi tiết, cụ thể từng nội dung, thể hiện rõ quan điểm khoa học và đưa ra các chứng cứ minh họa. Dưới đây là đề cập cụ thể cho từng nội dung:
 
Nội dung 1. Cơ sở định hướng mới chỉ dựa vào các văn bản là chưa đủ. Cần bổ sung các điều kiện tự nhiên. Cấu trúc không cân đối: có mục 6.1.1 nhưng không có mục 6.1.2.
 
Nội dung 2. Đã tập trung phân tích vai trò chức năng của sông hồ đối với thành phố. Đã đề xuất không gian bảo vệ cùng các giải pháp bảo vệ. Các giải pháp rất phong phú. Người nhận xét nhận thấy các giải pháp còn dàn trải, thiếu tập trung.
 
Theo người nhận xét tập thể tác giả cần xếp loại ưu tiên, cụ thể là trước mắt tập trung giải quyết hồ nào và áp dụng giải pháp gì. Tiếp theo là các hồ khác. Như vậy việc bảo vệ, cải tạo sông hồ mới có hiệu quả.
 
Nội dung 3. Tập thể tác giả đã phân tích khá chi tiết các thiên tai liên quan với lòng sông cổ, đặc biệt là tai biến sụt lún và lũ lụt. Đối với tai biến sụt lún ở Pháp Vân, Quốc Oai tập thể tác giả cần cẩn trọng. Tai biến sụt lún ở Pháp Vân liên quan với khai thác nước ngầm quá mức đã tạo ra phễu hạ thấp và kéo theo sụt lún. Ở Quốc Oai, Mỹ Đức đã có một số công trình nghiên cứu về sụt lún và cũng cho rằng sụt lún liên quan với hoạt động khai thác nước ngầm tự do đã làm giảm áp lực trong tầng. Đây chính là nguyên nhân gây sụt. Còn tại thị trấn Quốc Oai sụt làm hỏng nhà ở là do khoan thủng tầng trầm tích Pleistocen vào đới dập vụn đá vôi tuổi P2. Đới này là đới thoát nước chứ không phải là lòng sông cổ.
 
Nội dung 4. Tập thể tác giả đã phân tích quá trình phát triển của đời sống xã hội gắn liền với môi trường, trong đó địa hình giữ vai trò rất quan trọng. Tập thể đã đưa ra nhiều bằng chứng để minh chứng cho các nhận định là có cơ sở. Tập thể tác giả nhận thức phát triển Thủ đô về phía tây là hợp lý và đưa ra bản đồ địa mạo làm minh chứng. Nhận thức của tập thể tác giả là có cơ sở khoa học.
 
Tuy nhiên khi phân tích quá trình lịch sử, tại trang 244 của dự thảo tại dòng 5 và 6 từ dưới lên, khẳng định của tập thể tác giả là không chính xác.
 
Đối với các nước phương Đông, chọn các vị trí là theo luật phong thủy, chưa chú ý đến kết cấu ở dưới sâu. Ở thế kỷ 19 tình trạng này vẫn còn duy trì. Trong khi đó ở phương Tây họ đã chú ý tới cấu trúc dưới sâu.
 
Do đó tập thể tác giả cần xem xét lại khẳng định của mình.
 
Ngoài ra chương này còn có nhiều lỗi chính tả, các hình minh họa khó đọc và tài liệu dãn không rõ nguồn.
 
* Kết luận
 
Đây là công trình có giá trị khoa học và thực tiễn làm phong phú thêm Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
 
Công trình có nội dung phong phú, đã tổng hợp phân tích một khối lượng lớn tài liệu liên quan đến sông hồ Hà Nội.
 
Tập thể tác giả đã có đóng góp thực sự vào nghiên cứu sông hồ Hà Nội.
 
Công trình này có khả năng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học tốt.
 
Để công trình hoàn thiện ở mức chất lượng cao, người nhận xét đề nghị tập thể tác giả nghiên cứu và chỉnh sửa những hạn chế đã nêu ở trên.
*
Với những đóng góp cụ thể nội dung của từng chương từng phần, đây sẽ là cơ sở để các tác giả tiếp tục hoàn thiện bản thảo để đảm bảo chất lượng tốt nhất khi thành sách phục vụ đông đảo độc giả.
 
 
 
Linh Chi (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá