Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một không gian phát triển xanh, sạch, đẹp của Hà Nội trong tương lai
Thứ hai, 07/09/2015 05:19

Tham gia hội đồng nghiệm thu bản thảo với tư cách là phản biện, vậy nên PGS.TS. Vũ Văn Phái có những nhận xét, đánh giá hết sức sâu sát, chi tiết, cụ thể cho từng chương mục của nội dung bản thảo. Những điều này nhằm một mục đích nâng cao chất lượng bản thảo để đến tay độc giả là một cuốn sách có hàm lượng kiến thức phong phú, chất lượng và đẹp về hình thức. Theo quan điểm của phó giáo sư Phái trải qua bao thế hệ khai thác và sử dụng lãnh thổ, sông hồ Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc khôi phục lại các dòng sông và hồ là rất cần thiết để tạo nên một không gian phát triển xanh, sạch, đẹp của Hà Nội trong tương lai.

 
Là người có nhiều năm công tác tại khoa Địa lý - Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là tác giả của nhiều công trình khoa học có tính thực tiễn cao, vậy nên PGS.TS. Vũ Văn Phái có cách nhìn từ góc độ thực tế của một đề tài nghiên cứu. Nhằm giúp các tác giả nâng cao chất lượng bàn thảo, ông đã có những đánh giá, góp ý cụ thể, đồng thời còn chỉ ra những hạn chế và đề xuất giải pháp cho tường chương mục để các tác giả tham khảo.
 
Ông thấy rằng ở chương 1. Tổng quan về sông hồ Hà Nội, các tác giả đã cho thấy tình trạng chung của việc nghiên cứu và sử dụng sông hồ ở thành phố Hà Nội trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong chương này (và có lẽ cả cuốn sách), các tác giả chỉ tập trung chủ yếu cho các hồ ở nội thành Hà Nội và một vài huyện ngoại thành, chứ chưa phải cho toàn bộ lãnh thổ thành phố Hà Nội sau ngày 01/8/2008. Hay trong phân loại hồ không thấy đề cập tới hồ nhân tạo, trong khi tổng diện tích các hồ nhân tạo ở Hà Nội rất lớn và rất quan trọng đối với Hà Nội.
 
Nội dung của chương 2. Các nhân tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành và phát triển hệ thống sông hồ Hà Nội, nội dung được trình bày khá chi tiết và tỉ mỉ. Song điều cơ bản là cấu trúc địa chất - kiến tạo, địa mạo và khí hậu ảnh hưởng như thế nào đến sự hình thành và phát triển sông hồ trong phạm vi thành phố Hà Nội lại chưa được làm rõ. Còn trong nội dung 5 lại chỉ đề cập tới thay đổi địa giới Hà Nội và quy hoạch phát triển Hà Nội; trong nội dung này cũng chỉ đề cập tới hoạt động đắp đê - một hoạt động ảnh hưởng đến sông, chứ chưa có hoạt động ảnh hưởng đến hồ. Theo phó giáo sư Phái, các tác giả cần rà soát lại các mục trong chương này: 2.2.5. Hoạt động xây dựng đê biển, trước đó là mục 2.5.3.Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.
 
Với nội dung của chương 3. Hệ thống sông suối thành phố Hà Nội, PGS.TS. Vũ Văn Phái muốn các tác giả hiểu chính xác hơn về thuật ngữ “hệ thống sông”. Theo ông từ xưa đến nay, trong văn liệu chỉ công nhận ở Bắc bộ có 2 hệ thống sông lớn là Hệ thống sông Hồng và hệ thống sông Thái Bình, cũng như ở Nam Bộ có 2 hệ thống sông lớn là hệ thống sông Mê Kông và hệ thống sông Đồng Nai. Vì vậy việc đưa ra 4 hệ thống sông trong lãnh thổ thành phố Hà Nội cần được minh giải. Mặt khác, trong các hệ thống sông cần xem xét đoạn nào là tự nhiên và đoạn nào là nhân tạo (sông đào) theo cách nhìn của người làm địa lý.
 
Còn nội dung của chương 4. Hồ và đầm Hà Nội, PGS.TS. Vũ Văn Phái thấy có tính bất cập nội dung trong kết cấu của chương. Sự bất cập đó thể hiện ở nội dung hồ ở các quận nội thành được trình bày khá chi tiết. Ngược lại, hồ thuộc các huyện thị ngoại thành được trình bày khá sơ sài. Phó giáo sư Phái muốn các tác giả cần tra cứu lại số lượng hồ, địa danh và diện tích của chúng.
 
Với chương 5. Biến động hệ thống sông và hồ Hà Nội, được trình bày trong 41 trang (từ 180-220) với 3 nội dung lớn: 1) Biến động trong lịch sử và tái hiện hệ thống lòng cổ Sông Hồng và chi lưu; 2) Biến động hệ thống sông suối và 3) Biến động các hồ nước. Với 3 nội dung trên, các tác giá đã đưa ra phương pháp xác định lòng sông cổ (phần phương pháp viết quá dài dòng, đồng thời quá sâu đối với một cuốn sách phổ biến kiến thức), phân tích sự biến động lòng sông thông qua sự phân bố các hồ móng ngựa, dải trũng lòng sông, gờ ven lòng, cũng như các thời kỳ từ Pleistocen đến nay. Còn việc phân tích biến động hồ chỉ tập trung cho phần diện tích nội thành hay đúng hơn là chỉ giới hạn trong phạm vi Villa de Hanoi theo các bản đồ được thành lập từ cuối thế kỷ XIX đến nay. Theo phó giáo sư Phái, trong chương này, các tác giả nên phân tích biến động bờ sông và các đảo giữa sông đặc biệt là đoạn qua Ville de Hanoi, đặc biệt là đoạn từ hồ Tây đến Bệnh viện Hữu Nghị theo các bản đồ 1885, 1890, 1898, 1911, 1925, 1965, 1986 và ảnh vệ tinh trong nhưng năm gần đây. Đây là vấn đề rất lý thú khi đưa ra định hướng sử dụng ở chương 6.
 
Ở chương 6. Định hướng sử dụng các hồ nước và sông ngòi thành phố Hà Nội.Các nội dung trong chương được trình bày khá chi tiết, song chưa đưa ra được những vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, hiện nay, người ta lại đang khơi lại dự án thành phố sông Hồng, các tác giả có ý kiến gì về định hướng này? Nhận xét thế nào về quy hoạch không gian Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu?, v.v.
 
Nhìn nhận, đánh giá một cách khái quát, PGS.TS. Vũ Văn Phái thấy rằng bản thảo “Hệ thống sông hồ Hà Nội” có nội dung phong phú, có chất lượng; được cấu trúc trong 6 chương là hợp lý và có khối lượng vừa phải. Nhưng ông cũng thấy rằng các tác giả đã bị chi phối quá nhiều bởi tư tưởng địa mạo, song nếu viết về địa mạo sông hồ Hà Nội thì lại chưa đủ. Do đó, khi chuyển sang viết các thực thể sông hồ ở Hà Nội còn nhiều lúng túng. Chính vì vậy, mà trong phần định hướng sử dụng, các tác giả chỉ xem sông hồ là thực thể địa mạo.
 
Sông hồ nói chung và ở Hà Nội nói riêng là những thực thể địa lý hoạt động theo quy luật tự nhiên riêng của nó. Đồng thời sông hồ cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm cả khối nước và phần đáy của nó, cũng như thế giới sinh vật sống trong đó.Điều này chưa được các tác giả quan tâm đúng mức. Do đó, khi đưa ra định hướng sử dụng hợp lý phải xem sông hồ là tài nguyên.
 
Điều cần nhấn mạnh là các tác giả nên lưu ý tới đối tượng phục vụ của Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
 
Cần xem lại mục Phân loại sông hồ. Ở mức chung nhất là chia theo nguồn gốc thành Tự nhiên và Nhân tạo. Nên lược bỏ những đoạn không cần thiết trong các chương, đặc biệt là chương 2 (không cần mô tả tất cả các thành tạo địa chất và đặc điểm địa hình cũng như các đơn vị địa mạo, mà phải xem vai trò của chúng đối với sự hình thành và tiến hóa sông hồ như thế nào, như đã đề cập ở trên), có cần mô tả đặc điểm khí hậu tới 15 trang hay không? v.v.
 
Bổ sung số liệu thủy văn của trạm Sơn Tây và chế độ thủy văn của đoạn sông Hồng qua Hà Nội từ sau khi có đập Hòa Bình trên sông Đà. Cần thống nhất cách ghi tài liệu tham khảo. Không nên sử dụng cả danh sách các tài liệu tham khảo ở phần cuối cuốn sách, lẫn “footnote”. Footnote chỉ sử dụng khi cần thiết giải thích một điều gì đó (một thuật ngữ, một khái niệm, một hiện tượng, v.v…), những đoạn bằng tiếng Anh ở chương 1cần được dịch ra tiếng Việt.
*
Những ý kiến đóng góp hết sức chân thành và cụ thể, tin tưởng rằng sẽ là kênh tham khảo hữu ích để các tác giả hoàn thiện bản thảo một cách tốt nhất. Để cuốn sách khi ra mắt sẽ góp thêm một góc nhìn cho một không gian phát triển xanh, sạch, đẹp của Hà Nội trong tương lai.
 
 
Ngọc Linh (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá