Tuyển tập tư liệu phương Tây - nguồn tư liệu quý góp phần tìm hiểu, phát huy, bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa của Thủ đô
Năm 2010, cuốn sách Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây khi ra mắt cho đến nay luôn nhận được sự đánh giá cao của các nhà nghiên cứu khoa học, độc giả trong và ngoài nước. Qua những tác phẩm của người nước ngoài được dịch ra và tuyển chọn vào bộ tuyển tập này ta bắt gặp những trang viết khiến người đọc có những ngỡ ngàng, hóa ra người phương Tây ở xa mình như thế mà lại hiểu biết về phong tục, tập quán, con người đất Kẻ Chợ đến thế và cũng có khi có sự bất bình bởi luận điệu sặc mùi phân biệt chủng tộc, đề cao “sứ mạng khai hóa” của thực dân Pháp, miệt thị người Việt Nam ngay cả Thăng Long – Hà Nội – chốn kinh kỳ có truyền thống thanh lịch.
Tiếp tục khai thác khối lượng tư liệu đồ sộ của người phương Tây viết về Thăng Long – Hà Nội, ở bản thảo Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây 1945 này, chủ biên PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ cùng nhóm tác giả giới thiệu các tư liệu: Trước thời Pháp thuộc, có 5 tư liệu được dịch; Thời Pháp thuộc, có 16 tư liệu được dịch. Đây là những tư liệu gốc phần lớn là những văn bản pháp quy và những văn kiện chính trị - hành chính của các cấp chính quyền tương đương, ngoài ra còn có một số chuyên đề và sách nghiên cứu của một số quan chức, học giả người Pháp và người Việt. Không gian tư liệu không chỉ là miền Bắc Việt Nam mà tập trung vào đô thị - thành phố Hà Nội và cốt lõi là phố phường nội thành Hà Nội. Từ đây mở rộng ra cả vùng Hà Nội mở rộng ngày nay, bao gồm Hà Đông và Sơn Tây cũ.
Cùng nguồn tư liệu phương Tây viết về Thăng Long – Hà Nội, cùng PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ và nhóm tác giả khai thác tuyển dịch, công bố, nhưng ở hai tác phẩm không có sự trùng lặp. Cũng bởi diễn tiến nội tại của Thăng Long – Hà Nội là không trùng lặp. Trong quá trình lịch sử từ thế kỷ XVI - XVII trở đi, dưới thời chính quyền Lê - Trịnh và sau đó là thời Nguyễn, Thăng Long là nơi đón tiếp các sứ đoàn, thương nhân các nước châu Á, châu Âu. Trong khoảng 350 năm, nhiều nhà thám hiểm, truyền giáo và thương nhân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… đã trực tiếp đến Thăng Long - Đàng Ngoài để truyền giáo, thực hiện các sứ mệnh ngoại giao hay tiến hành các thương vụ. Từ nửa sau thế kỷ XIX đến năm 1945, thay vì mối quan hệ đa phương, Pháp đã đánh chiếm Bắc Kỳ, chiếm Thăng Long, lập nên Hà Nội và trực tiếp cai quản đô thị này. Để phục vụ cho chính sách quản lý, cai trị, nô dịch, giới chức Pháp đã tiến hành nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu. Trong quá trình đó, nhiều ghi chép, mô tả, nghiên cứu của giới chức quản lý và các nhà khoa học Pháp cũng đã được thực hiện. Nói như vậy để thấy, những khác biệt về nguồn tư liệu giữa hai thời kỳ lịch sử của người phương Tây về Thăng Long - Hà Nội cũng như tính chất và nội dung các nguồn tư liệu mà người phương Tây nói chung, người Pháp nói riêng đã để lại ở Việt Nam cũng như trong các kho lưu trữ ở nước ngoài. Qua sự tìm hiểu, tiếp cận, nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Việt Nam thì trong những công trình đó, có nhiều công trình khảo cứu, số liệu điều tra về Thăng Long - Hà Nội là rất cơ bản, có giá trị tham khảo quan trọng đối với nhiều lĩnh vực chuyên môn, quản lý của chúng ta ngày nay.
Từ “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” xuất bản năm 2010 đến “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” chuẩn bị xuất bản thì cả hai qua các tác phẩm có thể thấy một Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử của nó trải qua nhiều thế kỷ, với những thay đổi nhiều chiều, từ diện cách, diện mạo, cư dân cho đến những thay đổi về chính trị và cũng tác động ảnh hưởng đến sự nhận diện hiểu biết của người phương Tây về kinh kỳ Kẻ Chợ. Vậy nên có thể nói, Tuyển tập tư liệu phương Tây thực sự là nguồn tư liệu quý, góp phần tìm hiểu, phát huy, bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đàm Ly
Nhà xuất bản Hà Nội