Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước năm 1945” - Tư liệu dịch thuật được thể hiện hấp dẫn như một cuốn truyện
Thứ hai, 21/09/2015 11:30

Năm 2010, cuốn sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến khi ra mắt đã nhận được đánh giá cao của đông đảo độc giả và giới nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, khối tư liệu phương Tây viết về Thăng Long – Hà Nội rất lớn, vậy nên vấn đề  Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, có điều kiện tiếp tục khai thác, đi sâu thêm và đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước năm 1945” đã ra đời và tiếp tục do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên.

 
Sau khi đọc toàn bộ bản thảo, GS.TS. Đỗ Thanh Bình đã có nhận định ban đầu: Nhóm biên dịch đã tiếp thu ý kiến của Hội đồng, chỉnh sửa đề cương, đặc biệt là nội dung và bố cục (Tổng luận, Những tư liệu dịch, phụ lục), Tư liệu dịch gồm 2 giai đoạn: trước 1884 và từ năm 1884 đến năm 1945, chọn lọc, rút gọn danh mục tư liệu, có trọng tâm và đảm bảo tính cân đối giữa 2 giai đoạn (trước và sau năm 1884). Những tài liệu chọn lọc và dịch đều trực tiếp nói về Hà Nội, Hà Nội mở rộng và những tài liệu ở góc nhìn rộng liên quan đến Hà Nội, tức là Hà Nội nằm chung trong một phông rộng của Bắc bộ và của An Nam.
 
Điểm mà Giáo sư Thanh Bình muốn nhấn mạnh, điều mà chủ biên cùng nhóm tác giả làm được đó là các tài liệu được lựa chọn và dịch đã phủ hết các mặt lịch sử, văn hóa, sự kiện và nhân vật lịch sử, tình hình chính trị, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan và quy hoạch đô thị của Thăng Long - Hà Nội và các vùng phụ cận nay thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng, giới hạn trong vùng đồng bằng Bắc bộ.
 
Ở phần Tổng luận Tư liệu phương Tây về Thăng Long - Hà Nội trước năm 1945, GS.TS. Đỗ Thanh Bình nhận định nội dung được viết tốt, có chất lượng, đã khái quát được lịch sử và tư liệu lịch sử về Thăng Long - Hà Nội, khảo sát tác giả và văn bản trước thời Pháp thuộc và thời Pháp thuộc viết về Thăng Long - Hà Nội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Sự khái quát này, giúp cho người đọc nắm bắt được một cái phông chung về tư liệu của các học giả phương Tây nói về Thăng Long - Hà Nội.
 
Nói về chất lượng dịch thuật, cùng quan điểm với các thành viên khác trong Hội đồng nghiệm thu bản thảo, GS. TS. Đỗ Thanh Bình thấynhững vấn đề cụ thể về Thăng Long - Hà Nội được dịch với chất lượng tốt, rất việt hóa, dễ đọc, dễ hiểu, sắp xếp logic theo từng nội dung. Đặc biệt, có những tài liệu (như Đời sống trong xã hội An Nam xưa, Tên gọi Tunkin và các xứ khác nằm dưới quyền cai trị của hoàng đế Tunkin…) giúp người đọc có một sự hiểu biết rộng rãi về người Việt Nam, về người Bắc bộ mà Thăng Long - Hà Nội là một bộ phận gắn bó chặt chẽ và tiêu biểu.
 
Ngoài ra những tài liệu trực tiếp viết về Thăng Long - Hà Nội là chủ yếu, được nhóm tác giả dịch rất chi tiết, cụ thể, dễ hiểu.
 
Khác biệt với những tư liệu dịch thuật khác thường vấp phải đó là sự khô khan hoặc quá trung thành với tư liệu gốc hoặc có khi không dịch được trọn vẹn ý, nghĩa của từ khiến người đọc có cảm giác khó chịu thì ở bản thảo này tuy là bản dịch, mặc dù gọi là tư liệu, nhưng khi đọc gần như là một cuốn sách được viết có đầu có cuối, chặt chẽ như một cuốn truyện không khô khan, mà cuốn hút người đọc, giúp người đọc hình dung được xã hội Việt Nam, hình dung được Thăng Long - Hà Nội thời trước năm 1945. Điều này thể hiện tính logic của đề cương và việc chọn tư liệu dịch của nhóm biên dịch. Đọc những tư liệu này, đối chiếu các vấn đề mà cuốn tư liệu cung cấp với bây giờ (như cung cách quản lý xã hội, hay cách giải quyết những vấn đề cụ thể liên quan đến con người, đến người dân...), nhiều điều phải suy ngẫm.
 
GS.TS. Đỗ Thanh Bình một lần nữa khẳng định đây là một bản dịch và biên dịch tốt, có chất lượng. Tuy nhiên, do nhiều người dịch, cho nên cần một người đọc và rà soát lại: một vài chỗ diễn đạt, dùng từ, đặc biệt là lỗi vi tính còn quá nhiều (có những phần rất ít, nhưng có những phần dịch lỗi quá nhiều). Không chỉ đơn thuần là lỗi, mà những lỗi ấy, đôi chỗ dẫn đến hiểu sai văn bản (tôi tạm ghi lỗi ra gần bốn trang, và có ghi lỗi ở từng trang cũng như đánh dấu trong bản thảo); từ dính nhau rất nhiều mà không thể ghi ra được. Ban biên tập sẽ rất vất vả nếu như các tác giả không rà soát cẩn thận lại. Phần Mục lục sách nên dịch và mở ngoặc nguyên bản; ở đây có chỗ dịch, có chỗ không; đánh trang lệch hết so với trong bản thảo.
 
Bản thảo có chất lượng rất tốt, nhưng theo GS.TS. Đỗ Thanh Bình thì bản thảo sẽ chất lượng hơn, tốt hơn và gần với người đọc hơn nếu chủ biên, hoặc một người trong nhóm, đọc lại và chỉnh sửa đôi chỗ còn sai sót. Theo Giáo sư Thanh Bình cuốn tư liệu được xuất bản sẽ là tài liệu quý để tham khảo khi nghiên cứu về Hà Nội, về con người và đất nước Việt Nam khá toàn diện trong giai đoạn lịch sử này.
 
Khánh Linh (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá