Bức tranh toàn cảnh về Thăng Long - Hà Nội qua phác họa của người phương Tây
Ở đây, Phó giáo sư Hoàng Anh Tuấn nói là “bước đầu” bởi vì dù với dung lượng lên tới nghìn trang, cuốn sách kể trên cũng mới chỉ tập hợp được những khối tư liệu nhất định, chứ chưa thể bao quát hết những nguồn tư liệu phương Tây hiện có, trong đó có những tư liệu vô cùng đặc sắc về kinh đô Thăng Long - Kẻ Chợ thời tiền cận đại.
Xuất phát từ thực tế đó, việc tổ chức biên soạn cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ và nhóm cộng sự gồm những nhà nghiên cứu, dịch giả chuyên nghiệp có ý nghĩa lớn trên cả phương diện khoa học và thực tiễn xây dựng - phát triển Thủ đô. Về khoa học, cuốn sách cung cấp sâu hơn khối tư liệu quý - hiếm cho đến nay phần lớn giới nghiên cứu chưa được tiếp cận trực tiếp. Về thực tiễn, nhiều thông tin khoa học về phố phường, di tích, phong tục - tập quán… sẽ đóng góp hữu hiệu cho việc hoạch định phát triển thủ đô, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần…
Theo nhìn nhận của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, bản thảo được tác giả Nguyễn Thừa Hỷ và cộng sự biên soạn công phu; phương pháp nghiên cứu thực chứng và đa diện là cần thiết bởi đối với loại hình sách tư liệu (biên dịch) thì không có cách tiếp cận nào tốt hơn cả. Phó giáo sư Tuấn đánh giá cao tôn chỉ biên soạn “trung thực với tư liệu… Cả về tinh thần và chữ nghĩa, không né tránh, chỉnh sửa” như nhóm tác giả đã đề ra khi xây dựng đề cương khoa học cách đây hơn 1 năm.
Nhận xét về bố cục của bản thảo, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn thấy kết cấu hợp lý:
- Phần “Tổng luận” (hơn 30 trang) được viết hàn lâm nhưng cũng dung dị và dễ hiểu cho nhiều đối tượng độc giả… Trong đó tác giả đã dành nhiều công sức cho việc phác họa “lịch sử nghiên cứu” trước và trong thời Pháp thuộc để người đọc dễ hình dung về khối tư liệu sẽ được lược dịch ở phần sau.
Cũng là người có nhiều năm gắn bó với các nguồn tư liệu phương Tây, sưu tầm, biên dịch tư liệu Đông Ấn Anh - Hà Lan, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn thấy rằng phần “Tư liệu dịch” là phần cốt lõi của tinh thần cuốn sách được tác giả xây dựng rất thành công. Phó giáo sư Tuấn bày tỏ hoàn toàn đồng ý với cách phân chia khối tư liệu dịch này thành hai nhóm:
+ Nhóm tư liệu về Thăng Long - Hà Nội trước 1884: bao gồm những đoạn trích đặc sắc thể hiện trong 6 cụm chính, trong đó có những tư liệu chưa được trích dịch trong bộ tư liệu thực hiện ở giai đoạn I (ví dụ tài liệu của W.Dampier, Marini, Rhodes… ), đặc biệt là tài liệu của Bissachère với hơn 150 trang.
+ Nhóm tư liệu về Hà Nội sau 1884 với 16 nhóm đầu mục tài liệu chính được nhóm tác giả lược dịch hoặc dịch nguyên bản, trong đó có nhiều văn bản thuộc hạng “đặc sắc”, ví như các văn bản của chính quyền thuộc địa về nhà đất, bất động sản, giáo dục…
Một lần nữa, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đánh giá rất cao sự dụng công của các tác giả trong việc lựa chọn tư liệu, tổ chức dịch một cách công phu và chuyên nghiệp các tài liệu nói trên. Ngoài ra, nguồn tài liệu tham khảo cho bản thảo này cũng rất phong phú với 197 tư liệu ngoại ngữ. Phụ lục sinh động, gắn kết với/bổ trợ cho chính văn.
Mong muốn bản thảo được tốt hơn, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn có góp ý các tác giả cố gắng chú thích rõ hơn một số thuật ngữ chuyên môn: ví dụ: đồng “equy” [tr. 51]…; chỉnh một số lỗi văn bản, tr. 97, 347…
PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn sau khi đọc bản thảo cũng như biết đội ngũ thực hiện bản thảo “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945”đều là những nhà nghiên cứu có trình độ cao và chuyên nghiệp, tin tưởng rằng, sau bản thảo khi ra sách sẽ góp phần nâng cao nhận thức của giới nghiên cứu và nhân dân trong việc tìm hiểu, phát huy, bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất Thủ đô ngàn năm văn vật.
Ly Đàm (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội