“Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” dưới góc nhìn của một nhà sử học
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi đã tìm cách thể hiện sự “choáng” của mình khi nhận xét, đánh giá, góp ý bản thảo theo cách riêng. Không dùng nhiều ngôn từ để khẳng định thêm những mặt mạnh, những điều xuất sắc mà chủ biên và nhóm biên soạn đã làm được thể hiện trong bản thảo, Phó giáo sư Phương Chi đã điểm lại nội dung bản thảo giúp độc giả nắm bắt cụ thể hơn.
Bố cục sách gồm 3 phần chính, không kể Tài liệu tham khảo và Phụ lục: Tổng luận. Phần I: Thăng Long - Hà Nội trước 1884. Phần II: Hà Nội sau 1884. Đây là bố cục hợp lý được đặt ra từ đề cương. Về mặt tư liệu gồm những tư liệu dịch ở hai thời kỳ:
- Trước thời Pháp thuộc, có 5 tư liệu được dịch với tổng số trang 280, trong đó có tư liệu dịch ra dài tới 153 trang (từ tr.163-316) là: “Tên gọi Tunkin và các xứ khác nằm dưới quyền cai trị của Hoàng đế Tunkin”. Trong tư liệu này đã cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu quý trên nhiều phương diện. Có thể kể đầy đủ: Tên gọi Tunkin; Địa lý; Khí tượng; Địa chất; Nhân chủng; Dân số; Động vật; Sản vật từ đất đai và trồng trọt; Ngư nghiệp và vận tải đường thuỷ; Các ngành thủ công kỹ nghệ; Nghệ thuật (âm nhạc, khoa diễn xướng, hội họa, tranh khắc và điêu khắc, nghệ thuật múa, kiến trúc); Thương mại (nội thương, ngoại thương); Thức ăn; Quần áo; Nhà ở; Phép trị nước và chính quyền; Tư pháp; Tài chính; Quân đội; Tôn giáo; Phong tục; Tục lệ (lễ tang, việc để tang, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, trò chơi); Khoa học; Văn chương.
- Thời Pháp thuộc, có 16 tư liệu được dịch với tổng số trang lên đến 553 trang. Đây là những tư liệu gốc phần lớn là những văn bản pháp quy và những văn kiện chính trị - hành chính của các cấp chính quyền tương đương, ngoài ra còn có một số chuyên đề và sách nghiên cứu của một số quan chức, học giả người Pháp và người Việt. Không gian tư liệu không chỉ là miền Bắc Việt Nam mà tập trung vào đô thị - Thành phố Hà Nội, mà cốt lõi là phố phường nội thành Hà Nội. Rồi, mở rộng ra cả vùng Hà Nội mở rộng ngày nay, bao gồm Hà Đông và Sơn Tây cũ. Điều cần nhấn mạnh là, chủ biên đã tránh trùng lặp tư liệu đã được tuyển dịch trong sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây”, xuất bản năm 2010. Ở bản thảo này, chủ biên đã tiết chế được sự cân đối tư liệu của các lĩnh vực khác nhau: Quy hoạch và quản lý đô thị, tổ chức chính trị - hành chính, kinh tế, xã hội, văn hoá - giáo dục và các giai đoạn của thời Pháp thuộc.
Mong muốn bản thảo được hoàn thiện hơn khi đến tay bạn đọc, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi có góp ý:
- Bản thảo ở những tư liệu có lời người dịch cần ghi rõ là “Lời người dịch” để người đọc không nhầm lẫn với tác giả.
- Ở tư liệu: “Đời sống trong xã hội An Nam xưa” trích chương 1 trong cuốn “Đế quốc An Nam” của tác giả Charles Gosselin, ở trang 100, dịch giả viết là “đưa vào phụ lục” nhưng chắc là nhầm. Bởi nó không có trong Phụ lục mà ở phần tư liệu dịch.
- Chủ đề của cuốn sách là Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội… Nhưng trong một số tư liệu không chỉ viết về Đàng Ngoài khá nhiều mà cả nước An Nam như những du ký của A. de Rhodes, Marini và Dampier, hoặc trích dịch chương 1 trong cuốn Đế quốc An Nam…
- Một số lỗi chữ dính liền nhau v.v.
*
Bản thảo với dung lượng khá đồ sộ được hoàn thiện trong một khoảng thời gian không dài, nội dung đảm bảo chất lượng cao với dịch thuật tốt, kết cấu hợp lý... điều này một lần nữa khẳng định trình độ, năng lực cũng như tinh thần làm việc hết sức nghiêm túc của chủ biên cùng nhóm tác giả. Bản thảo sau khi ra sách sẽ không chỉ là nguồn tư liệu quý, tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu khoa học mà còn góp phần cho các nhà hoạch định chính sách xây dựng một Thăng Long - Hà Nội, một đô thị phát triển bền vững.
Khánh Ngọc (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội