Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Góp phần bổ khuyết nhiều thông tin quan trọng cho công tác nghiên cứu và quản lý đô thị
Thứ hai, 21/09/2015 11:47

Theo nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Kim thì trong đợt Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã có nhiều công trình nghiên cứu sử dụng nguồn tư liệu phương Tây. Bên cạnh đó, cũng đã có một số công trình dịch thuật của các nhà khoa học, chọn lọc, dịch, xuất bản, giới thiệu về nguồn tư liệu này. Điều cần chú ý là, những tư liệu mang tính chuyên đề, chuyên sâu và những văn kiện chính thức của nhà nước (mà cụ thể là nguồn tư liệu của chính quyền Pháp) vẫn chưa được nghiên cứu, giới thiệu một cách hệ thống. Điều đó cũng có nghĩa là, các nguồn tư liệu đó chắc chắn sẽ góp phần bổ khuyết nhiều thông tin quan trọng cho công tác nghiên cứu và quản lý đô thị cũng như phát triển ngành đô thị học ở Việt Nam, trong đó phải kể đến bản thảo Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước năm 1945 do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên.

 
Phó giáo sư Nguyễn Văn Kim cho rằng trên cơ sở lựa chọn và tuyển dịch những tư liệu, tài liệu về Thăng Long - Hà Nội giai đoạn trước 1945 góp phần lấp đi một khoảng trống trong nhận thức của chúng ta về Thăng Long - Hà Nội trước những thăng trầm, biến động của lịch sử.
 
Với nguồn tư liệu ở đây có thể thấy, hầu hết là những tư liệu đã được biết đến phần nào qua Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây   đã được chính nhóm dịch giả bản thảo biên khảo, dịch, hiệu chú và xuất bản đúng dịp kỷ niệm 1.000 Thăng Long - Hà Nội vừa qua. Tuy vậy, là dự án dài hạn, cũng như nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về quá khứ xa xưa của Thăng Long - Hà Nội cũng như lịch sử Đàng Ngoài, Bắc Kỳ, nhóm biên soạn đã tiếp tục nỗ lực tìm kiếm, chọn lọc để tuyển lựa được gần 30 tư liệu, tài liệu là những chương sách (như của Bissachère, C.Gosselin), tập ký sự (Marini), bản mô tả, khảo tả (Dampier, A.de Rhodes), hay là những nghị định (như Nghị định thành lập phái bộ Khảo cổ thường trực Đông Dương) để biên soạn thành bản thảo dịch hơn 1000 trang này. 
 
Với PGS.TS. Nguyễn Văn Kim thì điều cần nhấn mạnh là bản thảo cuốn sách đã được nhóm biên dịch, gồm những giảng viên, nghiên cứu viên, những nhà chuyên môn nghiên cứu lịch sử làm việc trong các trường đại học, trung tâm học thuật thực hiện nghiêm cẩn và với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
 
Đánh giá, nhận xét về kết cấu của bản thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Kim nhận định bản thảo có cấu trúc khoa học và hợp lý. Những nội dung chính là: Tổng luận; Phần 1: gồm 6 đầu tài liệu dịch với gần 300 trang; Phần 2: gồm 16 đầu tài liệu dịch với gần 700 trang. Về nội dung, rõ ràng bản thảo đã chọn lọc, giới thiệu tư liệu nhằm bảo đảm tính toàn diện trên các nguyên tắc: Toàn diện về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; Toàn diện, cân đối giữa các thời kỳ lịch sử; Toàn diện giữa các nguồn tư liệu chính thức và không chính thức (những nguồn tư liệu của nhóm, cá nhân); Toàn diện về các giai tầng xã hội...
 
Cũng cần nhấn mạnh là, với mục đích trung thành với nguyên bản, ở nhiều nội dung trong bản thảo, các dịch giả đã chủ trương để nguyên nhằm đem đến sự chân xác, khách quan, sinh động bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, đời sống văn hóa, tư tưởng của Việt Nam đương thời; đồng thời điều này cũng phản ánh chân thực chủ ý của chính các tác giả đó.
 
Cũng theo nhận định của Phó giáo sư Nguyễn Văn Kim thì hơn hết các công trình, tư liệu được tác giả đề án giới thiệu là những nguồn tư liệu có giá trị và giá trị cao về học thuật. Bên cạnh những mặt xuất sắc thì bản thảo cũng không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Kim thì cùng với việc dịch thuật, biên dịch, trong những trường hợp cần thiết, tác giả và nhóm tác giả cần có sự chú giải để các nhà nghiên cứu (và đặc biệt là đông đảo bạn đọc) có thể hiểu đúng, hiểu sâu thêm về giá trị thông tin của công trình; hay sự khác biệt căn bản trong việc chọn lựa tư liệu dịch lần này so với công trình đã được dịch và công bố 5 năm trước đây.
 
Như đã đề cập ở trên, việc có thể chuyển ngữ sang tiếng Việt hiện đại từ tiếng Pháp, tiếng Anh thế kỷ XVII - XIX là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, với những thuật ngữ phổ biến như Tunkin/Tonkin/Tunquin, Cochinchine, Annam… cần có được sự thống nhất nhất định. Cần có được những chú giải ở những chi tiết có thể gây khó hiểu cho người đọc, thậm chí với cả các nhà chuyên môn. Điều này sẽ rất có giá trị nhằm bổ khuyết cho chính sử, hay các nguồn sử liệu Việt Nam từ chính góc nhìn, ghi chép của chính những người trong cuộc, từ một “cái nhìn hiếu kỳ của người khác” (vision de l’autre). Một số đoạn chưa dịch, hay dịch chưa thoát ý cần có sự hiệu đính, nhất là có chú thích. Trong khi nhóm biên dịch chuyển ngữ trung thành về cả chữ nghĩa lẫn tinh thần văn bản, nhưng cũng cần thấy một thực tế là “những người quan sát” dù “mắt thấy tai nghe” trong không ít trường hợp chưa hiểu được đúng bản chất của sự kiện, hành động, việc làm, hay văn hóa của người dân địa phương, từ đó đưa những nhận xét, đánh giá, bình luận còn chủ quan, nhiều khi phiến diện, hay sai sót không đáng có.
 
Mặc dù còn một số những hạn chế nhất định, nhưng cùng quan điểm với các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu bản thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Kim hoàn toàn tin tưởng vào uy tín về chuyên môn và năng lực ngoại ngữ của chủ biên cùng nhóm cộng sự thì đây là sản phẩm khoa học chất lượng cao, công phu, nghiêm túc.
 
 
Ly Đàm (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá