Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Những giá trị thực tiễn lịch sử ẩn chứa trong các thông tin tư liệu
Thứ hai, 21/09/2015 11:51

Một đề tài có bài đề dẫn công phu, mang tính khoa học cao, ở đó nêu rõ quan điểm và thái độ sưu tầm, biên dịch nguồn tư liệu này nhằm cung cấp thông tin đa dạng, có giá trị đích thực về đời sống Thăng Long - Hà Nội cho hoạt động nghiên cứu hôm nay. Đây là những nhận định ban đầu của PGS.TS. Phạm Xuân Hằng khi đọc bản thảo Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước năm 1945 do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên.

 
Các tư liệu tiếng phương Tây về Thăng Long - Hà Nội rất phong phú và đa dạng, có một số các công trình đã được dịch và giới thiệu. Tuy nhiên, còn thiếu tính chất tổng hợp và đánh giá khảo chứng, trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, chúng ta có điều kiện giới thiệu thêm, đi sâu hơn một số vấn đề về kinh tế - văn hoá - chính trị - tư tưởng - xã hội của Thăng Long - Hà Nội dưới góc nhìn, ngòi bút, tư duy của người phương Tây. Sau một thời gian thực hiện, nhóm biên soạn do PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ biên đã hoàn thành công trình Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước năm 1945 với một dung lượng khá lớn - 1.030 trang. Với hơn một ngàn trang tư liệu được sưu tầm qua sách, báo để dịch ra tiếng Việt trong một thời gian không dài, chứng tỏ quá trình lao động khoa học của tác giả và cộng sự là tích cực, tâm huyết.
 
Những tư liệu được giới thiệu trong Tuyển tập này, gồm 2 phần: Tư liệu phương Tây về Thăng Long trước 1884 và khối tư liệu phương Tây sau 1884. Tác giả đã dành khoảng gần 300 trang giới thiệu về những bài du ký của các thương gia nước ngoài đến Thăng Long và tư liệu phản ánh hoạt động truyền giáo của giáo sĩ phương Tây, sinh hoạt tôn giáo ở Thăng Long, cũng như những ghi chép về cuộc sống của cư dân Thăng Long trên các lĩnh vực giao thương, phong tục tập quán, tổ chức quân đội, quản lý hành chính…. Còn lại khoảng 600 trang là giới thiệu tư liệu chữ Pháp về Thăng Long và chừng hơn 100 trang phụ lục. PGS.TS. Phạm Xuân Hằng một lần nữa nhận định đây thực sự là một Tuyển tập tư liệu về Thăng Long trước 1945 đồ sộ, giàu tính tư liệu lịch sử về hoạt động của chính quyền thuộc địa và đời sống nhiều mặt của cư dân Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây.
 
Cũng theo Phó giáo sư Phạm Xuân Hằng thì tiêu chí tuyển chọn tư liệu của nhóm tác giả là chỉ chọn lọc những tư liệu mới, chưa có mặt trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã xuất bản, hoặc chưa tác giả nào biên dịch. Khối tư liệu này chỉ phản ánh về Thăng Long, Hà Đông, Sơn Tây, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Những tiêu chí này đã góp phần nâng cao chất lượng bản thảo, tạo nên sự mới mẻ với độc giả và các nhà nghiên cứu khoa học khi tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội kể từ khi có ảnh hưởng của phương Tây.
 
Với những nhận định trên thật chưa thể nói hết những mặt mạnh, ưu điểm mà bản thảo đã đạt được. Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu sử học lâu năm, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng rất tán đồng với việc trong bài đề dẫn của mình, tác giả có quan điểm hoàn toàn đúng khi cho rằng, từ những tư liệu này sẽ giúp các nhà nghiên cứu quá khứ tiếp cận dần tới lịch sử đích thực để thoát dần khỏi tư duy về lịch sử biểu kiến. Theo Phó giáo sư Phạm Xuân Hằng quan điểm này chính là thôi thúc các nhà nghiên cứu phải sưu tầm, xử lý thông tin quá khứ từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Thông qua quan điểm này, khẳng định sự cần thiết phải sưu tầm, giới thiệu tư liệu Thăng Long xưa.
 
PGS.TS. Phạm Xuân Hằng chỉ ra rằng khi đọc Tuyển tập tư liệu, chúng ta có thể hình dung được lượng thông tin lịch sử thật phong phú. Từ chính trị; kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng; quản lý, đền bù đất đai; đến văn hóa, giáo dục, y tế… Có thể nói rằng, những tư liệu ấy giúp người nghiên cứu tiếp cận được đời sống thực của Thăng Long - Hà Nội. Cụ thể cho vấn đề này, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đã nêu thí dụ:
 
+ Tư liệu về các vụ thương lượng giá trị đền bù, đổi đất khi thu hồi xây dựng công trình hạ tầng chung, hay người Tây, người ta mua đất làm nhà trong lòng Hà Nội, giữa chính quyền Thành phố và người dân, như bà Hoàng Trọng Phu rất công khai, minh bạch và hòa bình.
 
+ Tư liệu về trường Lít-xê An-be-sa-rô, cho thấy khá đầy đủ các thông tin về hoạt động của trường, từ tiêu chuẩn nhập học, nội quy học tập, nghĩa vụ của phụ huynh đến trách nhiệm quản lý của trường đối với học sinh… rất cụ thể và minh bạch. Ra đời 1923, đến nay đây vẫn là mô hình quản lý học đường lý tưởng. Đương nhiên, đối tượng phục vụ lúc đó là con cái người Pháp, viên chức và những gia đình khá giả người Việt.
 
Điều mà PGS. TS. Phạm Xuân Hằng muốn nhấn mạnh đó là qua hai ví dụ trên, người nghiên cứu đọc ra được những giá trị thực tiễn lịch sử ẩn chứa trong các thông tin tư liệu ấy. Hơn cả điều này, Tuyển tập tư liệu phương Tây trước năm 1945 còn là nguồn tư liệu giúp chúng ta thấy hình ảnh của một Thăng Long - Hà Nội qua con mắt người phương Tây.
 
 
Đàm Ly (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá