Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội” từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu địa lý
Thứ sáu, 02/10/2015 04:38

Với tư cách là một trong những thành viên của Hội đồng thẩm định, nghiệm thu bản thảo “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội”, GS.TS. Trương Quang Hải - Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển là một chuyên gia nghiên cứu về địa lý đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp quý báu cho công trình này.

 
Công trình “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh chủ biên được biên soạn công phu với gần 600 trang bản thảo. Có mục đích chính là nghiên cứu và khôi phục các lớp địa danh hành chính của khu vực Thăng Long - Hà Nội truyền thống (chủ yếu là hai huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương từ đầu thế kỷ XIX đến nay), đồng thời đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằm góp phần xây dựng và quy hoạch việc đặt tên các địa danh hành chính Hà Nội trong tương lai. Công trình đã được biên soạn bằng phương pháp tiếp cận liên ngành và khu vực học. Trong đó không thể không kể đến phương pháp địa lý, bởi vậy có một chuyên gia nghiên cứu về địa lý như GS.TS. Trương Quang Hải đóng góp cho công trình là điều vô cùng cần thiết.
 
Bằng con mắt khách quan, GS.TS. Trương Quang Hải đã có những nhận định sắc sảo, chỉ ra những ưu khuyết điểm của công trình. Ông cũng chỉ rõ những ưu điểm mà tác giả đạt được.
 
Thứ nhất là về cách tiếp cận khoa học trong thực hiện đề tài: hệ thống và tổng hợp, đương đại và lịch đại, khu vực học và liên ngành. Các phương pháp nghiên cứu được đề xuất sử dụng hợp lý, bao gồm: phương pháp phân tích ngôn ngữ học, phương pháp địa lý, GIS, hệ thông tin địa lý; phương pháp nghiên cứu lịch sử, phương pháp phân tích thống kê, định lượng, phương pháp so sánh, đối chiếu, trong đó các phương pháp chủ đạo là phân tích ngôn ngữ và so sánh, đối chiếu. Cơ sở tài liệu gồm các nghiên cứu của các tác giả, triệt để khai thác những tư liệu gốc và kế thừa các kết quả nghiên cứu đã công bố.
 
Thứ hai là về phạm vi không gian được xác định rõ (địa bàn huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận dưới thời Nguyễn, tương ứng với 5 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ) và phạm vi thời gian (từ thế kỷ XIX) đến nay.
 
Thứ ba là về nội dung cuốn sách đã phân tích và luận giải có sức thuyết phục về những đặc trưng của hệ thống địa danh hành chính, sự thay đổi địa danh hành chính và đường phố qua các giai đoạn lịch sử từ đầu triều Nguyễn đến nay. Phần tra cứu được viết cô đọng, rõ ràng theo phong cách biên soạn từ điển. Phần bản đồ, sơ đồ địa danh được xây dựng công phu trên cơ sở phân tích các nguồn tài liệu địa bạ và tài liệu văn bản về địa danh; một số bản đồ xây dựng cuối thế kỷ XIX, các từ điển địa danh, từ điển đường phố; hệ thống các di tích lịch sử và văn hóa. Quá trình kiểm chứng và đối sánh các địa danh được thực hiện cẩn trọng. Hệ thống bản đồ, sơ đồ địa danh thể hiện trực quan sự phân bố và quan hệ tương quan về mặt không gian giữa các  đơn vị hành chính.
 
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng cuốn sách, giáo sư cũng đưa ra một số ý kiến trao đổi, góp ý với nhóm biên soạn ở một vài điểm cụ thể như sau: Cơ sở lý luận về nghiên cứu địa danh, việc phân chia các giai đoạn nghiên cứu địa danh nên được luận giải đầy đủ hơn trong phần Tổng quan. Bản thảo có trình bày địa danh Hà Nội qua các giai đoạn 1831 - 1887, 1888 - 1945, 1945 - 1954, sau năm 1954. Do đó, để người đọc có cái nhìn khái quát về địa danh Hà Nội từ đầu thế kỷ XIX đến nay, theo GS.TS. Trương Quang Hải, tác giả công trình nên xem xét bổ sung mục hoặc đúc rút trong kết luận chỉ rõ: Đặc điểm chung về địa danh hành chính Hà Nội từ đầu thế kỷ XIX đến nay. Ngoài ra, trong một số sơ đồ còn có sai lệch về ranh giới giữa các tổng (các sơ đồ 5 và 7, 12 và 16, 23 và 25), một số lỗi kỹ thuật biên tập cần được chỉnh sửa. Giáo sư cũng đề nghị nên đổi tên bản thảo thành “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội từ thế kỷ XIX tới nay”.

Cuối cùng, người thẩm định cũng khẳng định rõ cuốn sách được biên soạn công phu và khoa học. Nó xứng đáng là một công trình đạt chất lượng cao trong Tủ sách “Thăng Long ngàn năm văn hiến”.
 
 
Trang Phạm tổng hợp (Theo nhận xét của GS.TS. Trương Quang Hải)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá