Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” Khai mở nhiều nguồn tư liệu quý
Thứ năm, 29/10/2015 02:42

Cùng chủ đề khai thác khối tư liệu của người phương Tây viết về Thăng Long - Kẻ Chợ, năm 2010, trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Nhà xuất bản Hà Nội bên cạnh xuất bản cuốn sách Tuyển tập tư liệu phương Tây của PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ, thì cuốn sách Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII là khảo cứu chuyên sâu về quan hệ thương mại dựa vào hai nguồn tư liệu của hai công ty thương mại lớn nhất là Đông Ấn Anh (English East India Company - EIC) và Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oost-Indische Compagnie - VOC) do PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn chủ biên. Dự án giai đoạn II, tiếp nối chủ đề này, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn chủ biên cuốn sách “Tuyển tập công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII”. Sự tiếp tục này theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng nhận định đó là sự tiếp tục cụ thể hóa nội dung thông qua dịch thuật các tư liệu của Thương điếm Thăng Long ghi chép (viết tay bằng tiếng Anh cổ) về nhật ký buôn bán hàng ngày, báo cáo thương mại gửi về Công ty ở Luân Đôn và thư từ giao dịch với chính quyền Lê - Trịnh, với các thương điếm Xiêm, Đài Loan…

 
Công ty Đông Ấn Anh xuất hiện khi người Kẻ Chợ - Đàng Ngoài đã mất niềm tin với người nước ngoài nên chỉ có 25 năm hoạt động, theo 3 giai đoạn từ sự khởi đầu khó khăn (1672) rồi đến hoạt động cầm chừng (1682)những năm tháng khốn cùng và đi đến quyết định đóng cửa thương điếm Kẻ Chợ (1697). Trong một khoảng thời gian một phần tư thế kỷ hoạt động chủ yếu trên đất Kẻ Chợ - Đàng Ngoài, những người nước ngoài này đã đặt những dấu ấn nhất định ngoài hoạt động giao thương còn là các hoạt động về văn hoá, truyền giáo…
 
Trong khuôn khổ của bản thảo Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng nhận định “sản phẩm đạt mục tiêu giới thiệu những tư liệu đã sưu tầm được của Công ty Đông Ấn Anh lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Anh trong thời gian 2008 - 2013. Đây là khối tư liệu được nhóm nghiên cứu chắt lọc, lựa chọn những tư liệu chứa đựng thông tin về hoạt động của Công ty Đông Ấn Anh ở kinh đô Thăng Long và Vương quốc Đàng Ngoài (chủ yếu là ở Phố Hiến) vào nửa cuối thế kỷ XVII”.
 
Cũng từ bản dịch này, nhóm nghiên cứu, cho thấy, tư liệu cung cấp cho bạn đọc và các nhà nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Kẻ Chợ trong khoảng thời gian thế kỷ XVII nhiều thông tin về kinh tế - xã hội, lịch sử - văn hóa, nhất là về phong tục, tổ chức sinh hoạt trong đời sống cư dân ở kinh đô qua lăng kính cảm nhận của các nhà buôn phương Tây. Cũng theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng thì Tuyển tập tư liệu này chắc chắn góp phần thỏa mãn những ai quan tâm tới hoạt động giao thương của các nhà buôn phương Tây ở Đàng Ngoài nói chung và Kinh đô Thăng Long nói riêng vào cuối thế kỷ XVII, nhất là đối với các nhà nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Thăng Long.
 
Về nội dung và kết cấu bản thảo, trước khi giới thiệu nội dung những tư liệu chọn dịch, tác giả đã dành hẳn một phần giới thiệu về sự hình thành Công ty Đông Ấn Anh và chiến lược Đông Á của Công ty ở Thăng Long và Đàng Ngoài cũng như những khó khăn trong hoạt động, những nguyên nhân dẫn đến Công ty phải đóng cửa. Phần thứ hai với hơn 600 trang tư liệu tác giả giới thiệu các nhật ký hoạt động của Công ty ở Đàng Ngoài từ 1672 đến 1697, trong đó trung tâm là Thăng Long.
 
Có bắt tay tìm hiểu, nghiên cứu mới thấy hết được những khó khăn mà các tác giả thực hiện đề tài này đã trải qua, bởi toàn bộ các tư liệu được viết tay bằng tiếng Anh cổ, do đó, tác giả phải tìm kiếm những người nước ngoài đủ trình độ giải mã tiếng Anh cổ, chuyển ngữ sang tiếng Anh hiện đại, rồi từ đó, tác giả mới chuyển ngữ sang tiếng Việt. Quả là một công việc khó khăn và phức tạp. Vậy nên, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng cũng như các thành viên trong hội đồng nghiệm thu bản thảo đểu đánh giá cần phải ghi nhận sự tâm huyết của tác giả khi thực hiện đề tài này.
 
Xét một cách toàn diện, từ kết cấu đến nội dung, văn phong thể hiện thì bản thảo Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng thì chủ biên nên có chục trang nghiên cứu giới thiệu (kiểu dẫn luận) về nội dung và giá trị các mặt của đời sống xã hội Đàng Ngoài qua khối tư liệu này. Dựa trên khối tư liệu này và các tư liệu khác mà tác giả có, đề nghị tác giả biên soạn cuốn chuyên khảo, đại loại như “Hoạt động giao thương với phương Tây của Đàng Ngoài cuối thế kỷ XVII”, trong đó có Thăng Long.
 
Bản thảo đã tuyển tập tư liệu tốt, độ tin cậy của các thông tin cao, được thực hiện công phu, tâm huyết với đội ngũ thực hiện có kinh nghiệm, tin chắc rằng khi ra sách, sự khai mở nguồn tư liệu quý này sẽ đáp ứng được nhu cầu của đông đảo độc giả và các nhà nghiên cứu cũng như hoạch định các chính sách ở vĩ mô cho sự phát triển của một Thủ đô nghìn năm văn hiến.
 
 
Linh Chi tổng hợp
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá