“Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” Dưới góc nhìn của nhà lưu trữ
Qua nguồn tư liệu phương Tây chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan và toàn diện hơn về Thăng Long - Kẻ Chợ. Dưới góc nhìn của một người có nhiều năm làm việc trong công tác lưu trữ và quản trị văn phòng thì tài liệu, tư liệu lưu trữ gốc sẽ cung cấp cho nhà nghiên cứu những thông tin cấp 1, có độ tin cậy, độ chính xác cao. Với bản thảo tuyển tập các tư liệu có giá trị đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu vì đó là những tư liệu gốc, đã được giới thiệu, lược dịch ra tiếng Việt. Việc xuất bản loại sách tra cứu, tập hợp tư liệu, tài liệu lưu trữ gốc phục vụ công tác nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu lịch sử.
Về tổ chức thực hiện, TS. Nguyễn Liên Hương thấy nhóm tác giả có cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu phù hợp với mục tiêu nghiên cứu của đề tài. Hơn thế trong lần triển khai thực hiện đề tài này, việc hợp tác với các nhà khoa học người Anh đã tỏ ra có hiệu quả. Bản thảo hoàn thành trước thời gian dự kiến đã chứng tỏ sự nỗ lực và tiềm năng của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu (scan khối lượng lớn tài liệu từ các Lưu trữ nước ngoài, đọc và dịch các văn bản cổ…).
Sau những đánh giá về cách tiếp cận, tiến độ thực hiện của nhóm tác giả, TS. Nguyễn Liên Hương nhận định kết cấu bản thảo hợp lý, phù hợp với cách tiếp cận và mục tiêu nghiên cứu. Phần Lược sử Công ty Đông Ấn Anh giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn tổng quan về hoạt động của công ty. Theo cảm nhận của cá nhân TS. Nguyễn Liên Hương với 50 trang của phần này đã thực sự thể hiện năng lực và sự nghiêm túc của chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu, đồng thời có ý nghĩa “dẫn dắt”, tích cực đối với những nhà nghiên cứu trẻ.
Cách tiếp cận phù hợp với đối tượng nghiên cứu, kết cấu chặt chẽ, TS. Nguyễn Liên Hương còn thấy tư liệu được dịch tốt, hầu như không có lỗi chuyển ngữ, lỗi đánh máy. Điều này phần nào thể hiện năng lực, trình độ chuyên môn, sự tâm huyết và trách nhiệm của chủ biên cùng nhóm tác giả khi thực hiện bản thảo này. Ở đây, các tác giả đã chuyển tải nội dung một cách Việt hoá đảm bảo không bị sai ý, sai nghĩa so với nguyên bản.
Trước một khối lượng tư liệu đồ xộ, lại nằm ở các kho lưu trữ của nước ngoài sẽ gây không ít khó khăn cho nhóm tác giả khi triển khai thực hiện đề tài này. Vậy nên, theo TS. Nguyễn Liên Hương về hạn chế của đề tài thì Chủ nhiệm đề tài đưa ra mang tính khách quan, khó có thể khắc phục ngay, nhưng hy vọng các nghiên cứu tiếp theo có thể bổ sung, hoàn thiện công trình.
TS. Nguyễn Liên Hương có đề xuất do sách rất dày, lại có kết cấu gồm nhiều phần nên chăng tách, phân định mỗi phần bằng một tờ giấy màu, tạo thuận lợi cho người sử dụng. Lời giới thiệu nếu được viết bởi một nhà nghiên cứu có uy tín khoa học cao, có bề dày nghiên cứu lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại sẽ làm tăng sự tin cậy và giá trị thông tin của nguồn tư liệu. Tổng danh mục có được tiếp tục thực hiện trong khuôn khổ cuốn sách này? Phần Phụ lục đã chọn chụp một số tư liệu tiêu biểu, tuy nhiên nếu để kích thước quá nhỏ thì cũng không có tác dụng đối với những người đọc muốn kiểm chứng. Những đề xuất, góp ý của Tiến sĩ Liên Hương giúp nhóm tác giả có cách xử trí bản thảo hài hoà, hợp lý hơn và mục tiêu quan trọng nhất đó là giúp độc giả dễ tiếp cận, dễ đọc, dễ hiểu.
Nhu cầu tìm hiểu về Thăng Long - Kẻ Chợ luôn có sức hấp dẫn với các nhà nghiên cứu khoa học, đặc biệt là mảng tư liệu của người phương Tây, nhưng không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận được khối tư liệu đồ xộ này, đặc biệt khối tư liệu nằm ở các thư viện, trung tâm lưu trữ của nước ngoài. Vậy nên, bản thảo“Tuyển tập tư liệu công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng ngoài thế kỷ XVII” của PGS. TS. Hoàng Anh Tuấn khi thành sách sẽ đáp ứng nhu cầu tra cứu, cung cấp những thông tin có giá trị, hữu ích đối với người nghiên cứu, đặc biệt những người không có điều kiện kinh tế và thời gian đi khảo sát nước ngoài.
Linh Chi tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội