“Tuyển tập tư liệu công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” Dưới góc nhìn của một phó giáo sư sử học uyên bác
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn là một chuyên gia có thẩm quyền không thể tranh cãi về những tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII. Có lẽ ông là người Việt Nam độc quyền duy nhất nắm giữ được những tư liệu sao chép các hồ sơ bản thảo lưu trữ của các công ty này. Ông lại là một nhà nghiên cứu đang độ tuổi sung sức, không trẻ nhưng chưa già, đầy nhiệt tình hăng say và thái độ cần cù nghiêm túc trong lao động trí óc, thể hiện qua số lượng phong phú những công trình nghiên cứu - sách và bài báo - viết về những hoạt động mậu dịch đối ngoại của các nước phương Tây trong thế kỷ XVII, một phần đã được ghi chép lại trong phần Phụ lục bản thảo đề tài. Việc sao dịch những tài liệu lưu trữ viết tay bằng tiếng nước ngoài với một văn phong cổ, nét chữ khó đọc từ hơn 3 thế kỷ trước rõ ràng không phải dễ và đòi hỏi nhiều công phu cùng sự cẩn trọng. Tất cả những điều nói trên dẫn tới một kết luận: đây là một bản thảo đề tài tốt, có giá trị cao, lưu giữ và thể hiện được những dữ liệu thông tin hiếm quý, bổ ích cho giới học thuật, những nhà quản lý Việt Nam nói riêng và cho đông đảo bạn đọc ham hiểu biết nói chung.
Đề tài này là sự mở rộng, đi sâu hơn của một đề tài trước đây cũng của tác giả Hoàng Anh Tuấn “Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” trong “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn I (2010). Đối chiếu hai bản thảo, ta thấy rõ ràng có sự nâng cao về chất lượng: số các tư liệu trích dịch nhiều hơn, chi tiết và kỹ hơn, đặc biệt có nhiều tư liệu quan trọng đã được dịch toàn văn và có thêm những bài nghiên cứu tổng hợp mới.
Tất nhiên, để phát hiện ra những điều lý thú của những văn kiện lưu trữ qua những ghi ghép nhật ký, biên bản và thư từ, người đọc và nhà nghiên cứu không thể tự bằng lòng với việc dễ dãi đọc lướt qua một lần như xem một cuốn tiểu thuyết. Như vậy, họ sẽ có thể gặp phải những câu chữ lặp đi lặp lại đến độ gây nhàm chán, những con số rối mù, những gương mặt thấp thoáng xuất hiện không rõ hình nét, những sự kiện tối nghĩa khó hiểu hoặc thậm chí không thể hiểu được, những nhân vật người Việt được phiên âm thành những danh xưng ngoại quốc chẳng thể nào đoán được ra để biết họ là ai.
Ngược lại, nếu người đọc chịu khó hiếu kỳ tìm tòi suy xét, có lòng kiên nhẫn điều tra của một nhà thám tử say mê với việc khám phá dấu vết của những đầu mối dù nhỏ nhất, chịu mất thời giờ dùng chiếc kính lúp của tư duy tỉ mỉ soi phóng lên từng sự kiện chi tiết, chắc chắn chúng ta sẽ có được những niềm vui thích thú khi tiếp cận được tới những khuyết thiếu, những mảng tối thông tin, qua đó tìm ra được những sự thật lâu này có thể vẫn thường bị lãng quên hoặc ẩn giấu.
Nhờ những thông tin cụ thể trong những cuốn sổ ghi chép nhật ký mà tác giả Hoàng Anh Tuấn đã khai thác và tường thuật lại rất tốt một cách chi tiết trong bài Giới thiệu và phần Phụ lục, chúng ta đã biết rõ được tình hình kinh doanh, công việc làm ăn buôn bán, những thành công và thất bại, kể cả những chuyện đấu đá và bê bối nội bộ của Công ty Đông Ấn Anh ở Phố Hiến và Kẻ Chợ trong gần 3 thập kỷ cuối thế kỷ XVII.
Ngoài ra, nếu đọc và nghiên cứu kỹ, chúng ta còn có thể biết thêm những thông tin thú vị, độc đáo và bổ ích về các nét vẻ đời sống cung đình và của quần chúng nhân dân, những sự biến và âm mưu chính trị diễn ra ở Thăng Long - Kẻ Chợ và Đàng Ngoài, một số gương mặt quan chức đáng chú ý dưới thời hai vị chúa Trịnh Tạc và Trinh Căn.
Trước hết, tư liệu lưu trữ đã đính chính một điều ngộ nhận của nhiều người trước đây, hiểu sai rằng Thương điếm EIC đóng ở Phố Hiến từ 1672 đến 1683, sau đó chuyển dời hẳn lên Kẻ Chợ cho đến 1697. Thực ra, sau khi trụ sở chính chuyển lên Kẻ Chợ, một chi điếm EIC vẫn tồn tại song song ở Phố Hiến cho đến những ngày cuối cùng.
Tư liệu lưu trữ còn bổ sung chi tiết cho những sự kiện, nhân vật không có hoặc có rất ít thông tin trong chính sử Việt. Thí dụ như về nạn đói khủng khiếp năm 1682 ở Đàng Ngoài, cùng thời với đám tang lộng lẫy hoành tráng của chúa Trịnh Tạc khi đó. Chúng ta cũng thấy được thói lạm quyền tham nhũng của bộ máy quan liêu, nhất là ngành hải quan của chính quyền Lê - Trịnh, cũng như thói hám lợi con buôn, những thủ thuật đút lót bôi trơn, hối lộ tinh vi hoặc trắng trợn của EIC, vừa có vẻ hào phóng nịnh bợ vừa keo kiệt tiếc của. Rồi quá trình đầy kịch tính của việc EIC vận động xin đất và cấp phép xây dựng thương điếm Anh ở Kẻ Chợ gần bờ sông Nhị. Hay một bức tranh khá lý thú về tình hình trật tự trị an đô thị Kẻ Chợ dưới thời quan Phủ doãn Phụng Thiên Hà Tông Mục. Qua đó ta biết được thói hay đi chơi đêm của những nhân viên EIC (để làm gì?), thái độ hống hách của những tuần đinh, cảnh sát và dân phòng đô thành quen thói tùy tiện đánh đập giam giữ người - kể cả các ông Tây mũi lõ thời đó, cũng như hành xử mềm mỏng khôn khéo của ngài Thị trưởng Kinh đô trong việc tận tình khuyên nhủ các thương nhân ngoại quốc, can thiệp giúp đỡ để họ được thả ra khi bị bắt vì đi ngoài đường phố lúc ban đêm. Hoặc như nét chân dung chấm phá tài tình về gương mặt của vị quan Trấn thủ Phố Hiến Unja Taphoo lúc bấy giờ. Vị quan này có thái độ tích cực chống lại đạo Gia Tô nhưng thiếu hiểu biết trong kiến thức. Tuy vẫn giao thiệp với các tàu buôn Anh, nhưng ông kiên quyết không cho thương điếm Phố Hiến treo cờ Anh có hình chữ thập đỏ, thậm chí cho đốt đi, vì nhất mực cho rằng đó là hình cây thánh giá của các tín đồ đạo Kitô. Ông cũng tích cực bắt giam những giáo sĩ Bồ Đào Nha ở Phố Hiến và trừng phạt các giáo dân theo đạo Kitô, lúc đó gọi là Hoa lang đạo. Hoặc như gương mặt một nữ đại gia doanh nhân kiêm tài phiệt theo kiểu mafia người Bồ Đào Nha tên gọi Monica Dabada, lúc đó có nhiều thế lực và nhiều hành tung bí ẩn trên thương trường.
Đó là giá trị chủ yếu của bản thảo đề tài và công lao của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn. Tất nhiên, người đọc cũng hy vọng rằng sau này, tác giả có thể dựa vào bản dịch này để nghiên cứu viết thêm, công bố những chuyên luận theo những chủ đề nói trên, hoặc bổ sung vào phần dẫn luận giới thiệu khi có điều kiện tái bản, đặc biệt là những thông tin mới, hiếm quý về lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
***
Để hoàn thiện công trình, người viết phản biện cũng muốn góp thêm một số ý kiến hoặc để xem xét lại, hoặc cần thiết phải sửa chữa:
- Một số thuật ngữ, sự kiện, tên gọi, ngày tháng, lỗi kỹ thuật đánh máy vi tính nên kiểm tra lại để có thể chỉnh sửa cho chính xác. Ý kiến nhận xét cụ thể được ghi trực tiếp vào bản thảo để tác giả rà soát lại, cân nhắc hoặc chỉnh sửa. Đó là các trang bản thảo có ghi chú và đánh dấu:
5.10.11.13.14.16.40.47.57.69.112.150.178.181.182.189.193.235.240.250.267.292.329.331.334.352.368.374.378.408.417.583.669
- Trong Phụ lục, cũng nên có một bảng đơn vị đo lường về các đơn vị đối chiếu của trọng lượng và tiền tệ (mặc dù trong cuốn Tư liệu trước đã có). Thí dụ:
Picul= Tạ ta =60kg, Catty = Cân ta = 0,6kg, Tae l= Lạng ta = 1/16 catty.
Ligature = Quan, Mass = Mạch = Tiền = 1/10 quan, Cash = Đồng = 1/60 tiền = 1/600 quan
Cash nên dịch là “đồng” hoặc “đồng kẽm”, thay vì “đồng tiền trinh”. Dưới triều Bảo Đại thời thuộc Pháp, “đồng tiền trinh” bằng kim loại là đơn vị tiền nhỏ nhất, bằng ½ xu, mà 1 xu buổi đầu thời thuộc Pháp có giá trị bằng 5 đồng tiền kẽm.
- Có một vài chỗ nên thảo luận lại cho rõ:
+ Khái niệm tối nghĩa - (Tr.40): “Vụ áp phe thương mại…”. Từ “affair (s)” tiếng Anh và “affaire (s)” tiếng Pháp có nhiều nghĩa khác nhau, trong đó có 2 nghĩa chính: “vụ, việc, công việc”, và “vụ làm ăn, giao dịch buôn bán kinh doanh”. Vài thập kỷ trước, người Việt biến âm từ này theo nghĩa xấu: phe phảy, con phe… Theo dõi nội dung bản thảo, đây là một vụ lạm dụng vốn và phương tiện công để mưu lợi riêng. Vậy có lẽ nên dùng “vụ bê bối” (scandal, scandale), “vụ buôn bán bê bối” thì hơn.
+ Niên đại mâu thuẫn (Tr.368): Sổ ghi nhật ký của William Kelling từ 20/12/1681 đến 28/7/1682 tại sao lại có những sự kiện xảy ra từ 1893 đến 1897 do Richard Watts chép?
- Có hai chỗ trong bản thảo cần sửa chữa để bảo đảm tính chính xác:
+ Tr. 235, chú thích 1: Vũ Công Mật (Vũ Văn Mật) không phải là một tù trưởng người thiểu số, mà là người quê gốc Gia Lộc (Hải Dương), trôi dạt lên vùng Đại Đồng (Tuyên Quang), cùng em là Vũ Văn Uyên trấn trị vùng này từ khoảng giữa thế kỷ XVI, giương chiêu bài “phù Lê diệt Mạc”, trở thành những thủ lĩnh thế tập cát cứ địa phương, tục gọi là “chúa Bầu” xây thành Bầu, truyền đời con cháu. Trong tư liệu phương Tây, xứ Bầu được ghi là Baw, Bawes, Baou, Bowes… Thời điểm lúc tư liệu EIC ghi năm 1677, vị chúa Bầu cuối cùng là Vũ Công Tuấn, trấn trị trong khoảng thời gian từ 1670 đến 1699.
+ Nghiêm trọng hơn cả là sai lầm trong sự kiện ghi ở trang 329, từ một lá thư được trích dịch nhưng không toàn văn.
Đoạn đó như sau: “Ngày 18/3/1682: Sáng sớm, chúng tôi đến trước Phủ chờ gặp nha môn để hỏi về món nợ mà Ungia Thay còn chưa thanh toán cho thương điếm. “Ở đó, chúng tôi gặp vị Vua [Lê] mới lên ngôi. Vua đi trên kiệu đến ngang Phủ Chúa”. Nhận thấy đây là một vấn đề khá quan trọng, không chỉ giúp việc đính chính bản thảo, mà còn làm sáng tỏ một sử liệu Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XVII từ trước đến nay vẫn bị lãng quên hoặc không được chú ý tới, chúng ta hãy khảo sát chi tiết.
Trước hết, nói về tính phi lôgich của đoạn văn. Không có vị vua Lê nào mới lên ngôi trong thời điểm đó. Lê Hy Tông ở ngôi liên tục trong 30 năm, từ 1676 đến 1706. Hơn nữa, khi lên ngôi, vua Lê không hề bao giờ phải đi đến Phủ Chúa Trịnh.
Bộ chính sử Cương mục không ghi gì. Bộ Đại Việt sử ký tục biên cũng không ghi chép những điều liên quan đến vua Lê trong năm 1682, mà chỉ ghi việc chúa Trịnh Tạc mất vào mùa thu năm đó. Tuy nhiên, trong năm Tân Dậu (1681), có chép những thông tin sơ lược một cách khá khó hiểu về nạn đói và những vụ phản.
Như vậy, đúng là có một nhà vua mới lên ngôi. Nhưng đó không phải là vua Lê, mà là một nhà vua không rõ tên họ, lý lịch, đã nổi lên phản loạn ở vùng Hải Dương, tự xưng Bắc vương, với niên hiệu Đinh Trị, sau đó bị giết. Đồng thời cũng có 2 cuộc phản loạn khác của Đặng Tiến Quyền và Trịnh Thụ. Nhưng những thông tin trong chính sử đã rất sơ sài, mập mờ.
Lần theo dấu vết truy tìm, chúng ta có được thêm những thông tin chi tiết về vụ việc này trong một tư liệu phương Tây. Đó là tiểu luận nghiên cứu “Những người Anh Cát Lợi ở Đàng Ngoài” (Les Anglais au Tonkin) của tác giả Paul. Villars, đăng trong tập san Revue de Paris năm 1903 (tr. 264-286). Tác giả Villars đã lục tung những hồ sơ lưu trữ EIC ở London, tìm ra được và trích dịch một tư liệu khá thú vị, đó là bức thư của EIC đề ngày 18/3/1682, cung cấp nhiều thông tin cụ thể về vụ khủng hoảng chính trị - xã hội ít được biết đến này.
Xét một cách toàn diện, bản thảo đề tài “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng ngoài thế kỷ XVII” của PGS.TS Hoàng Anh Tuấn là một bản thảo tốt, công phu, một tư liệu lịch sử hiếm quý bổ ích, phục vụ nhiều loại độc giả thuộc các giới khác nhau. Đề nghị Hội đồng thẩm định thông qua và Nhà xuất bản tổ chức tiến hành chuẩn bị để sớm xuất bản”.
Ngọc Linh
Nhà xuất bản Hà Nội