Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu quản lý kinh tế
Thứ năm, 05/11/2015 09:11

Các làng nghề, phố nghề, các ngành nghề thủ công Thăng Long - Hà Nội không chỉ là niềm tự hào của nhân dân mà còn có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Bản thảo “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” do TS. Đinh Hạnh chủ biên, góp phần hệ thống, tìm hiểu lịch sử hình thành cũng như những đóng góp của các làng nghề tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội – văn hoá của Thủ đô.

 
Với dung lượng 300 trang đánh máy khổ A4, ngoài Lời nói đầu, bản thảo “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” được chia thành 4 chương:
 
- Chương I: Tổng quan
 
- Chương II: Quá trình hình thành các làng nghề thủ công qua các thời kỳ
 
- Chương III: Định hướng và giải pháp phát triển làng nghề thủ công của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015 - 2030
 
- Chương IV: Những làng nghề thủ công và nghệ nhân tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội có đến tháng 12/2013.
 
Theo nhận xét của TS. Trần Kim Hào - Tổng Biên tập Tạp chí Quản lý Kinh tế - Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, uỷ viên Hội đồng nghiệm thu bản thảo, về cơ bản kết cấu này đã thể hiện tương đối đầy đủ nội dung mà cuốn sách chuyển tải. Tuy nhiên còn một số điểm thiếu cân đối và không hợp lý cần phải xem xét để kết cấu lại. Nhóm tác giả nên xem xét chuyển chương 4 thành chương 3 và chương 3 thành chương 4, như vậy sẽ hợp lý hơn. Nếu không muốn chuyển thì chương 4 nên trở thành Phụ lục chứ không phải là một chương, hoặc kết cấu lại.
 
Một số nội dung nên chuyển thành phụ lục, ví dụ danh sách các làng nghề thủ công của Thăng Long - Hà Nội (tr.72), danh sách các nghệ nhân (tr.245).
 
Về trình bày, cần rà soát lại để tránh trùng lặp, lược bỏ những nội dung không cần thiết, ví dụ phần nói về kết cấu của cuốn sách (tr.3-5) chỉ cần nêu tên các chương, không cần nêu các mục bên trong chương vì đã thể hiện nội dung này tại mục lục.
 
Sau nhận xét, góp ý khái quát chung về kết cấu bản thảo, TS. Trần Kim Hào có những đóng góp cụ thể vào từng chương, mục nội dung.
 
Ở chương I: Tổng quan gồm 3 mục lớn, có tất cả 16 nội dung trình bày trong chương này. Các tác giả đã trình bày được các yếu tố cơ bản hình thành làng nghề, các loại hình làng nghề cũng như tiêu chí xác định làng nghề thủ công tiêu biểu đương đại. Trong chương này TS. Trần Kim Hào muốn các tác giả cân nhắc đổi tên “Làng nghề thủ công tiêu biểu đương đại” (phân loại ở tr.4) thành “Làng nghề thủ công tiêu biểu” cho phù hợp với tên cuốn sách.
 
Nội dung các mục trong chương I chưa sâu, đặc biệt là mục III chương này (tr.24-25), đề nghị các tác giả phải bổ sung, làm phong phú thêm nội dung, kể cả các định nghĩa cũng như tiêu chí xác định làng nghề thủ công tiêu biểu. Trong dự thảo nội dung này còn quá sơ sài, chưa làm cơ sở để phân loại hoặc lựa chọn làng nghề thủ công tiêu biểu được.
 
Với chương II: Quá trình hình thành các làng nghề thủ công qua các thời kỳ. Nội dung đã trình bày được những nét tiêu biểu nhất của làng nghề thủ công thời kỳ phong kiến (1010-1888), thời kỳ Pháp thuộc (1888-1945) và thời kỳ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến 2013. Cũng theo ý kiến nhận xét của TS. Trần Kim Hào thì các thông tin chưa thật phong phú. Sẽ là tốt hơn nếu sau khi đọc xong chương này, người đọc có thể nắm bắt được động thái phát triển của làng nghề thủ công, từ số lượng đến ngành nghề, đến phân bố theo địa bàn trong cả nước cũng như ở Thủ đô Hà Nội.
 
Trong chương III, gồm 3 mục: I. Vài nét về tình hình kinh tế của đất nước hiện nay và những định hướng phát triển đến năm 2030; II. Thực trạng các làng nghề ở Hà Nội hiện nay; III. Định hướng và các giải pháp phát triển. Theo TS. Trần Kim Hào nội dung chương này đã đề cập tương đối đầy đủ về định hướng và giải pháp phát triển làng nghề thủ công ở Hà Nội trong thời gian đến năm 2030. Tuy nhiên, việc sắp xếp các nội dung trong chương là chưa hợp lý và có nhiều trùng lặp. TS. Trần Kim Hào đề xuất mục II chương này nên chuyển lên chương II vì nó đề cập đến thực trạng, còn các nội dung còn lại (mục I và mục III) nên bố trí lại thành 3 mục chính: 1. Bối cảnh; 2. Quan điểm định hướng phát triển; 3. Các giải pháp phát triển.
 
Nội dung của chương IV là giới thiệu những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội có đến tháng 12 năm 2013. Chương này đã giới thiệu tương đối đầy đủ các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội. Đây là những thông tin rất quý đối với giới nghiên cứu cũng như đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhưng về dung lượng bản thảo thì chương này so với các chương trước (gấp khoảng 10 lần), sự chênh lệch lớn về dung lượng nội dung cũng như văn bản sẽ gây ra cảm giác là cuốn sách rất thiếu cân đối về kết cấu các chương, mục.
 
Để khắc phục nhược điểm kết cấu thiếu cân đối, TS. Trần Kim Hào có đề xuất có thể kết cấu lại bản thảo thành 3 phần:
 
Phần 1 nói về quá trình hình thành và phát triển của các làng nghề thủ công của Thăng Long - Hà Nội bao gồm chương I, II, III hiện nay;
 
Phần 2 giới thiệu về các làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội chia theo các ngành nghề (chọn lọc nội dung chương IV hiện nay để đưa vào);
 
Phần 3 là phần phụ lục giới thiệu các quyết định công nhận danh sách làng nghề tiêu biểu, nghệ nhân (chọn lọc từ các chương bản thảo hiện nay)…
 
Bên trong từng phần có thể kết cấu thành các chương mục… nhưng phải đảm bảo được sự cân đối tương đối của bản thảo.
 
Bản thảo “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” sau khi được chỉnh sửa, nâng cao chất lượng khi ra sách không chỉ giúp đọc giả hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của các làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội mà còn khẳng định thêm về sự đóng góp của các làng nghề này trong sự phát triển của Thủ đô hôm nay và mai sau.
 
 
Linh Chi (tổng hợp)
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá