Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” Dưới góc nhìn phản biện
Thứ năm, 05/11/2015 09:23

Tham gia hội đồng nghiệm thu bản thảo “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” với tư cách phản biện, PGS.TS. Bùi Xuân Đính có những nhận xét, đánh giá cùng những góp ý hết sức sát sao nhằm nâng cao chất lượng bản thảo.

 
Theo PGS.TS. Bùi Xuân Đính, trước hết, đây là bản thảo một đề tài khoa học, nên phải tuân thủ các nguyên tắc, quy trình của nó, tức là phải có đủ các mục sau:
 
- Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu.
 
- Lịch sử nghiên cứu vấn đề (các làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội đã được nghiên cứu đến đâu? Ưu, nhược điểm của các công trình này là gì? Nhóm tác giả kế thừa và tiếp tục những gì từ các công trình này? Có điểm gì khác và mới hơn - như đã trình bày ở trên.
 
- Mục đích và nhiệm vụ của đề tài.
 
- Đối tượng nghiên cứu của đề tài.
 
- Cách tiếp cận vấn đề của đề tài: từ góc độ kinh tế, lịch sử, văn hóa, hay phát triển du lịch?
 
- Các khái niệm cơ bản (làng nghề, làng nghề truyền thống, làng nghề hiện đại, làng nghề tiêu biểu).
 
- Nguồn tư liệu của đề tài.
 
Việc cần thể hiện rõ mục đích, ý nghĩa, cách tiếp cận… bởi ngoài việc đây là một cuốn sách còn là kết quả của một công trình nghiên cứu. Cần bổ sung những nội dung này nhằm nâng cao tính khoa học, độ tin cậy, chất lượng của bản thảo.  PGS.TS. Bùi Xuân Đính bày tỏ sự đáng tiếc trong việc giữa nội dung và tên của bản thảo không có sự ăn khớp qua nội dung ở từng chương. Vấn đề làng nghề đã được đề cập đến trong khá nhiều đề tài, cuốn sách đã công bố, thiết nghĩ không nên nhắc lại ở đề tài này (khi nhóm tác giả bảo vệ đề cương, chúng tôi đã nêu ý này), mà nên đi vào các nội dung chính của “Những làng nghề tiêu biểu”. Với từ khóa “Những làng nghề tiêu biểu”, thì không chỉ phải xác định tiêu chí, đưa ra một số số liệu về các làng nghề tiêu biểu đã được xác định, mà điều quan trọng nhất, cần làm rõ các khía cạnh sau:
 
- Cơ sở và điều kiện hình thành, tồn tại của các làng nghề thủ công tiêu biểu;
 
 - Các đặc điểm về tổ chức sản xuất, sản phẩm, về các khía cạnh xã hội và văn hóa có liên quan đến nghề của các làng nghề thủ công tiêu biểu;
 
- Vai trò, vị trí của các làng này trước kia và hiện nay trong phát triển kinh tế, tạo lập các giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội;
 
- Những khó khăn và thách thức của các làng nghề tiêu biểu trên con đường phát triển hiện nay.
 
Tất cả các khía cạnh hay đặc điểm trên phải làm rõ được tiêu biểu ở chỗ nào? Có gì khác với các làng nghề “không tiêu biểu”? Đó mới chính là điều mà người đọc trông đợi ở đề tài này. Tiếc rằng, bản thảo không nêu được hay làm rõ được điều mà người đọc trông đợi. Các thông tin, tư liệu về các làng nghề mà nhóm tác giả đưa ra ở Chương IV, theo PGS.TS. Bùi Xuân Đính đã đề cập nhiều; nếu các tác giả thấy “không thể bỏ được” thì có thể chuyển xuống Phụ lục để người đọc tham khảo. Phần lớn các nội dung trình bày ở các chương khác, lại rơi vào tình trạng vừa thiếu, vừa thừa. Vì vậy, nhóm tác giả cần xem xét điều chỉnh lại bản thảo để khi in sách có thể làm người đọc vừa lòng.
 
Ngoài nội dung, kết cấu bản thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Đính quan tâm tới một số vấn đề khác xung quanh. Ví như một số nhận định (liên quan đề tên đề mục) không phù hợp, như mục I, Chương II coi Các yếu tố hình thành và thay đổi địa giới hành chính là yếu tố cơ bản hình thành làng nghề không hẳn chính xác. Thực tế cho thấy, các làng nghề vùng đất Hà Nội hình thành sớm và tồn tại lâu bền, là một nhu cầu của cuộc sống, của các cộng đồng dân cư, sự tồn tại của chúng không hẳn phụ thuộc vào việc thay đổi địa giới hành chính (chẳng hạn, tỉnh Hà Tây trước tháng 8/2008) có gần 200 làng nghề, khi nhập vào Hà Nội, các làng này vẫn tồn tại và như vậy, Hà Nội (cũ) đã được “ăn nhờ, thơm lây” từ các làng nghề này.
 
Hoặc ở trang 41, có Mục 3. Làng nghề thủ công của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay (1976 - 2013) là không chuẩn. Gần 40 năm này thuộc hai giai đoạn khác nhau của làng nghề, liên quan đến cơ chế quản lý: từ 1976 - 1986 là những năm thuộc cơ chế quan liêu bao cấp, làng nghề phát triển trong cơ chế quản lý của các hợp tác xã; còn từ 1987 trở đi, làng nghề phát triển trong cơ chế thị trường.
 
Hơn hết, đây còn được xem là một cuốn sách công cụ tra cứu, vậy nên các tư liệu đưa ra phải chuẩn xác, trong khi một số tư liệu các tác giả nêu ra ở đây lại có nhiều mâu thẫn. Ví dụ trang 24, ghi làng La Phù có nghề dệt lụa (thực tế trước đây chỉ có dệt vải khổ hẹp, đầu thế kỷ XX mới dệt len, không có dệt lụa). Trang 24 viết làng Bát Tràng hình thành cách đây trên 500 năm, song ở trang 32 lại viết là thế kỷ XIV, đến trang 197 lại viết làng hình thành thời Lý. Trang 133 viết xã Sơn Đồng hiện có 330 hộ, thu hút khoảng 4.500 nhân khẩu, làm việc trong 250 xưởng. Trang 113 trình bày về làng dệt La Khê. Đề nghị kiểm tra lại, vì La Khê hiện không còn duy trì nghề này. Trang 213 trình bày về làng tranh Kim Hoàng cần bỏ, vì nghề này đã mất 99 năm nay.
 
Không chỉ vậy bản thảo còn có nhiều từ dùng không chuẩn, như “biên giới của Thăng Long - Hà Nội” (tr. 7, 9); nhiều chỗ vẫn dùng cụm từ “tỉnh Hà Tây” cho hiện nay.
 
Ngoài những điều mà các tác giả chưa làm được, nội dung, kết cấu còn có những hạn chế, PGS.TS. Bùi Xuân Đính có đánh giá cao nhiệt huyết nghiên cứu và sự cố gắng của chủ biên cũng như nhóm tác giả thực hiện. Tin chắc rằng sau khi chỉnh sửa, bản thảo sẽ góp cho Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến một đầu sách hay, có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân Thủ đô.
 
Ngọc Khánh (tổng hợp)

Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá