“Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” Giúp tìm hiểu, phát huy những lợi thế của làng nghề
Sau khi đọc toàn bộ bản thảo, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ đã khái quát những ưu điểm ở nhiều mặt. Bản thảo thực hiện đã căn cứ theo tinh thần đề cương được phê duyệt để triển khai. Các tác giả đã thực hiện nghiêm túc, tích cực, đúng tiến độ và bảo đảm được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ mà đề tài đặt ra. Nội dung bản thảo đã giới thiệu được tổng quan chung với các yếu tố cơ bản hình thành các làng nghề; các khái niệm công cụ; hệ thống tiêu chí xác định làng nghề thủ công tiêu biểu. Bên cạnh đó, nội dung bản thảo đã trình bày được quá trình hình thành của làng nghề thủ công qua các thời kỳ lịch sử của Thăng Long - Hà Nội: Thời kỳ phong kiến; Thời kỳ thực dân Pháp đô hộ; Thời kỳ từ cách mạng tháng 8/1945 đến 2013. Cách trình bày và phân tích, nhìn chung đã bảo đảm được "tính khách quan của sự xem xét".
Ngoài ra, nội dung bản thảo còn giới thiệu Danh mục các làng nghề thủ công đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội cấp bằng công nhận; đồng thời giới thiệu và phân tích 45 làng nghề thủ công và 18 nghệ nhân tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. 45 làng nghề thủ công tiêu biểu và 18 nghệ nhân tiêu biểu đại diện cho 12 loại hình làng nghề nhìn chung đã phản ánh được diện mạo quá trình hình thành, phát triển của làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.
Ngoài những ưu điểm nêu trên, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ đưa ra một số góp ý và trao đổi với các tác giả để hoàn thiện và nâng cao chất lượng bản thảo. Dưới góc nhìn của mình, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ có đề xuất với các tác giả tên sách có cần thiết phải có chữ “thủ công” không? Còn Lời nói đầu cần gọn, cô đúc hơn.
Trong phần Tổng quan, tiểu mục 5: Sự phát triển của khoa học và công nghệ (trang 15), viết chỉ 5 dòng còn sơ sài, cần bổ sung.
Ở mục II: Các khái niệm về làng nghề. Trước hết cần phải nói rõ làng nghề là gì? Khái niệm này chưa rõ. Chỉ có một kết luận: Như vậy, làng nghề thủ công là một bộ phận của công nghiệp nông thôn (trang 17). Vấn đề đặt ra là: Trước khi chưa xuất hiện công nghiệp, đã có làng nghề thì giải thích như thế nào? Cũng cần làm rõ khái niệm làng nghề tiêu biểu và làng nghề tiêu biểu đương đại (vì tên sách là làng nghề tiêu biểu).
Về định hướng và giải pháp phát triển làng nghề thủ công của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015 – 2030, theo PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ thì ở mục I. Vài nét về tình hình kinh tế của đất nước hiện nay và những định hướng phát triển đến năm 2030 (tr. 46 - tr.49) cần gắn với làng nghề.
Còn với mục tiêu cụ thể và quy hoạch các ngành, làng nghề (tr.60 - tr.65). Những số liệu nêu trên cần nói rõ nguồn, hoặc nếu của tác giả thì cần luận chứng cơ sở khoa học cho các chỉ tiêu cụ thể.
Về những làng nghề thủ công tiêu biểu: Ở tiểu mục 7: Làng nghề nón, mũ lá, quạt và chẻ tăm hương (tr.174 - tr.183), song khi trình bày chỉ có làng nón và quạt, không thấy có mũ lá và chẻ tăm hương. Còn ở tiểu mục 12: Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, thuốc nam (tr.223 - tr.245), nên chăng cần tách nghề thuốc nam thành tiểu mục riêng. Nếu vì lý do gì đó, không tách được thì trình bày xong phần chế biến thực phẩm, rồi trình bày đến thuốc nam, không nên để thuốc nam vào giữa (làng nghề thuốc cổ truyền Ninh Giang, Ninh Hiệp; làng nghề truyền thống thuốc nam dân tộc Dao, Ba Vì, tr.234 - tr.242), sau đó lại nghề làm bánh đa nem…
Nói về sự mất cân đối trong dung lượng văn bản cũng như nội dung mà bản thảo đang có, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ có những góp ý hết sức thẳng thắn và yêu cầu các tác giả phải chỉnh sửa trước khi in thành sách. Theo ông không thể để kết cấu theo như hiện thời với việc, chương 1: Tổng quan: 19 trang; Chương 2: Quá trình hình thành: 20 trang; Chương 3: Định hướng và giải pháp: 25 trang; Chương 4: Những làng nghề tiêu biểu: 226 trang. PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ có nhắc nhở khi viết các làng nghề tiêu biểu cũng cần có sự cân đối. Có làng nghề 7,5 trang: nghề gốm (từ tr.195 - tr.203) nhưng cũng có làng chỉ 1/2 trang như nghề da giầy, cơ kim khí (trang 187, 188). Phó giáo sư Chí Mỳ có đề xuất các tác giả cân nhắc thêm, có thể tách chương 4 thành một phần độc lập không?
Ở đây, PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ cũng có nêu sự thiếu logic về nội dung và ông đề nghị các tác giả phải sửa. Ví dụ ở chương 3, cần sắp xếp lại để logic hơn, trang 56 trình bày phương hướng, trang 57 trình bày giải pháp, trang 59 lại trình bày quan điểm phát triển, trang 66 trình bày giải pháp thực hiện.... Ngoài sự thiếu logic ra, các tác giả còn cần phải rà soát chỉnh sửa những lỗi kỹ thuật của toàn bộ bản thảo.
PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ tin tưởng rằng bản thảo sau khi được chỉnh sửa để hoàn thiện và nâng cao chất lượng sẽ không chỉ là một cuốn sách hay mà còn có ý nghĩa lớn trong tìm hiểu, phát huy những lợi thế của làng nghề, ngành nghề thủ công ở Thăng Long – Hà Nội, góp phần vào phát triển kinh tế chung của Thủ đô.
Khánh Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội