Tìm hiểu, nghiên cứu về những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội - một vấn đề thiết yếu
Tham gia Hội đồng nghiệm thu bản thảo “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” do TS. Đinh Hạnh chủ biên, từ khi còn ở dạng đề cương PGS.TS. Chu Tiến Quang đã đưa ra những đánh giá, nhận xét và cả những góp ý xác đáng.
Về hình thức, kết cấu cuốn sách: Bản thảo đã không kết cấu theo 2 phần như kết luận của Hội đồng và như đề cương đã tiếp thu kết luận của Hội đồng mà thể hiện thành 4 chương và lời nói đầu. Trong đó 3 chương đầu bàn về các vấn đề liên quan đến cơ sở lý luận, thực trạng và giải pháp phát triển làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội; Chương 4 giới thiệu danh sách 289 làng nghề thuộc 14 nhóm ngành nghề; Danh sách 225 làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; Danh sách 289 làng nghề chia theo các huyện, quận; Giới thiệu một số nét khái quát về các làng nghề tiêu biểu thuộc 12 nhóm ngành nghề thủ công; Danh sách nghệ nhân tiêu biểu và chân dung một số nghệ nhân ở Thăng Long - Hà Nội có đến tháng 12/2013.
Theo đánh giá của PGS.TS. Chu Tiến Quang thì cơ bản kết cấu cuốn sách đã thể hiện được các nội dung theo kết luận của Hội đồng và đề cương ban đầu, có mở rộng thêm nội dung về nghệ nhân và chân dung một số nghệ nhân tiêu biểu là nhân tố quan trọng trong hình thành, phát triển các làng nghề thủ công tiêu biểu. Tuy nhiên một số vấn đề cần hoàn thiện là:
Thứ nhất. Dự thảo thiếu nội dung kết luận, kiến nghị hoặc những thông điệp cần gửi tới người đọc, làm cho người đọc cảm thấy có sự thiếu hụt sau khi gấp cuốn sách lại;
Thứ hai. Kết cấu thể hiện chưa hợp lý về số lượng trang, chữ cho mỗi chương, cụ thể như trên cho thấy các chương 1, 2 và 3 có số trang từ 18 đến 24 trang, nhưng chương 4 dài tới 225 trang, chiếm tới 76% dung lượng trang chữ của cuốn sách. Thể hiện các nội dung phân tích, đánh giá quá ngắn, nội dung giới thiệu các làng nghề thủ công tiêu biểu, ngành nghề tiêu biểu quá dài và không gắn kết với các nội dung phân tích ở 3 chương đầu;
Thứ ba. Một số nội dung không nên để ở phần chính mà nên chuyển xuống phụ lục để giảm tải số trang của phần chính và tạo ra tính hợp lý cho các chương, cụ thể là nội dung về các loại Danh mục làng nghề ở chương 4 nên chuyển xuống phụ lục, chỉ giữ lại nội dung về giới thiệu một số nét khái quát về các làng nghề thủ công tiêu biểu thuộc 12 nhóm ngành nghề thủ công và nội dung về chân dung các nghệ nhân tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội.
Thứ tư. Trong giới thiệu các làng nghề thủ công tiêu biểu và nghệ nhân tiêu biểu cần có phần giới thiệu tổng quát trước khi đi vào trình bày cụ thể từng làng nghề.
Sau 4 vấn đề đưa ra với mong muốn chủ biên và các tác giả tiếp thu, hoàn thiện bản thảo, PGS.TS. Chu Tiến Quang có góp ý cụ thể, trực tiếp vào từng nội dung chương mục của bản thảo.
* Về lời nói đầu: Trong 6 trang này, bản thảo đã trình bày một số nét về quá trình hình thành, phát triển Thăng Long - Hà Nội và đề cập sự hình thành, phát triển các làng nghề ở Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ và một vài giới thiệu về làng nghề hiện nay ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, dự thảo chưa luận giải rõ sự cần thiết của cuốn sách về làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội là gì và có ý nghĩa thế nào về lý luận, thực tiễn hiện nay. Theo tôi tác giả cần phân tích thêm sự cần thiết của cuốn sách về cung cấp các nhận thức mới về làng nghề tiểu biểu và quảng bá hình ảnh làng nghề tiêu biểu của Hà Nội trong và ngoài nước, đóng góp vào phong trào phát triển làng nghề trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay.
Đồng thời trong lời nói đầu nên trình bày rõ cách tiếp cận và phương pháp biên soạn cuốn sách, đã kế thừa các tài liệu, cứ liệu nào và những kết quả nghiên cứu nào của bản thân tác giả cũng như của người khác trong biên soạn cuốn sách này.
Theo PGS.TS. Chu Tiến Quang thì ở Lời nói đầu không cần đưa ra quá chi tiết các nội dung của cuốn sách, mà chỉ giới thiệu các nội dung chính, sự liên hệ khoa học giữa các nội dung và những điểm mới có giá trị mà cuốn sách đem tới cho người đọc.
* Chương 1: Tổng quan. Chương này trình bày 3 nội dung: các yếu tố cơ bản hình thành các làng nghề; các khái niệm về làng nghề; hệ thống tiêu chí xác định làng nghề thủ công tiêu biểu. Đây là những nội dung cơ bản của cơ sở lý luận về làng nghề, nhưng chưa đầy đủ và dung lượng của chương này có vẻ còn ngắn. Theo PGS.TS. Chu Tiến Quang nội dung và kết cấu của chương này nên sửa như sau:
- Tên chương nên chuyển thành “Một số vấn đề về lý luận, thực tiễn về làng nghề và làng nghề tiêu biểu”;
- Nội dung chương này sẽ bao gồm 4 vấn đề sau:
+ Các khái niệm về làng nghề và làng nghề thủ công tiêu biểu. Vì trong bản thảo đã trình bày các khái niệm về làng nghề nhưng chưa đề cập làng nghề thủ công tiêu biểu là gì?
+ Nội dung và các tiêu chí đánh giá phát triển làng nghề thủ công tiêu biểu. Bản thảo đã trình bày 9 tiêu chí đặc trưng dùng để nhận biết làng nghề thủ công tiêu biểu ở tr.24 - 25 nhưng chưa phải là tiêu chí đánh giá sự phát triển làng nghề thủ công tiêu biểu về số lượng, chất lượng, loại hình sản phẩm, và về các khía cạnh: kinh tế, xã hội, môi trường, chưa rõ tính tiêu biểu như thế nào?;
+ Các điều kiện và nhân tố ảnh hưởng tới hình thành, phát triển làng nghề thủ công tiêu biểu. Hiện tại bản thảo đã có nội dung về 6 yếu tố cơ bản hình thành các làng nghề, nhưng chưa rõ các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển làng nghề thủ công tiêu biểu, vì những nhân tố đã đề cập hầu hết là chung, vĩ mô, có chăng chỉ tiêu chí số 3 về vai trò của Tổ nhân và nghệ nhân là thể hiện tính cụ thể.
* Chương 2: Quá trình hình thành các làng nghề thủ công qua các thời kỳ lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Chương này trình bày phát triển làng nghề thủ công qua 3 thời kỳ lịch sử của Thăng Long - Hà Nội từ Phong kiến (1010 - 1888); thời kỳ Pháp đô hộ (1888 - 1945); thời kỳ sau Cách mạng tháng 8 (1945 - 2013). PGS.TS. Chu Tiến Quang có góp ý:
- Tên chương bổ sung cụm từ tiêu biểu sau từ thủ công để làm rõ vấn đề mà cuốn sách trình bày là làng nghề thủ công tiêu biểu.
- Các giai đoạn chỉ nên chia thành 2, đó là trước và sau cách mạng tháng 8 cho dễ viết và tập trung nhiều vào những năm gần đây thôi.
- Trong đó nên luận giải, làm rõ về: tính tiêu biểu của làng nghề thủ công ở Thăng Long - Hà Nội đã thể hiện theo các tiêu chí đưa ra ở chương 1 qua 2 giai đoạn của lịch sử phát triển như thế nào? PGS.TS. Chu Tiến Quang nhìn nhận bản thảo hiện tại mang tính kể chuyện, chưa nhận diện và nhấn mạnh tính tiêu biểu của các làng nghề thủ công ở Thăng Long - Hà Nội đã thể hiện như thế nào?; các chính sách, giải pháp của Hà Nội đã thực hiện trong những năm gần đây (2007 - 2013) để phát triển làng nghề thủ công tiêu biểu là gì và như thế nào? những thành công, hạn chế.
* Chương 3. Định hướng và giải pháp phát triển làng nghề thủ công của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015 - 2030. Chương này trình bày 3 nhóm nội dung về: tình hình kinh tế đất nước hiện tại và những định hướng phát triển đến năm 2030; thực trạng các làng nghề ở Hà Nội hiện nay; Định hướng và các giải pháp phát triển làng nghề. PGS.TS. Chu Tiến Quang đề xuất:
- Tên chương và các nhóm nội dung chính đều phải bổ sung cụm từ thủ công tiêu biểu để thể hiện đúng nội dung chính của cuốn sách;
- Nội dung thực trạng các làng nghề ở Hà Nội hiện nay là sơ sài và không phù hợp ở chương này, nên đưa lên chương 2, mục 3 trang 41 về giai đoạn (2007-2013);
- Nội dung về thuận lợi, khó khăn trong phát triển làng nghề thủ công tiêu biểu nhưng năm tới nên đưa lên đầu chương sau tình hình, bối cảnh kinh tế để tạo logic về điều kiện khách quan cho phát triển làng nghề thủ công tiêu biểu những năm tới ở Hà Nội;
- Mục 3 về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp (trang 55) nên chuyển thành Mục tiêu quan điểm, phương hướng và giải pháp phát triển làng nghề thủ công tiêu biểu ở Hà Nội đến năm 2013 và sắp xếp lại các nội dung cụ thể theo trật tự này.
- Trình bày các mục tiêu và định hướng phát triển nên đi theo hướng: kinh tế, xã hội, môi trường;
- Các giải pháp cũng thiết kế theo từng nhóm làng nghề thủ công tiêu biểu như đã trình bày ở quy hoạch phát triển các làng nghề này đồng thời nhấn mạnh giải pháp làm tăng thêm tính tiêu biểu của các làng nghề trong từng nhóm.
* Chương 4. Những làng nghề thủ công và nghệ nhân tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội có đến tháng 12/2013. Với nội dung của chương này, PGS.TS. Chu Tiến Quang cho rằng nên chuyển các danh mục tên làng nghề và tên nghệ nhân vào phụ lục. Cần tổng quan ngắn gọn tính tiêu biểu của các làng nghề thủ công ở từng nhóm đã đưa ra; Nội dung giới thiệu từng làng nghề thủ công tiêu biểu và nghệ nhân tiêu biểu nên tập trung nói rõ tính tiêu biểu theo các tiêu chí đã bàn tới ở chương 1 không dài dòng, xa đà vào những nội dung khác. Rút gọn số lượng chương này.
Ngoài những đánh giá, góp ý cụ thể như trên, theo PGS.TS. Chu Tiến Quang cuối mỗi chương các tác giả nên viết thêm nhận xét chung. Phó giáo sư Tiến Quang cho rằng bản thảo về những làng nghề thủ công tiêu biểu ở Thăng Long - Hà Nội đã có nội dung nhưng chưa kết nối chặt chẽ, kết cấu cần hợp lý giữa các chương. Sau khi khắc phục những hạn chế mà bản thảo đang gặp thì tin chắc sẽ là một cuốn sách hay, đáp ứng mong mỏi của đông đảo độc giả và các nhà nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội.
Ngọc Linh (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội