“Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” Với cách viết sử về làng nghề
Là thành viên của hội đồng nghiệm thu từ khi là bản thảo còn ở dạng đề cương, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo đã được nghe chủ biên dẫn luận dù có đến vài chục cuốn sách viết về làng nghề song các tác giả Đề tài “Những làng nghề thủ công tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” có cách tiếp cận khác không dẫm vào dấu chân những người đi trước, không theo lối đi cũ mà lựa chọn cách làm riêng đó là “Cách viết sử về làng nghề… Người viết nhấn vào sự hình thành và phát triển làng nghề qua quá trình lịch sử, qua các thời kỳ”. PGS.TS. Đỗ Thị Hảo đã nhận định cách tiếp cận này rất hay. Cùng nói về vấn đề cách tiếp cận khi triển khai thực hiện đề tài PGS.TS. Nguyễn Chí Mỳ, Chủ tịch Hội đồng đã nhận định đây cũng chính là viết sử về làng nghề tiêu biểu. Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội - PGS.TS. Đỗ Thị Hảo nghĩ rằng đây là một vấn đề hay nhưng rất khó bởi lẽ lịch sử hình thành của các làng nghề (cũng như lai lịch các tổ nghề) quá nhiều yếu tố dân gian cho nên chúng ta chỉ có thể xác định một cách tương đối.
Sau những nhận định, đánh giá về cách tiếp cận nghiên cứu đề tài cùng những phân tích về thuận lợi, khó khăn của chủ biên khi triển khai đề tài theo hướng viết sử về làng nghề, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo nhận định, đánh giá về kết cấu. Bản thảo “Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội” do TS. Đinh Hạnh chủ biên gồm 4 chương:
Chương I: Tổng quan.
Chương II: Quá trình hình thành các làng nghề thủ công qua các thời kỳ lịch sử của Thăng Long - Hà Nội
Chương III: Định hướng và giải pháp phát triển làng nghề của thủ đô Hà Nội giai đoạn (2015 - 2030).
Chương IV: Những làng nghề thủ công và nghệ nhân tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội có đến tháng 12 - 2013.
Là người nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu, là tác giả của nhiều cuốn sách, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo thấy rằng cách phân chương như thế này là hợp lý tránh được những vấn đề chồng chéo như trong đề cương cũ, tác giả đã trình bày ngày 20/6/2014 tại Nhà xuất bản Hà Nội gồm 2 phần, 6 chương.
Các thành viên trong hội đồng nghiệm thu bản thảo cũng như các nhà nghiên cứu khác đều kỳ vọng, bản thảo giúp người đọc hiểu biết được nhiều hơn về lịch sử những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Nhưng với những nội dung mà chủ biên đã thể hiện thì PGS.TS. Đỗ Thị Hảo tỏ ra đáng tiếc vì nội dung bản thảo còn khá sơ sài, thậm chí chưa bắt kịp những cuốn sách đã ra đời cách đây vài thập niên của các tác giả GS. Phan Gia Bền, PGS. Vũ Huy Phúc... Đặc biệt đối với chương 4 là chương chính của bản thảo, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo thấy cần phải trao đổi thêm một số ý kiến như sau:
- Nên đưa ra tiêu chí cụ thể để chọn và giới thiệu về làng nghề tiêu biểu, nghệ nhân tiêu biểu.
- Quy cách giới thiệu về làng nghề cần phải thống nhất. Thực tế cho thấy trong số 50 làng nghề được chọn và giới thiệu trong bản thảo thì có 5 làng nghề chỉ viết 1/2 trang (Làng nghề da giầy Giẽ Hạ, Giẽ Thượng, làng Đàn, nhạc cụ Đào Xá Ứng Hòa, làng làm Tương thị xã Sơn Tây, làng Cơ kim khí Phùng Xá Ứng Hòa). Hàng chục làng nghề chỉ được giới thiệu gọn trong 1 đến 1,5 trang v.v… Đây là chỉ nói về số trang viết, còn về nội dung nhìn chung là sơ sài. Điều này dẫn đến hậu quả hình ảnh và vị trí các làng nghề Thăng Long - Hà Nội bị hạ thấp, nhạt nhòa trong lòng người đọc.
- Trong chương IV nên đưa danh mục các làng nghề cũng như nghệ nhân vào phần phụ lục.
Bên cạnh đó trong bản thảo xuất hiện hơi nhiều những số liệu về vấn đề doanh thu, thuế, chỉ tiêu sắp tới từ 2015 - 2030… được lấy trên mạng hoặc các nghị quyết… Điều này khiến người đọc dễ liên tưởng đến những bản “Báo cáo” về kinh tế hơn là lịch sử hình thành cũng như các yếu tố văn hóa Thăng Long của các làng nghề. Từ thực tế này, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo đề xuất nên lấy tên đề tài là “Những làng nghề tiêu biểu của Hà Nội” thì phù hợp hơn. Cùng với đó để chất lượng của bản thảo được tốt hơn thì phần giới thiệu các làng nghề tiêu biểu nên viết kỹ hơn.
Cùng với các thành viên tham gia hội đồng nghiệm thu, PGS.TS. Đỗ Thị Hảo đã đưa ra những nhận xét, đánh giá về những mặt mạnh, những ưu điểm mà bản thảo đã đạt được thì còn đưa ra những mặt hạn chế cùng những đề xuất mong muốn chủ biên tiếp thu chỉnh sửa để chất lượng bản thảo được nâng cao và hoàn mỹ hơn khi đến tay bạn đọc. Tin tưởng rằng sự góp mặt của đề tài này khi thành sách không chỉ làm phong phú thêm, tạo diện mạo sâu sắc hơn về ngành nghề thủ công, làng nghề tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội mà còn nâng tầm văn hoá, văn hiến và sự phát triển của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Khánh Ngọc tổng hợp
Nhà xuất bản Hà Nội