Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ Đàng Ngoài thế kỷ XVII” Cùng với những giá trị đích thực
Thứ ba, 17/11/2015 04:47

Sau khi đọc bản thảo “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII”, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ ngoài những nhận định, đánh giá góp ý một cách cụ thể dưới góc độ người phản biện, còn ở góc độ của một nhà sử học ông khẳng định rằng đây là một bản thảo đề tài tốt với chất lượng cao, một công trình nghiên cứu có giá trị của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn, một nhà nghiên cứu uy tín có thẩm quyền về VOC và EIC nói riêng, mở rộng ra là về lịch sử kinh tế đối ngoại Việt Nam thời trung đại, đang có triển vọng tiến tới một chuyên gia lịch sử hàng đầu.

 
PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ chỉ ra rằng bản thảo này khác nhiều với cuốn sách “Tư liệu các Công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” cũng của PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn xuất bản năm 2010 và bản thảo cuốn sách “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Anh về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” mới được nghiệm thu vừa qua. Sự khác không phải chỉ là những danh mục tài liệu được tóm tắt hay trích dẫn toàn văn, cũng không chỉ là những bài tổng luận vài chục trang, mà là một chuyên khảo tập hợp nhiều nội dung được mở rộng và đào sâu, riêng phần chính văn tổng hợp đã chiếm tới 200 trang sách. PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ có đề xuất, nên chăng có thể đề nghị thay đổi tên cuốn sách cho phù hợp hơn với nội dung thực chất, thí dụ như: “Công ty Đông Ấn Hà Lan Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII qua tư liệu lưu trữ”?
 
Theo phân tích của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ: Qua những tư liệu gốc được sử dụng như những chứng cứ xác thực, bản thảo đã tường thuật khá tỉ mỉ quá trình kinh doanh trong suốt hơn 6 thập kỷ với đầy những biến cố thăng trầm của Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Thăng Long - Kẻ Chợ cùng những bước ngoặt, nút thắt đầy kịch tính. Kèm theo là việc phân tích những nguyên nhân và tác động sâu xa và trước mắt mang tính lịch đại trong phạm vi những toan tính và đấu tranh nội bộ trong Công ty, đồng thời trên bình diện mang tính đồng đại trong toàn khu vực Đông Á, với chiến lược tổng quát chung của Ban Lãnh đạo VOC ở Batavia cũng như những ảnh hưởng tương quan xuất phát từ những cơ sở thương điếm khác (như Nhật Bản, Đài Loan, Xiêm La). Điều đó giúp cho giới nghiên cứu có một cái nhìn toàn cảnh và chuyển động, sâu sắc hơn và chân thực hơn về tình hình các hoạt động mậu dịch đối ngoại của Đàng Ngoài với Hà Lan nói riêng và các nước phương Tây nói chung trong thời đoạn lịch sử này. Những trang lưu trữ của VOC cho ta thấy khá rõ động cơ, quy mô, thực chất của những hoạt động của thương điếm VOC ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài và những quyết định quan trọng ảnh hưởng tới Công ty của Ban lãnh đạo, có liên hệ chặt chẽ với chiến lược tổng quát và tình hình diễn biến trong mạng lưới thương điếm toàn vùng của VOC, có đại bản doanh đặt tại Batavia, Indonesia.
 
Vì vậy, đọc kỹ bản thảo cũng có thể giúp các nhà sử học nhìn nhận lại và chỉnh sửa một số nhận thức mang tính định kiến nhưng chưa chính xác trước đây về quy mô, chất lượng và tác động của nền mậu dịch đối ngoại này, hoặc quá đề cao hoặc quá hạ thấp vai trò và hoạt động của nó. Về phương pháp, những dữ liệu thông tin đã nói lên rằng muốn phân tích và đánh giá chính xác những sự kiện lịch sử, cần nên có một cái nhìn toàn cảnh tiếp cận nghiên cứu khu vực trong một chuỗi những cấu trúc hệ thống tương tác cũng như cần đến một tư duy phức hợp sử dụng cách xét đoán đa chiều.
 
Trước đây ở Việt Nam, khi nói đến việc nghiên cứu những tư liệu của VOC, chúng ta thường nhắc đến một số tên tuổi như nhà nữ lưu trữ học Đặng Phương Nghi, học giả Ch.B Maybon, đặc biệt là cuốn chuyên khảo kinh điển nổi tiếng của W.J.M. Buch đăng tải hai kỳ liền (1936 - 1937) trên BEFEO. Lẽ dĩ nhiên, tác giả Hoàng Anh Tuấn là kẻ hậu sinh, nhưng về một mặt nào đó mà nói, thì kẻ hậu sinh này có thể đã vượt qua được các vị tiền bối của mình.
 
Là một nhà nghiên cứu xuất sắc về Thăng Long – Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã chỉ ra điều mà tác giả Hoàng Anh Tuấn có ưu thế hơn, đó là đã sử dụng được vốn kiến thức vững chắc về lịch sử dân tộc của mình trong việc giải mã một số tình tiết khó giải thích. Thí dụ như Buch đã giải thích Ongsjatule Hoàng Nhân Dũng là Ông xã thơ lại và tước phong Theuw Balaw Quin Congh của chúa Trịnh Tráng phong cho Toàn quyền Batavia Carel Reniers là Chầu Bá lão Quận công. Trong khi đó, hai danh xưng tương ứng mà tác giả Hoàng Anh Tuấn ghi hơi khác là OngiatuleTheuuw Baeuw Quun Congh và đề nghị chuyển âm thành Ông già Tư lễ Thiếu bảo Quận công đã tỏ ra có phần hợp lý thuyết phục hơn. Có những chỗ, tác giả đã tham khảo từ nhiều cuốn sách khác nhau, nghiên cứu, khảo chứng rất tỉ mỉ, kỹ lưỡng để phân tích, xác minh chỉ một sự kiện chi tiết hay một tên gọi còn mập mờ chưa rõ.
 
Một điều mới khác theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đáng ghi nhận mà tác giả Hoàng Anh Tuấn đã vượt hơn các nhà nghiên cứu đi trước mình được thể hiện trong bản thảo này là chương VIII: “Công ty Hà Lan và xã hội Đàng Ngoài thế kỷ XVII”. Qua việc chắp nối những sự kiện được ghi chép lại, chúng ta phần nào thấy được rõ hơn bức tranh toàn cảnh của xã hội Đàng Ngoài dưới tác động của quá trình tiếp biến văn hóa - kinh tế bất cân xứng Đông - Tây lúc này và những hiệu ứng xã hội của nền kinh tế hàng hóa tiền tệ, nhất là trong môi trường đô thị Thăng Long - Kẻ Chợ, kể cả tích cực cũng như tiêu cực.  Chúng ta cũng sáng tỏ hơn về những động cơ chủ yếu của chính quyền Lê - Trịnh trong việc buôn bán trao đổi hàng hóa với người Hà Lan và phương Tây nói chung: tranh thủ kiếm tìm nguồn vũ khí và nguyên liệu chiến tranh phục vụ cho cuộc nội chiến Trịnh - Nguyễn, cũng như theo đuổi một chủ nghĩa trục lợi thực dụng của chính quyền trung ương qua các chính sách mua bán, thuế má, tặng biếu lễ vật cùng những âm mưu quỷ quyệt của các “nhóm lợi ích mafia” thời trung đại giữa một số thành viên người nhà phủ Chúa (như những thế tử), nhóm môi giới nước ngoài (chủ yếu là người Nhật Bản và Trung Hoa, tiêu biểu là Nhật kiều Resimon tức Di tá vệ môn) cùng giới hoạn quan phụ trách hải quan tham nhũng, điển hình là viên giám quan đầy quyền uy Tư lễ Hoàng Nhân Dũng.
 
Dù chỉ mới ở một dung lượng khiêm tốn (37 trang) và có thể còn khai thác bổ sung thêm, nhưng đó vẫn là một cố gắng rất đáng khích lệ trong việc tận dụng những nguồn tư liệu đương thời nước ngoài để làm cho lịch sử dân tộc phong phú hơn, trung thực hơn, nhiều chiều kích màu sắc hơn và sống động hơn. Bản thảo còn được minh họa bổ sung bằng nhiều Phụ lục tỉ mỉ chi tiết bổ ích, những tư liệu lưu trữ gốc chụp lại nguyên bản, đặc biệt là hệ thống phong phú các sơ đồ, bảng biểu thống kê, so sánh được nghiên cứu, xây dựng và thể hiện rất khoa học, công phu, biểu đạt tính hiện đại trong phương pháp luận của công trình. Có những tư liệu quý hiếm như toàn văn bản dịch bức thư của chúa Trịnh Căn gửi Toàn quyền Batavia đầu năm 1700 về việc VOC quyết định đóng cửa thương điếm, với những quan điểm, luận cứ và chiến lược chiến thuật ngoại giao rất đáng đi sâu tìm hiểu phân tích để nhận diện chính xác về chính quyền Thăng Long và xã hội Đại Việt trong một thời đoạn lịch sử đầy biến động và nghịch lý.
 
Là người dành tâm huyết cả đời mình cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế - văn hoá - xã hội, công trình “Thăng Long – Hà Nội thế kỉ XVII – XVIII – XIX” của PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ được Giải thưởng Nhà nước, sau khi đọc bản thảo, ông bày tỏ sự tin tưởng bản thảo khi ra sách chắc chắn sẽ là một tư liệu rất bổ ích cho giới học thuật, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh và nhất là những nhà nghiên cứu chuyên sâu, cũng như dùng để tham khảo cho giới quản lý kinh tế, ngoại giao và những nhà hoạch định chính sách trong thời hội nhập quốc tế toàn cầu hóa.

(Tổng hợp theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ)
 
Linh Chi
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tin cùng chuyên mục
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá