“Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ Đàng Ngoài thế kỷ XVII” dưới góc nhìn phản biện
Theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thì bản thảo “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” là một công trình nghiên cứu biên soạn công phu với những dữ liệu thông tin uyên bác, một phương pháp tiếp cận hiện đại và những luận cứ phân tích cặn kẽ, mang tính khoa học vững chắc. Tuy nhiên, từ góc nhìn đa diện của một nhà khoa học phản biện đề tài, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ vẫn thấy bản thảo còn có những sai sót, hạn chế nhất định. Sau đây là tổng hợp những góp ý của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ với bản thảo này.
Ngoài những nhận xét phản biện đã được ghi trực tiếp vào bản thảo, trên các trang đánh số 18, 33, 38, 46, 48, 52, 74, 80, 82, 83, 88, 95, 96, 112, 115, 118, 129, 133, 158, 163, 171, 188, 199, 209, 223, 224, 225, 227, 230, 260, 338; ngoài một số lỗi chi tiết sơ xuất về kỹ thuật vi tính, chính tả, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ mong muốn chủ biên cùng nhóm cộng sự có thể lưu ý tới những nhận xét sau đây:
Về cấu trúc và luận cứ bản thảo: Bên cạnh cấu trúc tổng thể bản thảo nhìn chung hợp lý, tác giả nên giảm bớt hoặc rút gọn những đoạn nói về quan hệ giữa VOC với Đàng Trong (ở chương II và nhiều mục trong chương III) để tránh việc đi quá xa chủ đề (Kẻ Chợ - Đàng Ngoài). Việc so sánh chính sách ngoại thương giữa hai chính quyền Đàng Trong của chúa Nguyễn và Đàng Ngoài của chúa Trịnh với nhận định Đàng Ngoài có “tầm nhìn phóng khoáng hơn về kinh tế, cởi mở hơn trong giao thương với các cộng đồng thương nhân ngoại quốc” (tr.260) có lẽ cũng nên xem xét lại, vì có thực đúng như vậy không?
Về vấn đề trụ sở và hoạt động của Công ty VOC ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài
Có thể nên đi sâu và thảo luận một số câu hỏi đặt ra: Quá trình thành lập “thương điếm” Kẻ Chợ diễn ra như thế nào? Thời gian và địa điểm cụ thể? Có một chi điếm VOC ở Phố Hiến không? Nguyên nhân và diễn biến những lần di chuyển và xây dựng mới? Đây có thể là vấn đề lớn nhất nên tập trung để khảo sát, vì vậy sẽ được bổ sung thêm một số thông tin bổ trợ.
Trước hết, nên xem xét lại việc dùng thuật ngữ “thương điếm” (comptoir) trong các tư liệu chính thức. Trong chuyên luận của Buch, từ comptoir chỉ dùng cho thương điếm VOC ở Hội An (đóng cửa năm 1638?), còn ở Đàng Ngoài, chỉ dùng cụm từ la loge de la Compagnie à Kẻ Chợ (trụ sở của Công ty ở Kẻ Chợ). Và vậy thì có một chi điếm VOC ở Phố Hiến không?
Về vấn đề này, Nhật ký tàu Grol (1637) không cung cấp cho chúng ta thông tin gì. Nhưng G. Dumoutier, trong bài khảo cứu Les comptoirs Hollandais…lại cho biết năm 1637, người Hà Lan không được phép lập thương điếm ở Kẻ Chợ, mà phải dời xuống Phố Hiến (tr.223), tuy không dẫn nguồn xuất xứ thư tịch nào. Những khảo sát khảo cổ học của ông cũng chỉ chứng minh được rằng ở đó có một cơ sở buôn bán của người phương Tây. Hoặc như ông cũng có thể nhầm lẫn khi viết rằng tháng 2/1700, tàu Cauw đã chở toàn bộ nhân viên thương điếm vĩnh viễn rời khỏi Phố Hiến (tr.225), trong khi lưu trữ VOC lại xác minh rằng tàu đó rời khỏi Kẻ Chợ. Vậy rất có thể Dumoutier đã lầm thương điếm Phố Hiến của người Anh (mà các tư liệu lưu trữ đã xác minh rất rõ) để cho rằng đó là của Hà Lan chăng?
Charles-B. Maybon, trong 2 tác phẩm của mình là Les marchands ropéens… (tr.11) và Histoire mderne… (tr.59), cũng cho là lúc ban đầu có một thương điếm Hà Lan ở Phố Hiến, nhiều khả năng là chỉ dựa vào tư liệu của Dumoutier. Tác giả Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng “trong những năm đầu, người Hà Lan được phủ Chúa yêu cầu tạm cư dưới Phố Hiến” nhưng cũng không chứng minh được thông qua một văn bản tư liệu lưu trữ bất kỳ nào. Riêng chuyên luận của Buch, xuất hiện sau bài khảo cứu của Dumoutier gần nửa thế kỷ, đã không có một dòng nào ghi về việc người Hà Lan ở Phố Hiến.
Tuy nhiên, ở đây có một đầu mối đáng ngờ. Buch viết: “[Năm 1638] Những đại diện Công ty muốn có được những quan hệ giao dịch buôn bán không chỉ ở Kẻ Chợ mà còn ở những địa điểm khác trong xứ Đàng Ngoài” (I, tr.164). Sau đó, Buch nói nhiều đến việc những nhân viên VOC như Pieter Jacobszoon, Nachtegal, Daniel Reinierszoon (1638), rồi Jan de Waert, Pieter Bijleveld (1639) đến mua mặt hàng tơ sống và lụa với số lượng lớn (hàng trăm tạ tơ và nhiều ngàn tấm lụa) ở một địa phương bên sông Hồng có tên là Zenefay. Buch suy đoán Zenefay là Yên Báy và Hoàng Anh Tuấn cũng đồng ý như vậy (tr.158).
Vậy Zenefay có thể là Yên Bái không? Chắc chắn là không có khả năng đó. Tên gọi Yên Báy (Yên Bái) chỉ xuất hiện khi thành lập tỉnh này từ năm 1900, trong thời Pháp thuộc. Trước đó nó là phủ Quy Hóa thuộc trấn Tuyên Quang rồi tỉnh Hưng Hóa. Hơn nữa, thực tế đã không có cơ sở nào sản xuất hoặc buôn bán tơ lụa ở đây. Mặt khác, theo Buch, năm 1638, phái bộ mua tơ ở Zenefay đã mang hàng tơ lụa ra chất lên tàu Zandvoort lúc đó đang bỏ neo tại đảo Hải Tặc ngoài vịnh Bắc Bộ, và đến năm 1639 là tàu Rijp (tr.166). Phải chăng Zenefay chính là tên mà người Hà Lan lúc đó đặt cho Phố Hiến. Tuy nhiên, chúng ta không thể chứng minh được một sự gần gũi nào giữa hai từ ngữ này, và cũng chỉ nên đặt vào diện tồn nghi. Mặt khác, nếu có nhiều khả năng là người Hà Lan đã cất hàng tơ lụa ở đây thì Phố Hiến cũng chỉ là một địa điểm thu gom chứ ít có khả năng là một thương điếm như trong trường hợp của người Anh. Hy vọng rằng lần theo những manh mối này, tác giả Hoàng Anh Tuấn một lần nữa sẽ lục lọi kỹ hơn trong đống tư liệu ngổn ngang của mình để may ra có thể làm sáng tỏ thêm những điều nghi vấn.
Từ vấn đề Phố Hiến, liên quan đến vấn đề trụ sở VOC ở Kẻ Chợ. Dựa vào tư liệu lưu trữ, tác giả có thể bổ sung, tường thuật kỹ hơn những chi tiết về thời gian, địa điểm của quá trình thiết lập, xây dựng trụ sở VOC ở Kẻ Chợ cùng sự biến đổi, di dời của trụ sở đó qua thời gian hoạt động. Buch đã cung cấp cho chúng ta những nét cơ bản sau đây: Trang 164 (I): “[1638] - Cho đến lúc này, những nhân viên Công ty không ở gần tàu, đã tìm chỗ ở tại các nhà của dân bản xứ. Nhưng vào giữa tháng ba, họ đã thu xếp được một ngôi nhà tranh cho chỗ ở của 24 người. Tuy nhiên, nhà ở này cũng rất bất tiện, đến nỗi họ phải xin phép các quan capados cho xây dựng một ngôi nhà mới. Chẳng bao lâu nhà mới dựng xong và họ có thể đến cư trú vào ngày 14/4/1638”. Trang 171 (I): “Ngày 2/1/1642, Jacob van Liesvelt đến trụ sở Công ty ở Kẻ Chợ”. Trang 179 (I): “Ngày 10/6/1642, van Linga đến trụ sở Công ty ở Kẻ Chợ”. Trang 122 (II): [Tháng 4/1645]: “Trong sự kiện bạo loạn ở kinh thành [vụ loạn Trịnh Lịch, Trịnh Sầm], những người Hà Lan rất lo lắng. Họ không lẩn trốn xuống dưới tàu mà ở lại để canh giữ trụ sở”. Trang 128 (II): Ngày 22/1/1649, Philips Schillemans đến Đàng Ngoài… Ông thấy trụ sở Công ty bị phá hủy hoàn toàn, vì thế tử cần lấy địa điểm nơi trụ sở đã xây dựng làm bãi đất trường bắn. Người ta chỉ định một nơi khác để có thể xây dựng một trụ sở mới”.
Tác giả Hoàng Anh Tuấn cho rằng địa điểm lúc đầu của thương điếm mà đến năm 1649 phải di dời thì thực sự không biết ở đâu. Nhưng nếu xét kỹ những tư liệu lịch sử, ta thấy khu bãi đất ven sông Hồng ngoài ô Tây Luông (tức ô Tràng Tiền sau này), quãng đường Bạch Đằng qua Viện Bảo tàng Lịch sử ngày nay thời Lê - Trịnh đã từng được dùng làm “Diễn Vũ trường” thao luyện quân sĩ. Thời Nguyễn, ở khu vực này là địa bàn của thôn Cựu Kho súng. Nhiều khả năng đó chính là địa điểm của VOC trước 1649. Còn trụ sở mới của VOC được xây kiên cố bằng gạch đá ở phía Bắc cửa sông Tô Lịch, gần thương điếm Anh sau này, quãng phố Chợ Gạo ngày nay, đã được vẽ lại trong bức tranh của S. Baron, như mọi người đều biết.
Năm 1650, với lý do để bảo vệ kinh thành, nhà nước Lê - Trịnh đã ra lệnh ngăn chặn các tàu buôn ngoại quốc đến kinh đô Kẻ Chợ. Theo đó, các nhân viên tàu thuyền người nước ngoài đều không được trực tiếp đến Thăng Long - Kẻ Chợ, mà chỉ được phép trú ngụ tại hai địa điểm phía Nam là Thanh Trì và Khuyến Lương (theo Deloustal dẫn “Thiện chính thư”). Buch viết: Trang 131 (II): “Nhà Chúa dán một cáo thị buộc các người nước ngoài phải cư trú tại một nơi với một khoảng cách về phía Nam kinh thành, ở địa điểm do chính Chúa chỉ định. Tuy nhiên, Keijer đã thành công để tạm thời vẫn được ở lại trụ sở cũ, viện cớ rằng sự dời chuyển nhà của trụ sở sẽ rất tốn kém”.
Tác giả Hoàng Anh Tuấn phân tích thêm rằng “khu vực phía Nam” đó là vùng ảnh hưởng do hoạn quan Hoàng Nhân Dũng kiểm soát. Và sau chuyến thăm tế nhị đến Kẻ Chợ năm 1651 của đặc sứ Verstegen làm hài lòng Chúa và nhất là sau vụ Hoàng Nhân Dũng bị xử tử (1652), việc di chuyển thương điếm VOC không còn được nhắc bàn đến nữa.
Cũng có thể nên khắc họa thêm 2 gương mặt đặc biệt giúp đỡ VOC: Ourou-San và Raphael Rhodes. Ourou-San được nói tới trong nhiều tư liệu, là một nữ phiên dịch/người môi giới (có thể là một cung tần?) đắc lực giữa vua Lê chúa Trịnh và VOC trong các vụ giao dịch làm ăn. Raphael Rhodes ít người biết hơn, vốn là người Đàng Trong, quê Quảng Nam đã được giáo sĩ Alexandre de Rhodes rửa tội, cải đạo Thiên chúa và đặt tên Âu theo họ của mình từ năm 13 tuổi. Cậu bé đã có nhiều công trợ giúp vị giáo sĩ học tiếng Việt đến mức thành thạo. Sau đó Raphael trở thành linh mục và sang Lào giảng đạo. Sau nữa khi không còn là thầy tu nữa, ông đến Đàng Ngoài trở thành một phú thương mở cửa hiệu ở Kẻ Chợ, làm mại biện/người phiên dịch phát ngôn cho VOC. Năm 1666, Khi giáo sĩ Pháp Deydier đến Kẻ Chợ, Raphael đã giúp giáo sĩ này làm phiên dịch và cung cấp cho một chiếc thuyền để đi lại (Relations des Missions.., 1674, tr.173, Đỗ Quang Chính, Lịch sử chữ Quốc ngữ, tr.109 - 111).
Về vấn đề các hoạt động buôn bán xuất nhập khẩu các mặt hàng hóa
Về phía VOC, bản thảo nói rất kỹ. Nên bổ sung thêm: Tơ lụa: Đặc điểm từng mặt hàng: tơ sống, tơ đã chuốt, các loại lụa tấm. Nơi sản xuất. Quy trình chế tác và giao dịch mua bán. Xạ hương: Là sản phẩm gì? (nhiều người không biết). Nguồn gốc động vật (hươu xạ) hay thực vật (cây cỏ xạ)? Công dụng giá trị? Nơi khai thác và quá trình thu gom mua bán. Vàng: Nơi khai thác (dựa vào sử liệu Việt Nam, nêu tên một vài mỏ vàng cụ thể) và chế độ, quy trình khai thác. Giao dịch vàng thô hay vàng tinh? Gốm sứ: Mua bán xuất khẩu với các lò gốm nào? (Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu), loại gốm nào, thô hay tinh? Xuất khẩu đi đâu, loại hình sản phẩm nào?
Về vấn đề giải thích và sử dụng các thuật ngữ chuyên môn: Theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thì chủ biên và các tác giả vẫn nên có một bảng tra cứu riêng cho cuốn sách về các thuật ngữ chuyên môn, nhất là nên giải thích, so sánh và thống nhất sử dụng các tên gọi đơn vị đo lường. Thí dụ như trong bản thảo, tác giả dùng cả hai tên gọi đồng tiền guilder và florin (fl), nhưng có thể nhiều độc giả không biết rằng đó chỉ là một loại tiền, với tên gọi khác nhau theo tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Cũng vậy, hai đơn vị đo lường picul và picol dùng trong bản thảo, cũng là để chỉ cùng một đơn vị trọng lượng là tạ ta (60kg)…
Ngoài các vấn đề cụ thê nêu trên, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ có những góp ý thêm như trong vụ đắm tàu Grootebroek ở Paracels năm 1634, tác giả ghi là có 13 nhân viên sống sót (tr.33)? Nhưng Buch viết: “Thuyền trưởng Huijch Jansen dẫn 12 người trong một chiếc thuyền cặp được tới bờ biển xứ Annam” (I, tr.135). Năm 1651, chúa Trịnh Tráng trao tặng Toàn quyền Carel Reniers một “đĩa vàng” có khảm tước hiệu (tr.88)? Nên chăng ta dùng từ “kim bài” (plaque d’or) cho chính xác hơn (Buch II, tr.135). Đó là một tấm bảng thẻ bài nhỏ, không phải là một cái đĩa.Về số lượng nhân viên Công ty, tác giả nói là có 9 người, tuy tài liệu của Buch nói năm 1638, có đến 24 nhân viên cùng ở trong một nhà? Có thể là có 9 quan chức (nhân viên chính thức), không kể số người phục vụ chăng?
Vì là dịch thuật nên đòi hỏi ngoài dịch chính xác còn phải mạch lạc, dễ hiểu, ngôn ngữ thể hiện phải thuần Việt. Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thì những thiếu sót, hạn chế này không phải là những vấn đề lớn, sau khi chỉnh sửa bản thảo sẽ đạt chất lượng tốt hơn, hoàn mỹ hơn khi đến tay bạn đọc.
(Tổng hợp theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ)
Ngọc Khánh
Nhà xuất bản Hà Nội