Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
“Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ Đàng Ngoài thế kỷ XVII”- Một chuyên khảo có tính khoa học cao
Thứ ba, 17/11/2015 05:13

Sau khi đọc bản thảo “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” do PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn chủ biên, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng đã đưa ra nhận định đây là một chuyên khảo có tính khoa học cao, thông tin có độ tin cậy bởi thông tin lịch sử được khai thác trong khối tư liệu gốc của Công ty Đông Ấn Hà Lan. Hơn nữa, trên cơ sở khối tư liệu phong phú về nội dung, phức tạp về ngôn ngữ (tiếng Hà Lan cổ), PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn đã xem xét sự hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan tại Kẻ Chợ - Đàng Ngoài qua 7 vấn đề theo 7 chương trong chuyên khảo. Hoạt động này được tác giả tiếp cận theo logic lộ trình quan hệ Hà Lan với Đàng Trong rồi Đàng Ngoài, trong đó, qua tư liệu đã làm rõ những bước thăng trầm của mối quan hệ này.

 
Đặc biệt, tác giả dành chương V trình bày về hoạt động nhập khẩu và hai chương VI, VII giới thiệu về hoạt động xuất khẩu những hàng hóa của Đàng Ngoài, trong đó dành riêng một chương VI trình bày về xuất khẩu tơ lụa sang Nhật Bản. Qua đó nói lên tơ lụa Đàng Ngoài là một thương phẩm có thương hiệu trong giao thương quốc tế ngay từ nửa đầu thế kỷ XVII.
 
Tác giả dành chương VIII trình bày Công ty Đông Ấn Hà Lan và xã hội Đàng Ngoài được phản ánh qua các khía cạnh: Quan hệ giới và kinh tế; Mậu dịch và kinh tế hàng hóa và nhân tố Hà Lan trong cục diện Trịnh - Nguyễn phân tranh.
 
Toàn bộ nội dung trên của chuyên khảo được trình bày trong 267 trang chính văn. Ngoài ra, còn có danh mục tài liệu trích dẫn, phụ lục, bảng chú dẫn với 323 trang (tổng cộng 590 trang). Với dung lượng 7 chương, chuyên khảo đã cung cấp bức tranh hoạt động thăng, trầm của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài và vai trò của Công ty góp phần thúc đẩy giao thương Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII, nhất nhà xuất khẩu tơ lụa.
 
PGS.TS. Phạm Xuân Hằng còn nhận định đây không phải là công trình biên dịch giới thiệu khối tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan ở Kẻ Chợ - Đàng Ngoài, mà trên cơ sơ khối tư liệu này, tác giả biện soạn chuyên khảo về quá trình hoạt động của Công ty trên đất Thăng Long. Vì thế, không thể gọi tên công trình là “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ Đàng Ngoài thế kỷ XVII”, mà thực chất là hoạt động của Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ Đàng Ngoài thế kỷ XVII.
 
Là một nhà sử học và cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều đầu sách có giá trị khoa học và thực tiễn cao, PGS.TS. Phạm Xuân Hằng khẳng định bản thảo “Tuyển tập tư liệu Công ty Đông Ấn Hà Lan về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII” khi ra sách sẽ không chỉ có ích cho giới nghiên cứu lịch sử giao thương của Thăng Long thế kỷ XVII, mà còn cho thấy thương nhân Hà Lan nói riêng, thương nhân ngoại quốc nói chung đã thâm nhập văn hóa Đàng Ngoài như thế nào.

 
(Tổng hợp theo ý kiến nhận xét của PGS.TS. Phạm Xuân Hằng)
 
Khánh Chi
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá