Tản văn xứ Đoài: Tiếp nối mạch nguồn ký - tản văn về Thăng Long - Hà Nội
Với tư cách là Ủy viên Hội đồng nghiệm thu, PGS.TS. Hà Văn Đức đã nghiên cứu khá kỹ bản thảo hơn 1400 trang và có những nhận xét, góp ý cụ thể.
Nhà nghiên cứu này ghi nhận những ưu điểm nổi bật của công trình. Ông đánh giá đây là tuyển tập được biên soạn công phu, nghiêm túc với số lượng tác giả, tác phẩm được tuyển chọn hết sức phong phú. Các tư liệu đều có nguồn xuất xứ rõ ràng. Dung lượng bản thảo lớn cho thấy sự cố gắng của nhóm biên soạn và quy mô của đề tài. Tuyển tập đã giới thiệu được những gương mặt tác giả, tác phẩm tiêu biểu nhất của văn xuôi xứ Đoài qua các thời kỳ văn học từ trung đại cho đến đương đại. Lời giới thiệu tuyển tập được viết ngắn gọn, hàm súc, bao hàm một nội dung khá đầy đủ về mảnh đất, văn hoá và văn chương xứ Đoài. Về tên gọi, tên dự định ban đầu của đề tài là Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội, nhưng ở bản thảo lần này được đổi lại là Tản văn xứ Đoài. Việc đổi tên như vậy theo PGS.TS. Hà Văn Đức là hợp lý, vừa đúng về mặt địa danh, vừa tránh được sự nôm na trong câu chữ.
Tuy nhiên để bản thảo hoàn thiện hơn, PGS.TS. Hà Văn Đức cũng đưa ra một số góp ý, đề xuất với nhóm biên soạn.
Về kết cấu, công trình gồm 2 phần: Phần I gồm các tác giả, tác phẩm được tuyển chọn từ thời kỳ trung đại đến hết thế kỷ XIX; Phần II gồm các tác giả, tác phẩm trong thời cận đại và đương đại (tính từ năm 1900 trở đi cho đến năm 2010). Ở phần I các tác giả, tác phẩm được sắp xếp theo niên đại. Ở phần II được chia thành 2 giai đoạn: Từ 1900 - 1945 vẫn được xếp theo niên đại như phần I, nhưng từ 1945 - 2010 thì các tác giả, tác phẩm được xếp theo thứ tự ABC. Cách phân kỳ hai phần như vậy theo Phó giáo sư Đức là rõ ràng và hợp lý. Nhưng ở phần II việc chia ra 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (1900 - 1945) sắp xếp theo niên đại, và giai đoạn 2 (1945 - 2010) theo thứ tự ABC sẽ bất cập và không thống nhất. Theo ông Đức, ở phần 2 nên sắp xếp tất cả theo ABC thì hợp lý hơn.
Ở giai đoạn I, các sách được biên soạn với tiêu chí thể loại khá rõ ràng, như: tiểu thuyết, truyện ngắn, ký - tản văn, thơ… Ở công trình này, tên gọi cũng đã xác định rõ tiêu chí thể loại là Tản văn, thế nhưng khái niệm tản văn được mở khá rộng (điều này được thể hiện ngay ở phần Lời giới thiệu). Chính vì vậy mà đặc trưng thể loại tản văn có phần bị nhoè mờ. Theo PGS.TS. Hà Văn Đức với công trình này, vẫn cần phải nhấn mạnh đặc trưng thể loại ký - tản văn.
Nhà nghiên cứu văn học này cho rằng chính vì xuất phát từ một quan niệm rộng vể thể tản văn như vậy, nên ở phần tuyển chọn có những tác phẩm được giới thiệu khiến người đọc không khỏi băn khoăn, như ở phần Trung đại: Thư trả lời Phương Chính, Thư trả lời bọn Tống binh Vương Thông, Thái giám Sơn Thọ (trích Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi), hay Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái… Ở phần văn học hiện đại cũng có những tác phẩm đưa vào chưa thật thuyết phục về mặt thể loại, như: Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh, Khu vườn có ma của Tạ Bảo, Chiều muộn của Đỗ Bảo Châu, Con thú bị ruồng bỏ của Nguyễn Dậu, Ván cờ trong vườn quýt của Hà Nguyên Huyến v.v…
Ngoài ra ông cũng nhấn mạnh thêm phần tuyển chọn tác phẩm cũng cần lưu ý tính đặc sắc, tiêu biểu về mặt nghệ thuật. Có những tác phẩm được chọn tính nghệ thuật chưa cao (như Người chị bạn của Mai Anh; hay Có một tổ ấm - mẹ hiền của Quý Tháp…). Với vấn đề này yêu cầu nhóm soạn giả cần phải có sự rà soát, thẩm định khắt khe hơn để đảm bảo được chất lượng của mỗi tác phẩm được lựa chọn.
Về cơ bản, PGS.TS. Hà Văn Đức đánh giá bản thảo Tản văn xứ Đoài được biên soạn công phu, nghiêm túc, sau khi rà soát, chỉnh sửa lại theo góp ý của Hội đồng thẩm định, có thể đưa in và phổ biến rộng rãi.
Theo nhận xét của PGS.TS. Hà Văn Đức - Phản biện
Minh An (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội