Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một bộ sách quy mô nhất, hệ thống nhất về thành tựu văn chương xứ Đoài trong lịch sử
Thứ năm, 19/11/2015 09:51

Tham gia Hội đồng với tư cách phản biện, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành đã có bản nhận xét kỹ lưỡng, công phu trên tinh thần góp ý khoa học và thiện chí về cuốn sách Tản văn xứ Đoài.

 
Trước hết, ông nhận định đây là một công trình tuyển chọn công phu, đồ sộ và có ý nghĩa lịch sử văn hóa về một vùng đất khá rộng lớn, mà trước đây vốn thuộc vùng phụ cận của Hà Nội. Phó giáo sư Nguyễn Bá Thành đánh giá cao sự cố gắng sưu tầm, tuyển chọn và sắp xếp của các tác giả tham gia thực hiện công trình này và khẳng định đây sẽ là một bộ sách quy mô nhất, hệ thống nhất về thành tựu văn chương xứ Đoài trong lịch sử. Đó cũng chính là ý nghĩa thực tiễn của công trình này.
 
Tên gọi của tuyển tập lúc đầu dự kiến là “Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội”. Nay đã thay đổi là Tản văn xứ Đoài. Việc giản lược này theo nhà nghiên cứu này làm giảm bớt tính giới hạn của đề tài, và bớt đi cả tính văn hoa của một công trình có tính khoa học, hơn nữa nó cho phép mở rộng linh hoạt hơn đến nhiều vấn đề, và cả nhiều vùng khác, miễn là của tác giả xứ Đoài.
 
Cũng như nhiều ý kiến khác của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Bá Thành tập trung vào vấn đề xác định khái niệm thể loại gọi là “Tản văn”, và địa danh “Xứ Đoài” cho thật rõ và thích hợp với đối tượng được tuyển chọn.
 
Quan niệm của người biên soạn về Tản văn trong công trình này là toàn bộ các thể loại của văn xuôi. Theo Phó giáo sư Nguyễn Bá Thành, quan niệm tản văn như vậy không còn là một thể loại mà là một tập hợp thể loại, gần như toàn bộ văn xuôi, trừ tiểu thuyết, truyện dài. Còn khái niệm “Xứ Đoài” được xác định là: “thuộc trấn Sơn Tây và một phần trấn Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ xưa kia - lan một phần sang cả đất Hòa Bình và Hà Nam; mà thành cổ Sơn Tây chính là thị tứ trung tâm của cả vùng đất cổ này” (tr.4). Như vậy, quan niệm về xứ Đoài cũng lại vượt ra khỏi truyền thống. Với cách quan niệm xứ Đoài rộng lớn như vậy, lại thêm quan niệm tản văn là tập hợp thể loại như trên, cho nên tuyển tập đã có một đối tượng tuyển chọn vô cùng rộng lớn.
 
Trong lời dẫn của tuyển tập, nhà thơ Bằng Việt đã nhấn mạnh một đặc trưng của thể loại tản văn là: “tác phẩm không xuất phát từ hư cấu, thể hiện được chủ kiến hoặc cái tôi của người trực tiếp tham dự hoặc mục kích sự việc hay con người là đối tượng miêu tả” (Lời giới thiệu, tr.3). Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành cho rằng nhìn chung, thể loại được lựa chọn là không thuần túy tản văn theo nghĩa là các loại tác phẩm ký sự, tiểu luận, ít hư cấu. Thực tế trong tuyển tập chiếm dung lượng lớn là các loại truyện ký, ít nhiều vẫn mang tính hư cấu, tưởng tượng, trong đó có rất nhiều các tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn (chẳng hạn các tác giả Trần Đăng, Bùi Huy Phồn, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Hải…). Nhìn tổng thể, có thể gọi đây là tuyển tập văn xuôi xứ Đoài, không bao hàm các tiểu thuyết trường thiên. Do vậy, chữ tản văn chỉ còn ý nghĩa tương đối.
 
Xuất phát từ đó, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành cho rằng cần lưu ý sự thống nhất, nhất quán về việc ghi tên thể loại cho các tác phẩm được trích dẫn, nếu không sẽ xảy ra tình trạng thiếu nhất quán giữa nhan đề, giới thuyết và tuyển chọn. Bởi vì, tên gọi tuyển tập là Tản văn, trong lời dẫn ghi là quan niệm tản văn là tất cả các loại sáng tác văn xuôi, trừ tiểu thuyết, trong công trình, lại thấy một số bài có ghi tên thể loại tản văn phía dưới nhan đề, còn hầu hết các tác phẩm khác thì không ghi thể loại hoặc lại ghi là ký sư, phóng sự, ghi chép, bút ký…
 
Vẫn liên quan đến thể loại, từ khâu đề cương, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành đã cho rằng, nếu đã gọi là “một tuyển tập văn mang tính tập đại thành” thì không nên gọi là tản văn, dễ bị định kiến về mặt thể loại, và sẽ gây ý kiến tranh luận”. Tuy vậy, tên gọi của tuyển tập hiện nay vẫn chính thức là “Tản văn xứ Đoài”, và tính chất thể loại của nó đã được giải thích trong phần đề dẫn. Ông cho rằng cách giải thích ấy đã nói rõ quan niệm tản văn của những người biên soạn, quan niệm ấy đã được vận dụng để tuyển chọn tác phẩm, điều đó cũng là biểu hiện của lập trường khoa học của các tác giả. Nhưng, nếu như tản văn là một thể loại đã có tính xác định trong lý luận văn học thì tạp văn vẫn chưa phải là một khái niệm thể loại. Do vậy, theo PGS. Nguyễn Bá Thành nếu còn có thể điều chỉnh được thì nên sử dụng chữ tạp văn thay thế cho tản văn. Tên gọi này không sang lắm nhưng nó đúng với bản chất thể loại của các tác phẩm đã được chọn.
 
Về kết cấu, cách sắp xếp trong toàn bộ công trình có sự không nhất quán giữa phần trung đại với phần hiện đại, vừa theo niên đại và lại vừa theo vần abc của tên tác giả. Nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Thành cho rằng có thể khắc phục sự không nhất quán đó có thể chia in thành các tập, trung cận đại thành một tập, hiện đại thành nhiều tập.
 
Về dung lượng, bản thảo vượt quá số trang sự kiến với 87 tác giả phần hiện đại và 9 tác giả thời trung đại, tổng cộng là 1428 trang A4. Phần hiện đại như vậy so với phần trung đại, về số tác giả, nhiều gấp gần 10 lần; về số trang, nhiều gấp 13 lần. Một đằng là những tác giả lớn, rất lớn, một đằng bao gồm nhiều tác giả rất mới, sự nghiệp văn chương có người mới bắt đầu. Nhận xét về vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành cho rằng chất lượng toàn bộ công trình tuyển chọn sẽ bị giảm nhiều vì các tác giả mới này.
 
Đánh giá về chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm được tuyển chọn. ông nhận định: nhìn chung, sự tuyển chọn của các tác giả là khá công phu, đã sưu tầm và tập hợp được rất nhiều tác phẩm sinh động nói về con người và vùng đất xứ Đoài của các thời đại. Tuy nhiên nhà nghiên cứu này nhấn mạnh, nếu lọc kỹ hơn nữa, khó tính hơn chút nữa, thì tuyển tập sẽ được nâng cao hơn. Chẳng hạn Cỏ hoang của Lê Tất Điểu, Nhan sắc của Dương Nghiễm Mậu, Chuyện hàng xóm của Bùi Bình Thi, Ngày cưới của Ngô Quân Miện…là những tác phẩm không có gì tiêu biểu cho văn học xứ Đoài và cũng không tiêu biểu cho sáng tác của các nhà văn ấy.
 
Phần giới thiệu tác giả, nhà nghiên cứu này cho rằng cũng cần thể hiện sự thống nhất trong một hình thức nhất quán. Có người có lai lịch, có chức vụ (Chẳng hạn Nguyễn Trí Huân), có người còn sơ sài không có gì (chẳng hạn Đinh Hùng)… Theo ông nên chăng, không cần lý lịch trích ngang, mà chỉ cần tên, bút danh, năm sinh, năm mất, quê quán và tác phẩm chính. Về phần quê quán, đa số quê xứ Đoài vẫn được ghi quận huyện, còn khi tỉnh thành là bắt đầu vênh lệch, chẳng hạn, nếu tác giả là người quê ở Thạch Thất khi thì ghi là Hà Tây cũ, khi thì ghi là Sơn Tây, khi thì ghi là Hà Nội…Về các tác phẩm tiêu biểu của từng tác giả, khi thì ghi tên thể loại: Tiểu thuyết, Thơ, Truyện ngắn…, khi thì chỉ ghi tên tác phẩm mà không có tên thể loại. Về chú dẫn nguồn các tác phẩm được trích, khi thì ghi rõ và đủ các thông tin: tên và số báo, năm xuất bản; tên nhà xuất bản, khi thì không ghi nguồn trích dẫn gì cả. Nhất là những tác phẩm trích nguyên, cũng cần nói rõ, trích từ bản in nào, xuất bản năm nào. PGS.TS. Nguyễn Bá Thành cho rằng đó cũng là một số yêu cầu cơ bản có tính tư liệu thư tịch học đối với các tác phẩm in lại.
 
Cũng liên quan đến quy cách trích dẫn trong tuyển tập, ông lưu ý nhóm biên soạn các tác phẩm dài được trích dẫn một phần hay một số trang, cần có lời giới thiệu sơ qua về tác phẩm được trích và phần trích nằm ở vị trí nào trong nguyên bản của tác phẩm. Và người biên soạn có thể đặt tên cho phần trích dẫn đó, nhưng phải nói rõ, “đầu đề này do chúng tôi tạm đặt”. Các chú thích của nguyên bản thì phải ghi rõ là chú thích này có từ nguyên bản. Còn các chú thích của người biên soạn thì ghi rõ là ban biên soạn, hay ban biên tập.
 
Nhìn chung, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành khẳng định đây là một tuyển tập văn xuôi có ý nghĩa. Nếu hoàn thiện và xuất bản được, sẽ làm cho độc giả hình dung về một xứ Đoài có rất nhiều truyền thống và tinh hoa văn hóa quý báu. Ngày nay, xứ Đoài đã hòa nhập vào Hà Nội, nó đã đóng góp thêm cho Hà Nội những hương sắc mới, nhưng nó vẫn duy trì những nét riêng của một vùng văn hóa lâu đời.
 
Minh An (tổng hợp)
 
Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Bá Thành  - Ủy viên Hội đồng
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá