Tản văn xứ Đoài - một đóng góp mới cho di sản văn học Thăng Long - Hà Nội
Tham gia thẩm định đề tài từ giai đoạn đề cương, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Phó Viện trưởng Viện Văn học - Ủy viên Hội đồng có được một cái nhìn, cách đánh giá xuyên suốt về quá trình biên soạn bản thảo. So sánh từ bản Đề cương đến kỳ họp nghiệm thu Đề cương đề tài và cụ thể là bản thảo Tản văn xứ Đoài (1427 trang), ông cho rằng nhóm soạn giả đã có bước tiến dài, kể từ cách xác định nhan đề (Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội - Tản văn xứ Đoài) tới việc hoàn thành bản thảo vượt yêu cầu về số trang (dự kiến 1200 trang)… PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn tán thành với việc đổi tên đề tài là Tản văn xứ Đoài.
Về phương diện đề tài và giá trị khoa học, theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, nhìn chung, đề tài Tản văn xứ Đoài thuộc hệ đề tài lịch sử văn học, bao quát nội dung các công việc sưu tập, tuyển chọn, hệ thống hóa, biên soạn và viết dẫn luận (bao gồm cả phân tích ý nghĩa công trình cũng như nhấn mạnh quy cách tuyển chọn, biên soạn, chú thích)… Công trình đặt ra yêu cầu đọc, thẩm định số lượng lớn các tác phẩm văn xuôi xứ Đoài trải suốt mười thế kỷ (trung - cận đại - hiện đại - đương đại), từ đó lọc lựa, tinh tuyển các tác phẩm thuộc thể tản văn và được trình bày theo một số tiêu chí, chuẩn mực nhất định.
Việc khảo sát mối quan hệ văn hóa - văn học (cụ thể ở đây là di sản tản văn) giữa vùng văn hóa xứ Đoài với Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa khơi mở, khai thác những quan hệ tương đồng và khác biệt, những xu thế hướng tâm và ly tâm, quan hệ tứ trấn và kinh đô cả trong quá khứ cũng như hiện tại, nhất là khi xứ Đoài đã trở thành vùng địa - văn hóa thống nhất của một Hà Nội hiện đại.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn đánh giá đề tài hướng đến bao quát, tổng hợp các tác phẩm tản văn cả bằng văn tự Hán Nôm và quốc ngữ Latinh viết về xứ Đoài trong suốt mười thế kỷ, kể từ khoảng thế kỷ X đến thời cận - đại, hiện đại và đương đại. Phạm vi tư liệu khảo sát thực sự phong phú, trên cơ sở đó tinh tuyển các tác phẩm thuộc về tản văn, đòi hỏi cả thời gian, công sức, khả năng và sự tinh tế trong cách tuyển chọn.
Bản thảo công trình Tản văn xứ Đoài có cấu trúc gồm hai phần rõ ràng, phân định và sắp xếp các tác phẩm tản văn theo lịch trình thời gian (Từ thời Trung đại - đến hết thế kỷ XIX và Từ đầu thế kỷ XX đến nay). Theo nhà nghiên cứu văn học này, nhìn chung, cấu trúc công trình tuyển soạn hợp lý, giúp người đọc theo dõi thuận lợi cả tiến trình thể loại tản văn nhưng đi vào chi tiết có thể bàn thảo thêm.
Nhận định về kết quả thực hiện đề tài, từ nội dung đề cương viết sách cũng như thực tiễn kinh nghiệm hoạt động quản lý, nghiên cứu, sáng tác của chủ biên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cho rằng nhóm soạn giả đã hoàn thành tốt công trình, góp phần bổ sung nguồn tài liệu văn học truyền thống Thăng Long - Hà Nội với một số điểm đáng ghi nhận như: Số trang vượt yêu cầu; Phần tuyển tác phẩm cơ bản hợp lý; Có Lời giới thiệu (tr.1-9) ngắn gọn; Có phần dẫn giải tiểu sử tác giả; Phần Tài liệu tham khảo cô đúc. Riêng thư mục số 43 là sự liệt kê danh sách tác giả mang tính khái quát.
Để bản thảo công trình hoàn thiện hơn, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cũng đề xuất một vài góp ý cụ thể.
Trước hết, cũng như ý kiến của các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu ông đề nghị nhóm biên soạn chú ý giới thuyết và xác định rõ hơn khái niệm, phạm vi của thể tản văn. Chẳng hạn, xác định tuyển tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí, truyện ngắn Phạm Duy Tốn, Phùng Cung, Đỗ Bảo Châu hoặc loại truyện giai thoại vào thể tản văn?
Một điểm đáng chú ý khác theo nhà nghiên cứu này, đó là cần thống nhất cách định danh hai phần theo thời đại hay niên đại? Cách đặt giai đoạn Từ thời Trung đại - đến hết thế kỷ XIX cần điều chỉnh tiếp (bởi thế kỷ XIX vẫn thuộc thời trung đại, cách định danh không đồng tuyến vì một bên chỉ “thời”, một bên ghi thế kỷ cụ thể)…
Liên quan đến kết cấu công trình, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn cho rằng việc chia phần II hai mục A, B là không cần thiết. Theo ông thì nên chia thành ba phần theo đúng tiến trình văn học sử.
Nhà nghiên cứu văn học này cũng lưu ý thêm nhóm biên soạn nên tham khảo, khai thác thêm nguồn tài liệu tản văn hồi đầu thế kỷ XX còn khá phong phú, mới mẻ nhưng vì lý do thời cuộc nên trước đây vẫn chưa được tập trung khai thác nhiều.
Mặt khác ông cũng chỉ rõ cần chú ý chỉnh sửa lỗi in và thống nhất quy cách (Tên tác phẩm in nghiêng. Tránh trùng lặp việc dẫn giải tiểu sử tác giả ở đầu mục tuyển tác phẩm với Tóm tắt tiểu sử cuối sách...). Việc cân đối dung lượng để số trang không vượt quá nhiều so với dự kiến cũng là một điểm mà PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn đã đề cập.
Một cách khách quan, PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn kết luận bản thảo sách Tản văn xứ Đoài thực sự công phu, đảm bảo nội dung học thuật, đạt kết quả cao.
Minh An (tổng hợp)
Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn - Ủy viên Hội đồng
Nhà xuất bản Hà Nội