Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Tư liệu quý về văn hóa gia đình, dòng tộc ở Thăng Long - Hà Nội
Thứ năm, 19/11/2015 10:06

Tộc ước, gia quy được coi là nguồn tư liệu gốc có liên quan tới đời sống các gia tộc, phong tục tập quán các gia tộc, gia đình và làng xã Việt Nam thời kỳ trước năm 1945 nói chung và của khu vực Thăng Long - Hà Nội nói riêng. Một trong những ý nghĩa to lớn của nguồn tư liệu này là giúp cho các dòng họ ngày nay hiểu biết sâu sắc hơn về những gì mà các thế hệ cha ông đã làm, đã thực hiện để duy trì mối quan hệ bền vững “trong họ, ngoài làng”, xây dựng nếp thuần phong mỹ tục của dòng tộc, của địa phương.

 
Chính vì thế, với tư cách là ủy viên Hội đồng nghiệm thu bản thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Lịch sử khẳng định công trình “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước, gia quy” là một đề tài thật sự có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn. Công trình hoàn thành và công bố rộng rãi sẽ góp phần hữu ích cho công tác nghiên cứu về các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn không chỉ trên phạm vi của Hà Nội ngày nay mà còn là bộ tư liệu quý góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử, văn hoá - xã hội của dân tộc nói chung.
 
Đánh giá về bài Tổng quan về văn bản tộc ước, gia quy Thăng Long - Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ cho rằng tuy chỉ dài chưa đến 60 trang nhưng đây là bài viết thật sự có giá trị về mặt khoa học. Trong phần này, các tác giả đã trình bày khá cụ thể, có tính chất giới thiệu khái quát cho người đọc những nét chung nhất về các loại hình văn bản tộc ước, gia quy, thực trạng tồn tại các văn bản này trên địa bàn Hà Nội hiện nay; về niên đại của các văn bản; về cấu trúc văn bản, tác giả văn bản… Niên đại cổ nhất trên văn bản giấy là Tộc ước họ Nguyễn, xã Bát Tràng, Gia Lâm (năm 1697) và niên đại muộn nhất là Tộc ước họ Đinh ở xã Cự Đà, huyện Thanh Oai (1924). Niên đại cổ nhất của Văn bia tộc ước là năm 1698 (họ Hoàng xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) và niên đại muộn nhất là năm 1946 (họ Đỗ Quang, xã Phú Mỹ, huyện Chương Mỹ)…
 
Theo ông, nội dung quan trong nhất trong phần Tổng quan là các tác giả đã khái quát lại những nội dung chính mà phần lớn các bản tộc ước đều phải đề cập đến (như là một khuôn mẫu chung), trong đó nổi lên và bao trùm là công việc chung của họ tộc bao gồm việc tế tự, tài sản chung của dòng họ, vấn đề tương trợ, đoàn kết trong dòng họ, việc khuyến học. Ngoài ra, vấn đề đời sống cá nhân và gia đình, trong đó có vấn đề đạo đức, nhân cách của các thành viên trong gia đình, dòng họ, vấn đề phong tục tập quán (cưới sinh, lên lão, …) cũng được phần Tổng quan khái quát khá rõ, được xem như là định hướng cho độc giả nghiên cứu nội dung từng bản Tộc ước ở phần II - Các văn bản tộc ước, gia quy.
 
Trong phần II - Các văn bản tộc ước, gia quy, các tác giả đã tiến hành giới thiệu văn bản, chế bản chữ Hán (các bản Tộc ước khắc bia), phiên âm, dịch nghĩa tổng cộng 51 văn bản tộc ước, gia quy của 21 quận huyện, trong đó các quận, huyện có 1 văn bản là Ba Vì, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Mê Linh, Thanh Oai, Thanh Xuân và Ứng Hoà; quận, huyện có số lượng văn bản nhiều nhất là Hoài Đức (5 văn bản); Gia Lâm (4 văn bản)… Trong 51 văn bản Tộc ước có 34 văn bản giấy và 17 văn bản khắc bia. Các tác giả đã xử lý tốt toàn bộ số văn bản kể trên từ chế bản chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và khi cần có chú thích để độc giả hiểu nội dung văn bản chính xác hơn.
 
PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ khẳng định về cơ bản, nội dung công trình đã đáp ứng đầy đủ mục tiêu, yêu cầu của đề tài đặt ra và kỳ vọng đây sẽ là một công trình đặc sắc của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II.
 
Minh An (tổng hợp)
 
Theo nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ  - Ủy viên Hội đồng
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá