Tìm kiếm
Chào mừng bạn đến với trang điện tử của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Bình luận sách |  Bạn đang ở:Trang chủ » Chi tiết bình luận sách
Một công trình có ý nghĩa, giá trị khoa học và thực tiễn to lớn
Thứ năm, 19/11/2015 10:40

Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về dân tộc học, về văn hóa truyền thống các địa phương, PGS.TS. Bùi Xuân Đính - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đặc biệt đề cao ý nghĩa của nguồn tư liệu tộc ước, gia quy. Ông khẳng định đây là vấn đề cần được nghiên cứu vì chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa và xã hội, phản ánh mối quan hệ gia đình, dòng họ, truyền thống giáo dục của người Việt.

 
Với những nội dung được thể hiện trong bản thảo gần 2000 trang (cả phần dịch chú và nguyên bản), PGS.TS. Bùi Xuân Đính khẳng định bản thảo Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Tộc ước, gia quy” do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ biên là công trình có ý nghĩa, giá trị khoa học và thực tiễn to lớn. Bên cạnh đó, với tư cách là Phản biện trong Hội đồng nghiệm thu bản thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Đính cũng đề xuất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào việc chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện bản thảo trước khi xuất bản.
 
Theo nhà nghiên cứu này phần viết về giá trị khoa học của văn bản tộc ước, gia quy trong bài Tổng quan chỉ được trình bày trong 2 trang là chưa tương xứng. PGS.TS. Bùi Xuân Đính đã chỉ rõ những giá trị lớn của văn bản tộc ước, gia quy cần phải được thể hiện rõ trong bản thảo:
 
Trước hết ông khẳng định văn bản tộc ước, gia quy là nguồn tư liệu gốc, rất đáng tin cậy về các khía cạnh: Nguồn gốc, sự hình thành, phát triển và thành đạt của các dòng họ; Tổ chức của dòng họ (các thiết chế và chức danh của họ) cùng các quan hệ dòng họ gồm quan hệ trong dòng họ (hệ thống thứ bậc dòng họ) và quan hệ ngoài dòng họ (thể hiện qua quan hệ hôn nhân); Tình hình sở hữu và sự biến chuyển về sở hữu của một loại hình ruộng đất trong làng xã trước Cách mạng Tháng Tám 1945, thậm chí ở nhiều làng còn tồn tại đến Cải cách ruộng đất 1955- 1957. Đó là ruộng họ và sự chuyển biến của ruộng tư thành ruộng họ thông qua tục gửi hậu, hiến ruộng cho họ, việc thừa kế và phương thức khai thác loại ruộng “bán công bán tư” này; Các tập tục thờ cúng (gắn với việc xây dựng và tu bổ nhà thờ họ, nhà thờ chi họ), nhận họ (và cả khai trừ khỏi họ), cưới xin, tang ma, khao vọng của dòng họ người Việt.
 
Đây là những tư liệu quý để tìm hiểu về dòng họ và văn hóa dòng họ của người Việt, mà dòng họ là bộ phận hợp thành không thể thiếu được của làng xã; do vậy, văn bản tộc ước, gia quy còn là nguồn tài liệu gốc, quý giá để tìm hiểu về làng xã cổ truyền, về văn hóa người Việt nói chung cần được giữ gìn. Nhiều nhân vật trong văn bản tộc ước, gia quy còn gắn liền với lịch sử địa phương và lịch sử đất nước ở các giai đoạn khác nhau, nên tộc ước, gia quy còn là một trong những tài liệu gốc để tìm hiểu một số khía cạnh về lịch sử đất nước và lịch sử các địa phương mà các bộ quốc sử không ghi chép.
 
Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh văn bản tộc ước gia quy còn có các giá trị khác như giá trị giáo dục đạo đức, thế ứng xử của con người trước các mối quan hệ xã hội cần được nghiên cứu để có định hướng giữ gìn và phát huy những mặt tốt, loại bỏ những hạn chế và tiêu cực; góp phần vào việc giáo dục gia đình, xây dựng đời sống gia đình trong bối cảnh đạo đức xã hội đang bị xuống cấp hiện nay.
 
Bên cạnh đó tộc ước, gia quy còn có giá trị về văn bản học (ví dụ chữ húy trong tộc ước gia quy)… Nói chung, tộc ước gia quy là một sản phẩm văn hóa, nên cần nghiên cứu sâu để có hướng bảo tồn nguồn tài liệu Hán Nôm quý giá này.
 
PGS.TS. Bùi Xuân Đính cũng lưu ý nhóm biên soạn một số vấn đề khác của bản thảo như việc giải thích các thuật ngữ, cụ thể qua một số trường hợp như:
 
- Chủ tế (có làng gọi là cai đám): cần phải nói thêm tiêu chuẩn của người này: phải là người song toàn, đông con nhiều cháu, đức độ, có uy tín trong dân, không có dị tật về cơ thể, không mắc tang trở.
 
- Lan nhai (cheo): cần giải thích thêm, có nhiều loại cheo là cheo làng (thường nộp bằng một số gạch để lát đường đi hoặc mâm đồng dùng trong cỗ bàn ở đình….), cheo xóm, cheo giáp.  Từ “lan nhai” (lan giai) hay cheo trong các bản tộc ước gia quy là việc nộp cheo cho họ, khi một người con gái trong họ đi lấy chồng.
 
- Thường tân: phải giải thích là lễ dâng cơm mới, khi có lúa chín đầu tiên.
 
- Xuân tếThu tế: đối với dòng họ (thường chỉ là các họ lớn, bề thế) là tế tổ vào mùa Xuân (thường vào tháng Hai) và mùa Thu (tháng Tám); cả hai lễ tế đều chọn ngày Thượng Đinh, tức ngày Đinh của tuần đầu tiên trong tháng. 
 
- Mục “Phàm lệ” này nên giải thích thêm một số từ, chẳng hạn kỳ anh (các bậc già cả có chức sắc), môn sinh là những người cùng học một thầy…
 
Nhà nghiên cứu này cũng đề nghị nhóm biên soạn cần rà soát lại các văn bản để phát hiện các chi tiết chưa thật chính xác trong nội dung trong các bản tộc ước gia quy. Ông nêu ra một số ví dụ cụ thể như:
 
- Trang 161, xã Hải Bối trước đây thuộc huyện Yên Lãng, tỉnh Sơn Tây; ngày nay thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, không phải thuộc huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phú (tỉnh này không còn từ đầu năm 1997).
 
- Trang 325, cần điều chỉnh làng Nhân Ái nay là thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức; có lẽ từ khi Minh Mệnh lên ngôi vua, vì kỵ húy, làng Nhân Ái phải đổi thành Hậu Ái.
 
- Trong một số tộc ước, người soạn văn bản thường ghép tên huyện và tên xã làm một nên cần dịch cụ thể, chẳng hạn Từ Vân cần dịch là huyện Từ Liêm, xã Vân Canh.
 
Bên cạnh đó với vấn đề xử phạt của các dòng họ ở bản thảo này các tác giả mới đưa ra được một số nhận xét định tính, chưa hẳn chính xác và thuyết phục.  Do đó theo ông Bùi Xuân Đính cần có bảng thống kê trong các bản tộc ước, gia quy (hoặc một số bản tiêu biểu) về các hình thức xử phạt để thấy được định lượng của các hình phạt của dòng họ được ghi trong loại hình văn bản này.
 
Ngoài ra, PGS.TS. Bùi Xuân Đính cũng lưu ý nhóm biên soạn về kỹ thuật trình bày: cần thống nhất cách viết hoa, viết thường; cần thống nhất cách ghi các địa danh, đơn vị hành chính; cần có maket trình bày...
 
Một cách tổng thể, PGS.TS. Bùi Xuân Đính khẳng định đây là một bản thảo có ý nghĩa và được biên soạn một cách công phu, có chất lượng khoa học. Sau khi nhóm tác giả điều chỉnh, sửa chữa theo ý kiến đóng góp của Hội đồng, bản thảo này có thể in thành sách để phục vụ việc nghiên cứu, giới thiệu về truyền thống, văn hóa các dòng họ.
 
Minh An (tổng hợp)
 
Theo nhận xét của PGS.TS. Bùi Xuân Đính  - Phản biện 1
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
  • Thời tiết - Tỉ giá
  • Giá vàng
    Tỉ giá