Góp phần nghiên cứu về văn hóa tộc họ - văn hóa xã hội Thăng Long - Hà Nội
Sau khi đọc bản thảo gồm 735 trang đánh máy giấy A4, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu - đánh giá đây là tập bản thảo có chất lượng tốt, nhất là với độc giả Thăng Long - Hà Nội. Tập bản thảo dày dặn, quy cách biên soạn, sắp xếp nội dung tư liệu tộc ước gia quy theo thứ tự các quận huyện là hợp lý. Phần khảo cứu khá bao quát, cho thấy diện mạo cụ thể của sưu tập tư liệu Hán Nôm về tộc ước. Phần phiên âm, dịch nghĩa tuy nhiều văn bản không có chữ Hán, nhưng theo nhà nghiên cứu Hán Nôm này thì qua phần phiên âm thấy được các bản dịch khá tốt, ít lỗi kỹ thuật.
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, từ góc độ chuyên sâu, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân cũng đề xuất một số ý kiến nhằm hoàn thiện bản thảo.
Trước hết về tên gọi, theo PGS.TS. Đinh Khắc Thuân, khái niệm Tộc ước, gia quy đã được biện luận khá rõ trong phần Tổng quan, nhưng cách dùng khái niệm này trong bản thảo chưa thống nhất. Cụ thể ở tiêu đề giới thiệu là văn bản tộc ước, gia quy, nhưng trong nội dung tư liệu thì chỉ đề cập đến tộc ước các họ, mà không thể hiện nội dung gia quy.
Một vấn đề quan trọng khác đó chính là việc giải thích một số từ ngữ. Theo đánh giá của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân thì phần này còn có phần hình thức, còn thiếu nhiều thuật ngữ cần thiết khác, ví dụ: Bả lệnh, lễ Tiến tân... Ông cũng yêu cầu cần làm rõ quy cách chọn thuật ngữ theo phiên âm hay lấy theo bản dịch, vì có những từ phiên âm và bản dịch có cách đọc khác nhau (ví dụ như: theo phiên âm thì có “Đương cai”, còn theo bản dịch thì không có “Đương cai” mà có “Đăng cai” hay “Đang cai”). Theo đề xuất của nhà nghiên cứu này thì nên bổ sung thêm bảng tra cứu thuật ngữ ở cuối sách để nâng cao hơn nữa giá trị công trình.
Đối với phần tuyển dịch, theo đánh giá của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân một số văn bia quy ước cúng giỗ chưa thật sự tiêu biểu. Nếu chỉ chọn văn bia có nội dung quy định cúng giỗ dòng họ thì các quận khác còn lại ở Hà Nội hoàn toàn có thể tìm được. Chính vì thế, nhà nghiên cứu này cho rằng nên chăng bổ sung thêm một số quận huyện khác để đảm bảo tính phong phú, đầy đủ, bao quát của công trình.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Đinh Khắc Thuân cũng lưu ý nhóm biên soạn rà soát lại nội dung các văn bản tuyển dịch, để tránh trường hợp sự thiếu nhất quán giữa tiêu đề và nội dung, điển hình như một số tài liệu khác tuy đầu đề ghi chúc thư, nhưng bên trong lại ghi việc phân chia tài sản, cúng giỗ, dưỡng lão như thế nào.
Một lưu ý nhỏ khác của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân là cần nêu chính xác nguồn tài liệu Hán Nôm được tuyển chọn không phải là Thư viện Hán Nôm (nơi lưu trữ sách tiếng Việt và tiếng nước ngoài), mà là kho sách Hán Nôm (nơi lưu trữ sách Hán Nôm).
Minh An (tổng hợp)
Theo nhận xét của PGS.TS. Đinh Khắc Thuân - Ủy viên Hội đồng
Nhà xuất bản Hà Nội